Phát triển các đặc khu kinh tế và kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Mặc dù không phải tất cả các đặc khu kinh tế ở Hàn Quốc thành công, song kinh nghiệm thu được trong quá trình phát triển các đặc khu kinh tế khác nhau trong 40 năm qua đã mang lại nhiều bài học.
Một Khu Kinh tế Tự do tại Hàn Quốc. (Nguồn: pearsonkorea.com)

Trên thế giới, Hàn Quốc là một hình mẫu trong việc thiết lập các Đặc khu kinh tế (SEZ) ở giai đoạn đầu công nghiệp hóa và phát triển kinh tế.

Các đặc khu kinh tế của Hàn Quốc đã được phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau từ năm 1970, bắt đầu là Khu Chế xuất Masan.

Lúc đầu khi được chỉ định là Đặc khu kinh tế vào năm 1970, khu vực này hoạt động như một khu chế xuất. Đây là một trong những đặc khu kinh tế thành công nhất trong quá trình công nghiệp hóa ở Hàn Quốc và là khu chế xuất thành công nhất trên thế giới.

Mô hình Khu chế xuất Masan, tập trung các ngành sử dụng nhiều lao động trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa của Hàn Quốc, đã được nhân rộng thành 7 khu tính tới năm 2017 trên toàn Hàn Quốc.

Sau mô hình Khu chế xuất Masan, vào những năm 1990 thế kỷ trước, khi xu hướng toàn cầu hóa mở rộng, việc mở cửa nền kinh tế Hàn Quốc và thu hút đầu tư nước ngoài trở thành vấn đề quan trọng hơn, Khu Đầu tư Nước ngoài đã xuất hiện ở Hàn Quốc.

Sau đó, vào những năm 2000 là mô hình Khu Kinh tế Tự do, giống như kiểu trung tâm thương mại, nhằm tạo một môi trường đầu tư cạnh tranh hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và để mở cửa hoàn toàn ngành dịch vụ.

Gần đây, các khu kinh tế khoa học cũng đã được hình thành như Innopolis và Vành đai kinh tế khoa học để thay đổi cơ cấu kinh tế bằng những sáng chế.

Các đặc khu kinh tế của Hàn Quốc đã liên tục phát triển thành nhiều loại hình khác nhau trong nhiều thập kỷ qua. Mặc dù không phải tất cả các đặc khu kinh tế ở Hàn Quốc là thành công, song kinh nghiệm về chính sách thu được trong quá trình phát triển các đặc khu kinh tế khác nhau trong 40 năm qua của Hàn Quốc đã mang lại nhiều bài học cho các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia khác.

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc chịu trách nhiệm chỉ định các đặc khu kinh tế. Người đứng đầu các cơ quan hành chính trung ương hoặc Thị trưởng thành phố cũng có thể nộp đơn xin hình thành một khu vực như vậy.

Các điều kiện để xin là khu vực đó phải thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất định hướng xuất khẩu và bán buôn và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tỷ lệ xuất khẩu của các công ty xuất khẩu phải đạt ít nhất là 50% trong khi các doanh nghiệp FDI phải đầu tư ít nhất 100 triệu USD và sở hữu hơn 10% cổ phần.

Phân loại đặc khu kinh tế ở Hàn Quốc

Các ngành công nghiệp trong đặc khu kinh tế được lựa chọn nhiều nhất là những ngành liên quan đến công nghệ tiên tiến, chuyên môn cao và bất kỳ nguồn vốn FDI nào thu hút các doanh nghiệp tham gia Dự án Công nghiệp Chiến lược Khu vực của Hàn Quốc.

Thế kỷ 21 là thời gian để Chính phủ Hàn Quốc biến các khu công nghiệp truyền thống thành đặc khu kinh tế nhằm thúc đẩy các ngành dịch vụ và công nghệ cao.

Các đặc khu kinh tế tại Hàn Quốc hiện được chia thành các loại sau: Khu Thương mại Tự do, Khu Kinh tế Tự do, Khu Đầu tư Nước ngoài, Đặc khu Saemangeum, Thành phố Doanh nghiệp, Đặc khu Nghiên cứu và Phát triển, Vành đai Doanh nghiệp Khoa học Quốc tế, Đặc khu Kinh tế phát triển vùng.

Khu Thương mại Tự do đảm bảo các hoạt động sản xuất, hậu cần, phân phối và thương mại linh hoạt để khuyến khích đầu tư nước ngoài, xúc tiến thương mại, hậu cần quốc tế và phát triển khu vực.

Hiện nay, tại Hàn Quốc có hai loại Khu Thương mại Tự do: Khu Thương mại Tự do Công nghiệp và Khu Thương mại Tự do Hậu cần sân bay/bến cảng.

Khu Kinh tế Tự do (tổng cộng hiện Hàn Quốc có 8 khu) được thành lập năm 2003 nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài và đưa Hàn Quốc trở thành một trung tâm kinh tế lớn ở Đông Bắc Á.

Các nhà hoạch định ban đầu đã hình dung các khu này đóng vai trò là môi trường thân thiện với doanh nghiệp toàn cầu, nên nới lỏng triệt để các quy định và theo đuổi các kế hoạch thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi cải cách lập pháp và thể chế năm 2003, Khu Kinh tế Tự do ở nước này vẫn tiếp tục gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến chính sách, như chiến lược phát triển chồng chéo, chuyển hướng sang các dự án phát triển nông thôn, quá trình phát triển bị cản trở và môi trường đầu tư không thân thiện.

Khu Đầu tư Nước ngoài được Chính phủ Hàn Quốc xây dựng để mang lại các ưu đãi đa dạng về mặt hành chính như miễn thuế hoặc miễn phí thuê đối với các tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư.

Loại hình này nhằm thúc đẩy dòng vốn nước ngoài để cải thiện năng suất trong ngành công nghiệp, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tăng việc làm.

Hiện ở Hàn Quốc có Khu Đầu tư Nước ngoài dành cho các tập đoàn nước ngoài có kỹ năng công nghệ cao và Khu Đầu tư Nước ngoài dành cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung.

Trong những năm gần đây, do việc nghiên cứu & phát triển và thu hút các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao trở nên quan trọng hơn, nên Chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng cung cấp cơ sở hạ tầng được trang bị đầy đủ và đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài cả ở trong và ngoài Khu Đầu tư Nước ngoài.

Đặc khu Saemangeum ban đầu được hình thành với ý tưởng cải tạo bãi đất nơi các con sông và đại dương gặp nhau để tạo ra vùng đất canh tác mới và ổn định.

Sau này, khi Chính phủ Hàn Quốc quyết định biến Hàn Quốc thành một trung tâm kinh tế ở Đông Bắc Á, họ đã cố gắng tối đa hóa lợi ích địa chính trị từ các đô thị của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân, bằng cách chuyển đổi Đặc khu Saemangeum từ vùng đất canh tác 100% thành khu vực có 70% đất đô thị và 30% đất canh tác.

Thành phố Doanh nghiệp là một SEZ được thành lập ở các vùng kém phát triển để thúc đẩy sự phát triển cân bằng trên cả nước. Đặc khu kinh tế này cho phép các doanh nghiệp đầu tư vốn và công nghệ theo mong muốn của họ để xây dựng một thành phố có đủ các dịch vụ y tế, giáo dục, sản xuất, nghiên cứu, nhà ở.

Việc ra đời Thành phố Doanh nghiệp nhằm làm giảm sự tập trung của các doanh nghiệp ở Seoul với việc cho phép các tập đoàn tham gia quy hoạch thành phố vệ tinh này.

Đặc khu Nghiên cứu & Phát triển là các khu vực được tạo ra để phát triển các công nghệ mới qua nghiên cứu & phát triển và thương mại hóa. Trong các đặc khu kinh tế này, các cơ quan sáng tạo như viện nghiên cứu cùng các trường đại học, tập đoàn, tổ chức tài chính và tổ chức hỗ trợ tự lập các nhóm nghiên cứu và phổ biến kết quả nghiên cứu thông qua các thỏa thuận hợp tác.

Vành đai Kinh tế Khoa học Quốc tế là đặc khu được thành lập để tạo ra một cụm sáng tạo dựa trên sự phát triển khoa học thế giới, hoạt động như một động lực tăng trưởng mới để đưa Hàn Quốc trở thành một siêu cường.

Các nhà hoạch định vành đai ban đầu đã tìm cách thiết lập một cơ sở nghiên cứu mở cho toàn cầu, tạo ra một môi trường nghiên cứu khoa học cơ bản đẳng cấp thế giới.

Đặc khu Kinh tế phát triển vùng là một đặc khu kinh tế tích cực điều chỉnh các quy định pháp lý sao cho phù hợp với địa phương và thúc đẩy sự phân cấp và sự khác biệt giữa các khu vực, qua đó thúc đẩy kinh tế vùng.

Yếu tố thúc đẩy thành công của các đặc khu kinh tế

Trong số hàng chục yếu tố góp phần vào sự thành công của các Đặc khu kinh tế (SEZ) ở Hàn Quốc, 5 yếu tố có ảnh hưởng nhất là vị trí thuận lợi, thời điểm thiết lập, dịch vụ một cửa, sự lôi cuốn các công ty đa quốc gia hàng đầu và sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền.

Các đặc khu kinh tế của Hàn Quốc được đặt ở những vị trí thuận lợi, với cơ sở hạ tầng chất lượng cao, dễ dàng vận chuyển hàng hóa, năng lượng và hệ thống thông tin liên lạc đầy đủ. Ví dụ, Đặc khu Masan được thành lập ở gần cảng và sân bay (chỉ cách cảng Busan và sân bay Gimpo một giờ lái xe). Đặc khu Masan cũng gần các khu công nghiệp khác như Khu công nghiệp Changwon, Gwangyang và Busan.

Thời điểm thiết lập cũng là một yếu tố góp phần vào thành công của các SEZ. Trong trường hợp của Masan, sự hình thành của khu chế xuất này vào đầu những năm 70 thế kỷ trước đúng vào lúc các công ty Nhật Bản di chuyển ra nước ngoài do sự bùng nổ kinh tế. Nhiều tập đoàn Nhật Bản đã chuyển đến Masan.

Yếu tố quan trọng tiếp theo là cơ chế dịch vụ một cửa. Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng một kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các dịch vụ, thủ tục hành chính, như tư vấn đầu tư và cấp giấy phép kinh doanh được tiến hành ngay tại cơ quan quản lý đặc khu kinh tế. Sự hợp tác của các cơ quan hải quan, bưu điện, cứu hỏa, các tổ chức tài chính... giúp tối đa hóa hiệu quả về mặt hành chính.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nổi tiếng như Nokia (Phần Lan), Sony (Nhật Bản) và Sanyo (Nhật Bản) đã được mời đến Masan. Điều này đã nâng cao danh tiếng của đặc khu kinh tế và dẫn đến sự gia tăng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cũng nhờ đó, các công ty địa phương đã học tập kinh nghiệm, hoạt động minh bạch, quản lý theo định hướng lợi nhuận và đầu tư tích cực vào nghiên cứu và phát triển.

Cuối cùng, các SEZ ở Hàn Quốc nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền. Chính quyền trung ương Hàn Quốc đã dẫn dắt sự phát triển và vận hành của các khu kinh tế tự do, cho các doanh nghiệp thuê đất giá rẻ trong các đặc khu này và cung cấp các ưu đãi khác như giảm thuế, đảm bảo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư.

Tại Masan, giá thuê đất chỉ khoảng 130 won/m2 (0,14 USD/m2). Các doanh nghiệp thuê đất trong Masan được phép trao đổi hàng hóa và thiết bị nhập khẩu và đưa nguyên liệu thô vào mà không phải trả thuế giá trị gia tăng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp FDI trong Masan được miễn thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp trong 5 năm bắt đầu từ năm tính thuế đầu tiên và được giảm thuế 50% trong 2 năm sau đó.

Theo luật thuế, các ưu đãi thuế khác nhau như giảm thuế đất, thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập được áp dụng như nhau cho các Khu Kinh tế Tự do, Khu Đầu tư Nước ngoài, cũng như Khu Thương mại Tự do. Các công ty trong Masan còn được miễn thuế mua lại và thuế đăng ký trong tối đa 15 năm theo các quy định của địa phương.

Kinh nghiệm cho các nước đang phát triển

Trước khi thành lập các đặc khu kinh tế, các quốc gia cần nghiên cứu đầy đủ tính khả thi về kinh tế và lập kế hoạch cẩn thận. Việc đánh giá và giám sát hoạt động của các đặc khu kinh tế cũng rất quan trọng để các khu này đạt được những kết quả tốt.

Chính quyền trung ương phải tham gia vào việc này bởi nếu trao hết quyền hạn và trách nhiệm cho chính quyền địa phương, các đặc khu kinh tế có xu hướng không thành công.

Trong trường hợp ngoại lệ, đối với các quốc gia có lãnh thổ rộng lớn như Trung Quốc, chính quyền trung ương có thể trao toàn bộ quyền quản lý các đặc khu kinh tế cho chính quyền địa phương và để họ phát triển các khu vực đó một cách độc lập.

Tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia, chính quyền trung ương phải tham gia quản lý vì các đặc khu kinh tế sử dụng các nguồn lực quốc gia như tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động.

Mặt khác, việc không kiểm soát có thể dẫn đến số lượng đặc khu kinh tế quá nhiều. Sau khi thành lập SEZ dựa trên nghiên cứu khả thi về kinh tế và điều kiện của các địa điểm, cơ quan quản lý nên giới thiệu các ngành phù hợp để có thể hình thành các cụm công nghiệp, thay vì để đặc khu kinh tế trở nên giống một "cửa hàng bách hóa."

Thực tế ở một số quốc gia trên thế giới cho thấy việc thành lập cùng loại đặc khu kinh tế ở nhiều khu vực mà không có sự đa dạng hóa đã dẫn đến thất bại hoàn toàn do sự cạnh tranh không cần thiết giữa các đặc khu kinh tế. Tránh thiết lập quá nhiều là một trong những yếu tố quan trọng cho sự thành công của chính sách nói chung.

Do đó, việc thành lập đặc khu kinh tế cần được nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện địa điểm, tăng trưởng kinh tế và trình độ công nghiệp. Sau khi một số đặc khu kinh tế hoạt động thành công, có thể nghiên cứu thêm để thiết lập các đặc khu khác.

Ngoài ra, các cụm công nghiệp nên được thiết lập dựa trên chiến lược tập trung và chọn lọc, và các cụm công nghiệp phải được kết nối hiệu quả bằng cơ sở hạ tầng đầy đủ.

Một yếu tố nữa đối với đặc khu kinh tế là lựa chọn loại hình. Như đã mô tả ở trên, các loại hình đặc khu kinh tế cần được xác định cẩn thận, phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia nhất định.

Ví dụ, các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp và có các ngành dịch vụ phát triển chậm không phù hợp với mô hình đặc khu kinh tế kiểu "trung tâm thương mại," vốn phổ biến ở nhiều quốc gia gần đây.

Tóm lại, trình độ công nghiệp hiện tại và ngành công nghiệp mục tiêu cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thành lập đặc khu kinh tế và các ngành được lựa chọn nên được thúc đẩy để hình thành các cụm công nghiệp.

Sau khi thiết lập các đặc khu kinh tế, chính quyền trung ương phải kiên định quản lý để có thể được phát triển theo các cấp độ phát triển kinh tế của đất nước. Trong trường hợp Hàn Quốc, việc thành lập các đặc khu này ở một số khu vực được chọn ngẫu nhiên đã dẫn đến một số tác dụng phụ, chi phí kinh tế lớn và xác suất thành công rất thấp.

Các đặc khu kinh tế cần tạo ra môi trường phù hợp và hiệu quả cho các ngành công nghiệp phát triển trong tương lai. Sự hỗ trợ của chính quyền trung ương là rất quan trọng, với tài chính và cơ sở hạ tầng cần được ưu tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục