Phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi: Việt Nam cần lưu ý gì?

Để khai thác hiệu quả tiềm năng điện gió cũng như phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi và bổ sung vào Quy hoạch điện 8, Việt Nam cần phải hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình này.
Phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi: Việt Nam cần lưu ý gì? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trong đó điện gió ngoài khơi được coi là một trong những giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để khai thác hiệu quả tiềm năng điện gió cũng như phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi và bổ sung vào Quy hoạch điện 8, Việt Nam cần phải hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình này.

Quy hoạch không được gây ra xung đột

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nhiều chuyên gia cho rằng quy hoạch không gian biển có vai trò rất quan trọng, giúp Việt Nam xác định các khu vực phù hợp cho các dự án năng lượng gió ngoài khơi, nhất là trong bối cảnh phát triển nền kinh tế xanh bằng việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.

Tuy nhiên, khung pháp lý cho việc bổ sung điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch điện 8 vẫn còn “dậm chân tại chỗ.” Trong rất nhiều nguyên nhân, có điểm nghẽn lớn nhất là đến nay nước ta vẫn chưa có quy hoạch không gian biển, dù chủ trương phát triển kinh tế biển đã được đề cập trong suốt nhiều năm qua.

Theo ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện nay, Việt Nam mới chỉ xác định được các vùng biển có tiềm năng phát triển điện gió theo khu vực và địa danh các tỉnh như: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng.

“Vì thế, đối với các khu vực được quy hoạch để phát triển điện gió ngoài khơi cần có các nghiên cứu chuyên sâu để đề xuất cụ thể,” ông Thi nhấn mạnh.

[Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch không gian biển quốc gia]

Phân tích từ góc độ thành viên Nhóm xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia, tiến sỹ Nguyễn Minh Sơn - chuyên gia về biển, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, nhấn mạnh phân vùng biển là một trong những nội dung chính và quan trọng trong Quy hoạch không gian biển quốc gia.

“Lợi ích của việc phân vùng biển là giảm xung đột sử dụng, bảo vệ các khu vực quan trọng về mặt sinh thái, hỗ trợ hoạt động phát triển,” ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, đến nay, nhóm nghiên cứu đã xác định được các vùng cấm khai thác, vùng khai thác có điều kiện, khu vực cần bảo vệ đặc biệt, khu vực khuyến khích phát triển theo 4 vùng phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, trên thực tế việc phân vùng vẫn còn một số hạn chế do thông tin, dữ liệu đầu vào.

Đơn cử, nhiều sinh cảnh quan trọng (như rạn san hô, thảm cỏ biển) chưa xác định được diện tích, ranh giới; nhiều quy hoạch ngành chưa được phê duyệt, nên dữ liệu sử dụng tích hợp vào quy hoạch chung có thể thay đổi; nhiều quy hoạch ngành chưa được phê duyệt nên dữ liệu sử dụng tích hợp vào quy hoạch này có thể thay đổi.

Ông Nguyễn Đức Toàn - Cục trưởng Cục Biển và hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đánh giá quá trình quy hoạch không gian biển ở Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Vì thế, quy hoạch không gian biển, trong đó có điện gió ngoài khơi cần tránh mâu thuẫn giữa các ngành, tránh gây ra xung đột giữa phát triển kinh tế với bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học.

Đảm bảo hài hòa giữa điện gió và bảo tồn

Theo các chuyên gia, bằng cách tạo nên một khuôn khổ ra quyết định và huy động sự tham gia của các bên liên quan, quy hoạch không gian biển có thể đảm bảo phát triển bền vững về mặt xã hội, môi trường của các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi: Việt Nam cần lưu ý gì? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: europapress)

Đặc biệt, trong quy hoạch không gian biển, Việt Nam cần xác định các vùng ưu tiên/khuyến khích phát triển điện gió ngoài khơi; không nên xây dựng các trang trại/cánh đồng điện gió ở các vùng/khu vực nhạy cảm với sinh vật biển.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Sơn cho rằng mong muốn của Nhóm xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia là cần làm rõ các vùng được chỉ định cho phát triển kinh tế biển, nhất là điện gió, khai thác khoáng sản (cát), thăm dò, khai thác dầu khí.

Theo đó, Nhà nước cần có nghiên cứu chuyên sâu xác định các tiêu chí và khu vực đối với vùng ưu tiên/khuyến khích phát triển điện gió, hỗ trợ việc cấp phép sử dụng biển của nhà quản lý và định hướng đầu tư của các nhà đầu tư.

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Peter Haugan - Giám đốc Chính sách Viện Nghiên cứu Hải dương Na Uy cũng cho rằng việc xây dựng dự án điện gió ngoài khơi cần được tính toán kỹ lưỡng để có thể kết nối hài hòa với các ngành và công tác bảo tồn biển, cũng như các loài cá và sinh vật biển.

Vì thế, theo ông Peter Haugan, các dự án điện gió ngoài khơi cần thực hiện khảo sát đầu kỳ tại khu vực biển triển khai dự án trước khi xây dựng.

Trên cơ sở đó, ông Peter Haugan khuyến nghị Việt Nam không nên xây dựng các trang trại điện gió ở những khu vực sinh sản quan trọng và tuyến đường di cư của cá, khu vực thả lưới đánh bắt đối với một số loài động vật biển; không nên xây dựng các trang trại điện gió ở những khu vực đặc biệt nhạy cảm hoặc có giá trị; tránh xây dựng trong giai đoạn sinh sản của cá.

Vị chuyên gia gia Na Uy cũng khuyến nghị Việt Nam nên có hướng dẫn rõ ràng về việc ngừng hoạt động sau khi kết thúc giai đoạn vận hành; sử dụng các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn như màn bong bóng trong quá trình xây dựng.

Ngoài ra, Việt Nam nên sử dụng vật liệu để neo các tuabin nổi tạo ra ít âm thanh nhất trong quá trình chuyển động của các tuabin để tránh việc xích neo bị giật mạnh đột ngột; giám sát các thay đổi vật lý, sinh học trong khu vực, giai đoạn vận hành và sau khi ngừng hoạt động của các trang trại điện gió.

“Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý Nhà nước của các ngành, lĩnh vực liên quan cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý cần thiết nhằm đảm bảo các nguyên tắc về quản lý tổng hợp vùng biển,” ông Peter Haugan nhấn mạnh./.

Theo báo cáo “Kinh tế biển xanh - Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cùng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, công bố vào tháng 5/2022 cho thấy nếu thực hiện kịch bản xanh lam - tức là phát triển bền vững - ước tính các ngành kinh tế biển của Việt Nam có thể chiếm 34% GDP (khoảng 23,5 tỷ USD) vào năm 2030. Ngoài ra, thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người của người lao động trong các ngành này sẽ tăng tới 77,9 % (khoảng7.100 USD) so với kịch bản thông thường.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục