Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng điện gió cao trong khu vực nhưng việc phát triển điện gió vẫn còn hạn chế, do lợi ích về phát triển bền vững của lĩnh vực này vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.
Do đó việc nghiên cứu xây dựng các kịch bản phát thải phát triển điện gió theo Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 là nhằm đánh giá tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính và những lợi ích khác mang lại.
Trong quá trình phát triển, lĩnh vực năng lượng của Việt Nam đã và đang gặp phải một số thách thức đó là đảm bảo an ninh cung cấp năng lượng, bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề chính trị và xã hội; trong đó đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường là hai vấn đề cấp bách.
Để thực hiện những mục tiêu trên, Chính phủ Việt Nam đã đề ra chiến lược phát triển năng lượng sạch, trong đó sử dụng năng lượng tái tạo được xem là giải pháp khả thi, vừa cung cấp bổ sung nhu cầu năng lượng cho quá trình phát triển, vừa đảm bảo chất lượng môi trường.
Trong số các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió ở Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng cao trong khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, việc phát triển điện gió ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Điều này là do các lợi ích về phát triển bền vững của điện gió chưa được phân tích và đánh giá cụ thể.
Theo tính toán của các nhà khoa học Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, với hơn 3.000km đường bờ biển và các đảo lớn nhỏ, tiềm năng năng lượng gió ở Việt Nam được đánh giá vào khoảng 24.000MW (ở tốc độ gió 6-7 m/giây). Tiềm năng này tương đương với tổng công suất của tất cả các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu hiện nay.
Để đánh giá tiềm năng giảm phát thải từ phát triển điện gió, các nhà khoa học về lĩnh vực này ở Việt Nam dựa vào mô hình LEAP (công cụ mô phỏng năng lượng - môi trường dựa trên các kịch bản) đã được sử dụng để mô phỏng hệ thống năng lượng quốc gia với cơ sở là năm 2010, dự báo nhu cầu năng lượng quốc gia đến năm 2030. Từ đó, xây dựng các phương án phát triển điện gió nhằm thay thế các nhà máy nhiệt điện truyền thống và tính toán lượng giảm phát thải khí nhà kính.
Theo đó, với các kịch bản phát triển điện gió được xây dựng, Việt Nam có thể giảm được khoảng 1,5 triệu tấn CO2 vào năm 2020 và mức giảm tích lũy từ 2010 đến năm 2020 là hơn 5,2 triệu tấn. Mức giảm này sẽ là khoảng 10,1 triệu tấn vào năm 2030 và mức giảm tích lũy có thể đạt đến 66,6 triệu tấn từ năm 2010 đến năm 2030.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện có khoảng 48 dự án điện gió được đăng ký ở các giai đoạn khác nhau ở Việt Nam, chủ yếu tập trung ở các tỉnh Miền Trung và Miền Nam với tổng công suất khoảng 5.000MW, mỗi dự án có công suất từ 6-250MW.
Cho đến nay, mới có 2 dự án điện gió lớn đã hoàn thành đầu tư giai đoạn một và đi vào hoạt động. Dự án đầu tiên nằm ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận với công suất 30MW, bao gồm 20 tuốcbin 1,5MW. Dự án điện gió thứ hai nằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thuộc tỉnh Bạc Liêu. Dự án này mới hoàn thành giai đoạn một với 10 tuốcbin 1,6MW.
Trong Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030, năng lượng gió là một trong những nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên và khuyến khích phát triển ở Việt Nam. Điều này đã được cụ thể hóa với mục tiêu đề ra với 1.000MW công suất lắp đặt vào năm 2020 và 6.200MW công suất lắp đặt vào năm 2030.
Bằng cách phát triển các nhà máy điện gió, có thể giảm phát thải khí nhà kính hàng năm của 1.480.600 tấn CO2 vào năm 2020 và giảm 10.125.000 tấn CO2 vào năm 2030. Hoặc giảm được một lượng tích lũy gần 5,2 tỷ tấn CO2 tính đến 2020 và hơn 66,6 tỷ tấn CO2 tính đến năm 2030. Không giống như sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch, năng lượng gió là công nghệ sạch và không gây ô nhiễm không khí khi đi vào hoạt động.
Ngoài ra, phát triển năng lượng gió còn có tiềm năng quan trọng để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Bởi nhà máy nhiệt điện than là một trong những nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm không khí ở Việt Nam, với hàng triệu tấn oxit nitơ, carbon dioxide và sulfur dioxide phát thải ra môi trường mỗi năm. Hơn nữa, phát triển năng lượng gió không chỉ cắt giảm khí thải nhà kính mà còn giảm ô nhiễm không khí, giúp cải thiện chất lượng môi trường một cách bền vững./.