Kinh tế Hàn Quốc sẽ ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1998

Trong trường hợp xấu nhất là đại dịch COVID-19 vẫn chưa được ngăn chặn vào cuối năm nay, Viện Phát triển Hàn Quốc dự báo kinh tế Hàn Quốc sẽ giảm 1,6% trong năm 2020.
Kinh tế Hàn Quốc sẽ ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1998 ảnh 1Container hàng hóa được bốc dỡ tại thành phố cảng Busan, Đông Nam Hàn Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) ngày 20/5 dự đoán đại dịch COVID-19 sẽ đẩy nền kinh tế Hàn Quốc vào đợt giảm tốc sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Theo báo cáo của KDI, trong trường hợp kinh tế toàn cầu phục hồi trong nửa cuối năm 2020, kinh tế Hàn Quốc có thể tăng trưởng 0,2% trong năm nay.

Đây là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1998, thời điểm nền kinh tế lớn thứ tư châu Á tăng trưởng âm 5,1%.

Còn trong trường hợp xấu nhất là đại dịch COVID-19 vẫn chưa được ngăn chặn vào cuối năm nay, KDI dự báo kinh tế Hàn Quốc sẽ giảm 1,6% trong năm 2020.

[Nền kinh tế Hàn Quốc có thêm nhiều tín hiệu đáng quan ngại]

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế nước này sẽ giảm 1,2% trong năm nay, trong khi kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ chứng kiến năm tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái hồi những năm 1930.

Trong quý 1/2020, kinh tế Hàn Quốc đã giảm 1,4% so với quý trước đó, ghi dấu mức giảm theo quý sâu nhất kể từ quý 4/2008.

KDI còn phác họa một bức tranh ảm đạm hơn cho hoạt động xuất khẩu, với dự đoán kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ giảm 15,9% trong năm nay do các biện pháp phong tỏa trên toàn thế giới đã làm giảm nhu cầu đối với các hàng hóa của Hàn Quốc.

Năm ngoái, xuất khẩu của nước này đã giảm 10,3% do chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Theo KDI, tiêu dùng tư nhân được dự đoán giảm 2% trong năm 2020 do ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh.

Để thúc đẩy nền kinh tế, Hàn Quốc đã cam kết các gói cứu trợ trị giá khoảng 240.000 tỷ won (196 tỷ USD). KDI cho rằng chính phủ cần thảo luận một kế hoạch tăng thuế.

Bên cạnh đó, theo cơ quan này, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cần cắt giảm lãi suất xuống gần mức 0 và mua trái phiếu chính phủ.

Trước đó, hồi tháng Ba, BoK đã giảm lãi suất khẩn cấp lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua, đưa lãi suất từ 1,25% về mức thấp kỷ lục 0,75%.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI) ngày 20/5 cho biết nguồn thu từ thuế doanh nghiệp của Hàn Quốc dự kiến sẽ giảm trong năm nay, đánh dấu lần giảm đầu tiên sau sáu năm do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đối với các ngành công nghiệp chủ chốt của nước này.

Theo KERI, nguồi thu thuế doanh nghiệp của Hàn Quốc đã tăng trong 5 năm qua, từ 45.000 tỷ won (36,6 tỷ USD) năm 2015 lên 72.000 tỷ won (59 tỷ USD) trong năm 2019.

Tuy nhiên, trong năm nay, con số này có thể giảm xuống còn 56.500 tỷ won (45,9 tỷ USD), thấp hơn 12% so với dự báo trước đó của chính phủ là 64.400 tỷ won (52,3 tỷ USD).

Một quan chức của KERI cho biết nguồn thu từ thuế doanh nghiệp trong năm nay nhiều khả năng còn giảm sâu hơn nữa vì các công ty sẽ đối mặt với nhu cầu suy yếu do dịch bệnh, trong khi họ vẫn phải trả thuế cho hoạt động nửa đầu năm vào tháng Tám tới.

Trong quý 1/2020, nguồn thu từ thuế của Hàn Quốc đã giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019, xuống còn 69.500 tỷ won (56,5 tỷ USD). Trong khi đó, chi tiêu của chính phủ đang gia tăng để thúc đẩy nền kinh tế thông qua một loạt gói kích thích.

Ngân sách năm 2020 của Chính phủ Hàn Quốc đã lên tới 512.300 tỷ won (416,6 tỷ USD).

Đầu năm nay, Quốc hội nước này đã thông qua hai vòng ngân sách bổ sung trị giá 23.900 tỷ won (19,4 tỷ USD), chủ yếu để giúp giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 cũng như hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho tất cả các hộ gia đình.

Bộ Tài chính Hàn Quốc có kế hoạch chi hơn 60% ngân sách nhà nước trong nửa đầu năm nay và xem xét cắt giảm thêm các khoản chi vốn được lên kế hoạch trước đó. Động thái này là để đảm bảo nguồn tài trợ cho một đợt chi tiêu khác nhằm khắc phục hậu quả từ đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, việc Chính phủ Hàn Quốc tăng mạnh chi tiêu công đã làm dấy lên mối lo ngại rằng nước này có thể bị thâm hụt ngân sách lớn hơn trong năm nay.

Trong quý 1/2020, nước này đã thâm hụt ngân sách 55.300 tỷ won (44,9 tỷ USD), mức cao kỷ lục kể từ khi số liệu này được thu thập vào năm 2003./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.