Phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Không quá khó ứng dụng công nghệ AI trong từng sản phẩm, các dự án khởi nghiệp Việt Nam có thể chọn những nhánh nhỏ để đi.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Ngày 21/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh - SHTP) đã tổ chức hội thảo chuyên đề “AI-Powered Startup,” nhằm chia sẻ thông tin về xu hướng phát triển công nghệ AI trên thế giới và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Nội dung chính được bàn luận tại hội thảo gồm thực trạng phát triển công nghệ AI của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay; Cơ hội và những thách thức; Nhu cầu và khả năng tích hợp công nghệ AI vào sản phẩm hiện tại của Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam; Ứng dụng và phát triển công nghệ AI - những cơ hội mới cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đã và đang hoạt động trên toàn quốc.

Việt Nam có đủ trình độ để làm AI, thực tế chứng minh nhiều sản phẩm AI của Việt Nam được giới thiệu với công chúng thời gian qua, có thể kể đến TopDev (giải pháp tuyển dụng nhân sự tích hợp AI đầu tiên tại Việt Nam), Hệ thống chăm sóc khách hàng tự động sử dụng AI của Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVNHANOI CSKH 1.0), FPT.AI (nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo để các lập trình viên tạo ra giao diện tương tác bằng ngôn ngữ tự nhiên); Monkey Junior (ứng dụng dạy ngoại ngữ cho trẻ em)...

Mỗi lĩnh vực có cách tiếp cận với công nghệ AI khác nhau, nhiều chuyên gia công nghệ đã đưa ra quan điểm rất rõ ràng rằng lĩnh vực AI là lĩnh vực mới, cơ hội mở ra rất lớn, tuy nhiên nếu muốn thành công, sản phẩm cũng phải thực sự sáng tạo.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc điều hành Asilla Việt Nam khẳng định: “Không quá khó ứng dụng công nghệ AI trong từng sản phẩm và không chỉ những doanh nghiệp có “tên tuổi” mới có khả năng làm chủ cuộc chơi này. Các dự án khởi nghiệp Việt Nam có thể chọn những nhánh nhỏ để đi, chẳng hạn như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, phân tích dự báo, nhận diện hình ảnh, nhận diện giọng nói.”

[Những nghịch lý trong bản đồ Cách mạng công nghệ 4.0 thế giới]

Đại diện doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, ông Trương Công Hải, giám đốc công ty cổ phần MIDEAS, người sáng lập Dự án trợ lý thông minh HANA (HANA.AI) chia sẻ, HANA. AI là nền tảng (platform) - nơi mà bạn có thể tự tạo ra những AI Chatbot cho Website và Facebook Fanpage của riêng bạn mà chẳng cần học qua bất kỳ lớp về lập trình nào, được ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đại cùng giải thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), HANA có thể trả lời tự động comment, inbox, chatweb từ những kịch bản và kiến thức bạn đã dạy.

Đồng thời, khả năng tự động tạo phễu và nuôi dưỡng của HANA sẽ giúp bạn tạo nên những chiến dịch marketing hiệu quả chỉ với 0 đồng và dễ dàng lên đơn hàng hoàn toàn tự động. Thông điệp thông minh mang nội dung có giá trị về những vấn đề liên quan đến sản phẩm của doanh nghiệp mà khách hàng quan tâm.

Giá trị của thông điệp được nhìn thấy ở 90% tỷ lệ mở tin Messenger. Đây là kênh tuyệt vời nhất để tương tác với khách hàng. Dự án đạt Top 3 tại cuộc thi SharkTank Việt Nam năm 2016, được Cục bản quyền tác giả Việt Nam cấp giấy phép bảo hộ thương hiệu sản phẩm “Trợ lý thông minh Hana” tại Việt Nam vào tháng 2/2017.

Một câu chuyện khởi nghiệp thành công khác ứng dụng công nghệ AI, là lĩnh vực nhà thông minh (Smart Home) do Công ty cổ phần công nghệ ACIS (triển khai từ năm 2012) giới thiệu tại hội thảo, là đơn vị hiếm hoi trên thị trường có thể tự hào đã “đi trước và vượt xa” các sản phẩm của các tập đoàn Nhật, Israel hay Mỹ về giá cả.

Theo ông Đỗ Nguyên Thành Đồng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần công nghệ ACIS, bí quyết giúp cho ACIS Smart Home tạo ra được cuộc cách mạng về giá cả là chúng tôi nắm và làm chủ được công nghệ vượt trội vì ACIS là nhà nghiên cứu, sản xuất.

Công nghệ của ACIS được hướng đến với tiêu chí EASY CONTROL, bao gồm dễ lắp đặt-thi công chỉ với 1-2 ngày với công trình đang hiện hữu, không đục tường phá vách, không cần phí tư vấn, dễ sử dụng, độ bền cao và không cần phải lập trình phức tạp. Sản phẩm này đã tạo nên một cuộc cách mạng về xu hướng nhà thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, những ứng dụng tích hợp AI chưa thực sự phổ biến trong hoạt động của các cơ quan công quyền, doanh nghiệp.

Theo ông Nghiêm Xuân Bách, Giám đốc khu vực của Cinnamon, công ty chuyên cung cấp các sản phẩm ứng dụng AI trong xử lý công việc hành chính, nguyên nhân là Việt Nam có nhu cầu nhưng thực sự chưa có thị trường, lượng người dùng lớn nhưng số khách hàng sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm lại không nhiều. Ví dụ như Cinnamon có sản phẩm GOVI là nền tảng ứng dụng AI trong tìm việc cho người lao động đã chuyển hướng sang thị trường Mỹ chỉ vì nhận ra thị trường Việt Nam chưa sẵn sàng để sử dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục