Phát triển điện Mặt Trời ở Tây Nguyên: Hướng tới phát triển bền vững

Những bất cập, hệ lụy trong phát triển điện Mặt Trời ở Tây Nguyên đòi hỏi chính quyền các địa phương và các bộ, ngành liên quan nhanh chóng vào cuộc để tháo gỡ; điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp.
Bảo dưỡng tấm pin năng lượng Mặt Trời trên mái nhà. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Những bất cập, hệ lụy xảy ra trong quá trình phát triển điện Mặt Trời khu vực Tây Nguyên đòi hỏi chính quyền các địa phương cùng các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng vào cuộc để tháo gỡ.

Đồng thời, điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế, phát huy tính ưu việt của điện Mặt Trời và phát triển bền vững nguồn năng lượng này đúng với chủ trương của Chính phủ và sự kỳ vọng của nhân dân.

Chấn chỉnh vi phạm

Những bất cập, sai phạm liên quan đến quá trình phát triển điện Mặt Trời trong thời gian qua có một phần trách nhiệm của chính quyền các địa phương và các cơ quan chuyên môn trong triển khai và quản lý dự án.

Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, việc phát triển năng lượng tái tạo cần được khuyến khích trên cơ sở các chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Việc xử lý những vi phạm trong triển khai các dự án điện Mặt Trời cũng phải đảm bảo theo quy định của pháp luật. Do đó, tại báo cáo về tình hình phát triển điện Mặt Trời ngày 30/6/2021 của Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, đơn vị đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương chấn chỉnh những vi phạm trong thời gian qua.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk hướng dẫn chính quyền cấp huyện giải quyết các thủ tục về đất đai đối với các trường hợp đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời mái nhà nhưng chưa thực hiện đầy đủ thủ tục. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp đã xây dựng nhưng không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Sở Xây dựng tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện các quy định về quản lý xây dựng khi tổ chức, cá nhân thực hiện lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời mái nhà trên địa bàn tỉnh. Những công trình xây dựng vi phạm thì lập hồ sơ xử lý đúng thẩm quyền và theo quy định. Cùng đó, đôn đốc chính quyền cấp huyện kiểm tra, rà soát việc tuân thủ các quy định về xây dựng theo phân cấp quản lý; phát hiện vi phạm phải kiểm tra xử phạt.

[Phát triển điện Mặt Trời ở Tây Nguyên: Đánh thức tiềm năng]

Đối với Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra toàn bộ công trình có đầu tư lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời mái nhà; rà soát các thủ tục liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp phép xây dựng, tổ chức sản xuất của trang trại theo thẩm quyền của địa phương và xử lý nghiêm các sai phạm của chủ đầu tư. Cùng đó, thu hồi các giấy phép đã cấp sai quy định và yêu cầu các chủ trang trại thực hiện nghiêm túc phương án, mô hình kinh tế trang trại, tờ khai kinh tế trang trại đã đăng ký với chính quyền cấp xã, huyện.

Công ty Điện lực Đắk Lắk có nhiệm vụ rà soát, kiểm tra toàn bộ hồ sơ về việc đầu tư lắp đặt, đấu nối hệ thống điện Mặt Trời mái nhà; khẩn trương khắc phục các tồn tại về các thủ tục liên quan đến hệ thống điện Mặt Trời mái nhà, công trình đường dây và trạm biến áp; yêu cầu các chủ đầu tư hệ thống điện Mặt Trời mái nhà bổ sung hoàn thiện các hồ sơ còn thiếu.

Trước những vi phạm liên quan đến điện Mặt Trời “núp bóng” trang trại nông nghiệp, vừa qua Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư thực hiện đúng trình tự thủ tục về kinh tế trang trại nông nghiệp; các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Đồng thời, tỉnh giao lực lượng công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc thực hiện, tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy của các chủ đầu tư hệ thống điện Mặt Trời mái nhà; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành theo đúng quy định.

Tương tự, mới đây Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tăng cường quản lý, đầu tư xây dựng các dự án, công trình điện Mặt Trời trên địa bàn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát triển “ồ ạt” điện Mặt Trời theo phong trào, thiếu sự kiểm soát gây quá tải lưới điện khu vực và gây ra những hệ lụy xấu về sau.

Lắp đặt hệ thống điện Măt Trời cho hộ dân. (Ảnh: TTXVN)

Những việc làm trên cho thấy, chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng đã bắt đầu có động thái chấn chỉnh những vi phạm liên quan đến phát triển điện Mặt Trời. Tuy nhiên, những động thái này mới chỉ dừng lại ở mức độ văn bản. Để xử lý vi phạm triệt để cần phải hành động thực tế, thậm chí xử lý trách nhiệm của chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn khi để xảy ra những vi phạm trong phát triển điện Mặt Trời liên quan đến lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Thay đổi để phát triển bền vững

Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, trước những bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách, Sở đề nghị Bộ Công Thương sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế phát triển điện Mặt Trời thay thế Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện Mặt Trời tại Việt Nam; trong đó, cần quy định rõ vai trò của Sở Công Thương, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và ngành điện trong việc phát triển điện Mặt Trời mái.

Ông Hà Văn Chương, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk cho rằng để giải quyết những bất cập trong quá trình phát triển điện Mặt Trời, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm xây dựng và ban hành Bộ Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về điện Mặt Trời. Trước mắt, trong khi chờ đợi Bộ Tiêu chuẩn kỹ thuật về điện Mặt Trời, cần nhanh chóng biên soạn hướng dẫn ngắn, gọn về lựa chọn thiết bị, vật tư, cũng như về kỹ thuật lắp đặt, vận hành nguồn điện Mặt Trời áp mái.

Ngoài ra, các chính sách khuyến khích của Chính phủ nên có thời gian đủ dài để chuẩn bị nguồn lực của các nhà đầu tư cũng như kịp ban hành các hướng dẫn trong quá trình thực hiện của các cơ quan có thẩm quyền nhằm tăng hiệu quả của chính sách khuyến khích.

Còn theo Công ty Điện lực Đắk Nông, cần ban hành các định hướng vĩ mô liên quan đến chiến lược phát triển ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng tầm nhìn theo từng giai đoạn để các địa phương bám sát và triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, từ phía các chủ đầu tư cũng cần ý thức và nghiêm túc thực hiện trách nhiệm trong phát triển điện Mặt Trời mái nhà theo đúng quy định. Điều này nhằm đảm bảo các hệ thống điện Mặt Trời mái nhà vận hành hiệu quả, an toàn. Từ đó, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư cũng như góp phần cung cấp nguồn điện năng ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục