Phát triển khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh: Thí điểm sau mở cửa

Từ Khu chế xuất Tân Thuận - mô hình thí điểm đầu tiên, đến nay, TP.HCM đã phát triển hệ thống các khu chế xuất, khu công nghiệp; chuyển đổi từ vùng đất có giá trị kinh tế thấp sang cao.
Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ban quản lý Khu chế xuất Tân Thuận (nay là Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ngay sau quyết định thành lập Khu chế xuất Tân Thuận của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng số 394/CT ngày 25/11/1991. Đây là mô hình đầu tiên của cả nước thí điểm nhằm thực hiện chủ trương đổi mới, mở cửa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986.

Ngay sau đó, hàng loạt khu công nghiệp tập trung tại thành phố được hình thành với hoạt động trọng tâm hướng đến thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tạo tiền đề hội nhập nền kinh tế Việt Nam với thế giới, đồng thời giúp thành phố thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất tồn tại trong các khu dân cư vào tập trung ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nội thành.

Bài 1: Thí điểm sau mở cửa

Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza), khởi đầu các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố là vùng đất nông nghiệp, lạc hậu, canh tác đạt hiệu quả không cao.

Từ Khu chế xuất Tân Thuận - mô hình thí điểm đầu tiên, đến nay, thành phố đã hình thành và phát triển thành hệ thống các khu chế xuất, khu công nghiệp; chuyển đổi từ vùng đất có giá trị kinh tế thấp sang cao, từ đất nông nghiệp thành những khu sản xuất công nghiệp tập trung năng động, thúc đẩy phát triển những khu đô thị mới, đời sống cư dân ngày càng được cải thiện, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Vạn sự khởi đầu nan

Theo ông Nguyễn Hoàng Năng, nguyên Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza), việc ra đời của các khu công nghiệp tập trung nhằm thực hiện 5 mục tiêu kinh tế của Chính phủ.

Các khu công nghiệp tập trung thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; giải quyết việc làm; du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của thành phố phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa các vùng ngoại thành.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định nhiệm vụ phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu.

"Đặc biệt, giai đoạn 2020-2025, thành phố tập trung xây dựng mới các khu công nghiệp có chất lượng và tính cạnh tranh cao, phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao," ông Năng chia sẻ.

[Thành phố Hồ Chí Minh: Tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ]

Từ định hướng ban đầu, đến nay có 9 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó có 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); 2 doanh nghiệp trong nước, 1 doanh nghiệp FDI được chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao và hơn 20 doanh nghiệp khác đầu tư vào những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao, như cơ khí chính xác, linh kiện điện-điện tử, tự động hóa, thiết bị y tế cao cấp, pin năng lượng Mặt Trời.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Hepza, nhìn nhận nhiều nhà đầu tư bắt đầu đi vào công nghệ của nền kinh tế tri thức như: sản xuất chíp, thiết kế vi mạch; một số doanh nghiệp trong nước đạt chuẩn khoa học-công nghệ... Nhiều doanh nghiệp FDI cũng đã dần chuyển giao việc quản lý, điều hành sản xuất cho người lao động Việt Nam; bố trí, sử dụng lao động trong nước vào các vị trí, chức danh công việc quản lý; giúp lao động trong nước tiếp cận, học hỏi trình độ quản lý tiên tiến và dần thay thế các chuyên gia nước ngoài.

Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích 4.000ha đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%. Đặc biệt, từ khi thành lập đến nay các khu đã thu hút được 1.665 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm ước khoảng 8 tỷ USD, chiếm khoảng 21% kim ngạch xuất khẩu của thành phố (trừ dầu thô); thu ngân sách gần 50.000 tỷ đồng/năm.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, các khu chế xuất, khu công nghiệp không chỉ hoạt động hiệu quả, đóng góp tỷ trọng lớn trong công nghiệp và xuất khẩu mà còn thu hút đầu tư, nâng cao kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, năng lực xuất khẩu; đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 281.000 lao động, trong đó lao động từ các tỉnh chiếm tỷ lệ 71%, lao động nữ chiếm tỷ lệ 58,3%.

"Sự gia tăng đa dạng về ngành nghề, quy mô và trình độ công nghệ của các nhà đầu tư nước ngoài đã hình thành lực lượng lao động kỹ thuật, năng động, có ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp và hiểu biết pháp luật, từng bước tiếp cận với các ứng dụng khoa học công nghệ, thích nghi với nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế. Cơ cấu lao động được chuyển dịch từ các ngành thâm dụng lao động sang 4 ngành công nghiệp chủ lực: cơ khí, điện-điện tử, hóa dược và chế biến tinh lương thực thực phẩm; tỷ lệ lao động trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm hơn 18%; một số doanh nghiệp có tỷ lệ lao động trình độ đại học trên 90%...," ông Hưng chia sẻ.

Về lao động việc làm, bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp thành phố, cho biết nhiều công nhân ưu tú, nhất là tại các doanh nghiệp FDI đã được đưa sang các quốc gia, vùng lãnh thổ có nền khoa học, công nghệ tiên tiến như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… để đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và điều hành.

Đội ngũ chuyên gia, lao động kỹ thuật là người nước ngoài cũng có những đóng góp đáng kể trong đào tạo các nhà quản lý và công nhân kỹ thuật lành nghề người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư, sự phát triển của thành phố.

Sản xuất linh kiện cơ khí tại Công ty Misumi Việt Nam-Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Bên cạnh đó, Hepza cùng các đoàn thể và các cấp ngành, chính quyền đia phương tổ chức nhiều hoạt động chăm đời sống vật chất tinh thần cho công nhân, người lao động. Các doanh nghiệp thực hiện tốt pháp luật về lao động, quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, có chính sách chăm lo cho công nhân, xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.

Nhiều công trình thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội, như nhà lưu trú công nhân, Trường mầm non, Trung tâm sinh hoạt công nhân, Trạm y tế, siêu thị…được xây dựng và đưa vào sử dụng tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Tuy chưa đáp ứng đầy đủ, nhưng với những tiện ích thiết thực đã góp phần chăm lo tốt hơn đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động.

Những thách thức mới

Theo Hepza, tính đến nay, hiệu quả thu hút đầu tư trên 1ha đất tại các khu chế xuất, khu công nghiệp bình quân 6,32 triệu USD; tạo ra 46,71 triệu USD kim ngạch xuất khẩu và giải quyết việc làm cho hơn 144 lao động. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, một số khu công nghiệp đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đảm bảo phát triển bền vững trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường; một số khu công nghiệp có nhiều ngành nghề thâm dụng lao động cao, giá trị thu hút trung bình trên 1 ha đất còn thấp.

Đại diện các công ty xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tần, ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Thuận, nhìn nhận việc thu hút đầu tư những dự án mới đang gặp nhiều khó khăn do thời gian còn lại của dự án quá ngắn, khó thu hồi vốn nếu đầu tư sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoạt động được một nửa chu kỳ dự án, hiện nay đang do dự đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị do thời gian còn lại chỉ khoảng 20 năm.

Từ thực tiễn, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HBA) chỉ ra một phần nguyên nhân do cơ chế và cũng có một phần do yếu tố con người nên cần sớm được cải thiện, khắc phục, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư.

Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Văn Bé cho rằng Thông tư 06/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng và Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ về phòng cháy chữa cháy có quy định sơn nhà xưởng, cột kèo bằng sơn chống cháy làm chi phí tăng 50% hay Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định cơ chế ủy quyền cấp giấy phép về tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho các tỉnh, thành phố và xuống tận Ban Quản lý khu công nghiệp đã tạo ra 2 lớp giấy phép khi thực hiện...

Tại hội nghị hội nghị gặp gỡ với lãnh đạo thành phố mới đây, nhiều doanh nghiệp Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước đã nêu những khó khăn, vướng mắc từ lĩnh vực quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng đến lao động việc làm và thủ tục hải quan.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất các cấp ngành giải quyết hoặc tham mưu lãnh đạo thành phố các chính sách giãn hoặc giảm thuế; chính sách về tuyển dụng lao động; chính sách nhà ở cho công nhân và định hướng phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp…

Qua khảo sát, Hepza cùng các cấp ngành thành phố cũng nhìn nhận mô hình quản lý theo cơ chế "một cửa, tại chỗ" còn nhiều bất cập; quy định về khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ chịu sự điều chỉnh ở cấp Nghị định, chưa được thể chế hóa ở cấp Luật. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Hepza chưa rõ ràng, ổn định, nhất quán, chưa được phân cấp đầy đủ và đủ căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa tại chỗ" của Chính phủ…

Cũng từ thực tiễn, ông Hứa Quốc Hưng nhìn nhận mô hình phát triển của các khu chế xuất, khu công nghiệp chậm đổi mới mà chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Liên kết, hợp tác trong khu hay giữa các khu với nhau, giữa các khu với khu vực bên ngoài còn nhiều hạn chế; mức độ nội địa hóa còn thấp; thiếu các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp chuyên môn hóa.

Ngoài ra, hạ tầng phục vụ khu chế xuất, khu công nghiệp còn thiếu đồng bộ; một số khu được thành lập giai đoạn đầu thiếu các công trình hạ tầng xã hội phục vụ công nhân trong khi hơn 71% lao động nhập cư.

Hệ thống giao thông kết nối đến các khu dù có cải thiện nhưng chưa được quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ với sự phát triển của các khu; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư; nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng phải đào tạo lại lực lượng lao động.…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục