“Thuật ngữ ‘Cách mạng công nghiệp 4.0’ trở nên phổ biến, nhưng sự thật có vẻ như đang bị lừa dối, bởi sự tham gia chủ yếu chỉ tập trung ở những công ty lớn.”
[Cận cảnh sản phẩm, giải pháp công nghệ cao tại Industry 4.0 Summit]
Nhấn mạnh nội dung trên, ông Alistair Nolan, Chuyên gia phân tích chính sách cao cấp, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) lý giải, “Đức là một trong các quốc gia đi đầu về Cách mạng công nghiệp 4.0, song số doanh nghiệp của họ áp dụng số hóa chỉ đạt 4% và tại Mỹ, Canada con số này cũng khá thấp. Công nghệ điện toán đám mây đáng lẽ là sân chơi chung cho doanh nghiệp toàn cầu, nhưng hiện tại 77% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở Mỹ cho biết, họ chưa sẵn sàng kết nối Internet vạn vật.”
Thực tế trên có vẻ như là một nghịch lý trong bối cảnh sản xuất thông minh ngày càng đóng vai trò quan trọng và trở nên tất yếu với quá trình chuyển đổi sang hệ thống sản xuất áp dụng công nghệ số hóa, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thiếu một công cụ hướng dẫn
Rõ ràng, xu hướng phát triển chung là không thể cưỡng lại, song tại sao các doanh nghiệp nhỏ vẫn cho phép mình tách ra khỏi cuộc chơi?
Hầu hết, các doanh nghiệp này cho biết vấn đề cản trở họ là “năng lực về tài chính và trình độ của người lao động.”
Không đồng tình với những quan điểm trên, phát biểu tại hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 tại Hà Nội ngày 13/7, ông Alistair cho biết, “thực chất việc sử dụng dữ liệu lớn và robot vào trong sản xuất không đòi hỏi đầu tư quá nhiều về tài chính, song không được các doanh nghiệp nhỏ và vừa quan tâm sử dụng. Thêm một tình trạng khác, các doanh nghiệp nhỏ này không có thói quen kết nối hệ thống với nhau để các sáng tạo công nghiệp có thể hiện thực hóa.”
Một thực trạng khác được nhiều nhà quản lý đưa ra, những nhà máy thông minh, máy móc thiết bị tự động kết nối và thực hiện đến 75% khối lượng công việc của quy trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Khi đó, công nghệ thông tin và truyền thông cùng những xu hướng mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra những thách thức và cơ hội cho các nhà quản trị doanh nghiệp đồng thời sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đặt ra bài toán an sinh xã hội khi việc làm cho người lao động bị đe dọa.
Song, ông Alistair đưa một nhận định khác khá thú vị, “tình trạng thay đổi tại các quốc gia có sự thâm nhập của robot lại không đúng như vậy.”
Ông dẫn chứng, tại nước Anh, việc sử dụng robot trong sản xuất chưa nhiều nhưng số lượng việc làm vẫn ngày càng giảm sút. Trong khi tại Hàn Quốc thì ngược lại, việc áp dụng công nghệ số và tự động hóa vào sản xuất là rất phát triển và song song với đó số lượng việc làm trong xã hội cũng được gia tăng.
“Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ cao không đòi hỏi phải sử dụng tài khóa lớn. Do đó, Chính phủ cần tạo ra các khuôn khổ chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể thay đổi, như tiếp cận các chương trình vay vốn, tiếp cận thị trường lao động chất lượng cao. Ngoài ra, Chính phủ cần cung cấp một công cụ hướng dẫn cho các doanh nghiệp để họ có thể tự trang bị kiến thức và kỹ năng cải cách để có thể tiếp cận công nghệ cao,” ông Alistair đưa ra kiến nghị.
Xu thế tất yếu
Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018 diễn ra ngày 13/7 tại Hà Nội, Tập đoàn ABB - Thụy Sỹ đã đưa tới robot YuMi với hai cánh tay thực thụ, nhằm kiến tạo môi trường hợp tác hoàn hảo giữa con người và robot.
YuMi mang đến giải pháp có tính cách mạng trong sản xuất dây truyền lắp ráp với các chi tiết siêu nhỏ có độ chính xác và an toàn cao. Cụ thể, YuMi có thể quay trở lại một điểm trong không gian (lặp đi, lặp lại nhiều lần) với độ chính xác 0,02mm và vận tốc tối đa 1.500m/s. Trường hợp phát hiện tác động bên ngoài như va chạm với con người, YuMi có thể tự động dừng chuyển động trong 1/1.000s.
Điều này cho thấy, các nhà máy sản xuất sử dụng máy móc kết nối internet và liên kết với nhau qua hệ thống sẽ tạo ra một quy trình thông minh và hiệu quả. Với công nghệ mới, mọi hoạt động được tối ưu hóa, giảm sự can thiệp của con người, quy trình sản xuất được minh bạch từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng, từ nhà máy đến chuỗi cung ứng, quá trình phân phối, trải nghiệm của người dùng.
Từ đó, các ứng dụng công nghệ có thể thu thập và phân tích dữ liệu, vì vậy các nhà máy thông minh có sự chủ động và lường trước được các thách thức, nhờ đó cải thiện năng suất và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Đánh giá tiềm năng hội nhập vào xu thế sản xuất mới, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Chu Ngọc Anh cho biết, “thời gian qua, Việt Nam đã có những bước phát triển về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đặt nền tảng cho việc ứng dụng thành công các công nghệ của cách mạng 4.0. Trong 10 năm qua, nền kinh tế số đã phát triển không ngừng cả về nền tảng hạ tầng kết nối số lẫn thị trường kinh doanh.”
Hiện, Việt Nam đang xếp hạng 13/20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới. Riêng năm 2017, người dân sử dụng Internet lên đến 64 triệu người, xấp xỉ 67% dân số. Nhờ đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông và Internet đã phát triển mạnh với mức doanh thu 6,1 tỷ USD, tạo ra 851.000 việc làm cho xã hội.
Tuy nhiên, theo Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới – WEF, Việt Nam đứng thứ 48/100 về cấu trúc của nền sản xuất và 53/100 về yếu tố dẫn dắt sản xuất.
“Về mức độ sẵn sàng, Việt Nam mặc dù vẫn ở mức sơ khởi những khá gần với nhóm tiềm năng,” Bộ trưởng cho biết.
Tác động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến nền sản xuất toàn cầu thay đổi rất nhanh. Ông David Aikman, Trưởng đại diện Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Trung Quốc, thành viên Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới chia sẻ, “Việt Nam đã có sự dịch chuyển, thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, song những tiến bộ này cần được đảm bảo bền vững. Việt Nam có tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động lớn, có cải cách mạnh mẽ về thể chế, song cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nền kinh tế tri thức để có thể thúc đẩy những bước nhảy vọt”./.