Phát triển dịch vụ, du lịch tiêu chuẩn quốc tế ở Côn Đảo

Côn Đảo, vùng đất ngục tù tăm tối năm xưa, nay đang "thay da đổi thịt" từng ngày để hướng tới trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch hiện đại tầm cỡ quốc tế.
Đường Tôn Đức Thắng ở Côn Đảo. (Ảnh: Kim Phương/TTXVN)

Huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang đổi thay mạnh mẽ với hạ tầng ngày một khang trang, cuộc sống của người dân được nâng lên rõ nét. Đó là nhận định của chính người dân nơi đây khi nói về hòn đảo thân yêu của mình.

Từ những ngày đầu của tháng Tư, những chuyến bay, chuyến tàu luôn đầy ắp khách du lịch khắp trong và ngoài nước tấp nập đổ về Côn Đảo.

Theo phản ánh của các quản lý khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện, trong những ngày qua hầu như luôn xảy ra tình trạng “cháy” phòng và riêng dịp lễ 30/4, 1/5 đã được đặt kín chỗ từ rất lâu.

Năm nay, số lượng khách đến Côn Đảo tăng cả về số lượng khách lẻ lẫn khách đoàn, khách quốc tế cho thấy sức hấp dẫn ngày càng tăng của hòn đảo đầy chứng tích lịch sử này.

Sự phát triển mạnh mẽ của Côn Đảo là nhờ những năm qua, tỉnh và huyện đảo đã kỳ công nghiên cứu, lập quy hoạch tìm hướng đi đúng nhất để tập trung thực hiện.

Tháng 5/2006, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thành lập Ban Quản lý phát triển Côn Đảo do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban để lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của huyện.

Theo đó, hướng phát triển của Côn Đảo được xác định là trở thành một khu kinh tế dịch vụ, du lịch hiện đại đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên trong điều kiện nguồn vốn còn hạn chế, huyện đã lựa chọn những công trình trọng điểm, có sức lan tỏa lớn để tập trung đầu tư như nâng cấp hệ thống đường giao thông kết nối tới các điểm du lịch, phát triển hạ tầng viễn thông và đa dạng hóa phương thức vận chuyển hành khách ra đảo…

Nhờ vậy, Côn Đảo giờ đây đã khang trang, giao thông, liên lạc thuận tiện, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rất nhiều. Thu nhập bình quân đầu người/năm của người dân Côn Đảo năm 2013 đã tăng gấp bốn lần so với thời điểm năm 2006 (769 USD/năm tăng lên 3.110 USD/năm).

Năm 2013, huyện đảo thu hút gần 90.000 lượt khách du lịch, trong đó, có hơn 19.000 lượt khách quốc tế, vượt xa so với kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2011-2015.

Cùng với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, những năm qua, Côn Đảo cũng đã được Trung ương đặc biệt quan tâm, hỗ trợ thông qua nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi, đặc thù làm cơ sở để Côn Đảo phát triển.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Xá, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo, gần đây có rất nhiều doanh nghiệp, người yêu mến Côn Đảo đề nghị huyện để được bỏ vốn xây dựng, tôn tạo những công trình văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn đang trở thành nguồn động lực rất lớn cho nhân dân huyện đảo.

Thực tế, một dự án hỗ trợ phát triển du lịch Côn Đảo đang được những người có tâm với Côn Đảo thực hiện thông qua việc tự bỏ tiền kết hợp kêu gọi tài trợ cho các chương trình như Quỹ phát triển tài năng Côn Đảo; phát triển và nâng cấp thư viện tổng hợp Côn Đảo; chương trình đại sứ du lịch Côn Đảo; và chương trình phúc lợi xã hội cho người cao tuổi và trẻ em Côn Đảo. Theo đó, riêng chương trình đại sứ du lịch sẽ giúp cho mỗi người dân Côn Đảo hiểu ngọn ngành về lịch sử đảo, các điểm di tích, điểm du lịch để có thể giới thiệu, chỉ dẫn cho du khách khi đến với Côn Đảo.

Những yếu tố, cơ sở thuận lợi cho phát triển đang dần hội tụ đầy đủ tại Côn Đảo. Cụ thể, mới đây nhất là rừng ngập mặn Côn Đảo với môi trường thuận lợi cho sinh sản, ươm giống và bảo tồn các loài sinh vật biển như rùa biển, cá heo, bò biển (dugong)… đã được công nhận là khu Ramsar thế giới và trở thành khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam.

Cũng trong thời điểm này, Vườn quốc gia Côn Đảo được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép cho thuê môi trường rừng để tổ chức không gian du lịch. Trước đó, để bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt của hệ thống Nhà tù Côn Đảo, giữa năm 2012, Nhà tù Côn Đảo đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Tháng Chín năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2030 trở thành kim chỉ nam cho huyện đảo phát triển. Theo đó, huyện đã tiến hành xây dựng một cầu tàu mới (gần sát cầu tàu 914 lịch sử trước đây) có thể tiếp nhận tàu cao tốc, để rút ngắn thời gian cũng như tăng năng lực vận chuyển từ đất liền ra Côn Đảo.

Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cho đóng thêm hai tàu khách phục vụ nhu cầu đi lại của du khách và nhân dân đảo đồng thời xem xét xây dựng thêm 10 cầu tàu nữa tại các đảo của Côn Đảo để phục vụ đưa khách tham quan từ đảo lớn ra các đảo nhỏ xung quanh.

Với vị trí thuận lợi như nằm gần đường hàng hải quốc tế, cửa ngõ của các tỉnh Nam Bộ, thiên nhiên ưu đãi với nhiều bãi tắm, bãi san hô đẹp, hệ sinh thái rừng biển kết hợp, và nhất là khu di tích hệ thống nhà tù khét tiếng trên thế giới do Pháp xây dựng, cùng với những cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Côn Đảo, huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc chắc chắn sẽ vươn lên thành một trung tâm du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế trong tương lai không xa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục