Phát triển công nghệ vi mạch để bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0

Đoàn chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đã đưa ra bản khuyến nghị về phát triển công nghiệp vi mạch Việt Nam để bắt kịp, tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát triển công nghệ vi mạch để bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh 1Sản phẩm vi mạch được trưng bày tại Hội nghị quốc tế về công nghệ bán dẫn và vi mạch. (Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN)

Chiều 16/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp Đoàn chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.

Tại buổi tiếp, đoàn chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đã đưa ra bản khuyến nghị về phát triển công nghiệp vi mạch Việt Nam để bắt kịp, tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Các đại biểu cho rằng công nghệ vi mạch của Việt Nam dù mới phát triển thực sự 10 năm nay nhưng đã có những bước tiến vượt bậc trong hoạt động thiết kế, tuy nhiên, hoạt động chế tạo, sản xuất chưa phát triển tương xứng, thậm chí đang ở điểm xuất phát.

Theo giáo sư, tiến sỹ khoa học Đặng Lương Mô, nguồn nhân lực vi mạch được đào tạo căn bản tốt, khả năng tiếp thu nhanh nhưng do không được làm việc với các công nghệ tiên tiến ngay từ đầu nên không đáp ứng được yêu cầu của các công ty đầu tư tại Việt Nam và phải được đào tạo lại trước khi sử dụng. Bên cạnh đó, số lượng vài nghìn kỹ sư vi mạch hiện nay chưa đáp ứng được tiềm năng thực sự của Việt Nam và cần đặt mục tiêu đào tạo đến hàng chục nghìn kỹ sư trong 5 năm tới.

Về chính sách phát triển vi mạch, giáo sư Đặng Lương Mô cho rằng để phát triển công nghệ vi mạch bền vững và nhanh chóng, cần một chính sách đồng bộ và sự điều phối cấp quốc gia, bao hàm cả vấn đề tạo ra thị trường cho vi mạch và sản phẩm vi mạch, các chính sách ưu đãi... nhằm tạo hệ sinh thái vi mạch trên phạm vi quốc gia.

Từ thực tế trên, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất hướng phát triển tiềm năng, phù hợp của công nghiệp vi mạch Việt Nam, tập trung vào thiết kế; đào tạo nguồn nhân lực có khả năng nắm bắt nhanh các công nghệ lõi, thiết bị và hệ thống hiện đại; cung cấp các dịch vụ thuê ngoài (outsourcing) về thiết kế vi mạch…

Bên cạnh đó, để tiếp cận nhanh công nghệ tiên tiến, cần tận dụng lực lượng chuyên gia hàng đầu thế giới, đặc biệt là các nhà khoa học Việt Nam có uy tín ở nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực vi mạch tham gia làm việc, giảng dạy, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp ở Việt Nam.

Đánh giá cao, trân trọng tâm huyết, trăn trở và mong muốn đóng góp cho quê hương, đất nước của các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ công nghiệp vi mạch nói riêng và khoa học, công nghệ nói chung của Việt Nam luôn cần sự đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế, trong đó có các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.

Lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý sự cần thiết hình thành mạng lưới kết nối các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài với các đầu mối nghiên cứu trong nước để đưa ra những dự án cụ thể, giải quyết những bài toán mà thực tế đang đặt ra.

Theo Phó Thủ tướng, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cần xác định được trọng tâm, sản phẩm trọng điểm, đầu ra cụ thể dựa trên lợi thế của Việt Nam, từ đó hình thành các cơ chế hỗ trợ thực chất, hiệu quả cho các doanh nghiệp vi mạch, phần nhiều là những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, phát triển được thị trường trong nước, tạo nền tảng để hướng ra khu vực và thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục