Phát triển kinh tế đại dương bền vững theo xu hướng “xanh” và thích ứng với biến đổi khí hậu là chìa khóa dẫn tới thịnh vượng của nhân loại trên Trái Đất. Vì thế, để “vươn ra biển lớn,” Việt Nam cần có các hành động khẩn cấp và mạnh mẽ, kịp thời hơn để chuyển hóa những thách thức nghiêm trọng thành cơ hội phát triển mới.
Cấp bách “cứu” đại dương khỏi rác
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, cung cấp “vốn tự nhiên” lớn cho phát triển kinh tế, nhất là 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Tuy vậy, đại dương nói chung và nhiều vùng biển của Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với những mối đe dọa và rủi ro ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và kinh tế thiếu bền vững.
Đặc biệt, với hiện trạng nóng lên toàn cầu và rác thải nhựa biển đang đe dọa tài nguyên biển và rạn san hô, ước tính có khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa từ trong nước Việt Nam rò rỉ ra biển mỗi ngày. Thực tế đáng báo động này cảnh báo rằng “nếu không có gì thay đổi, sẽ có nhiều nhựa hơn cá tại các đại dương vào năm 2050.”
Tiến sỹ Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cũng nhìn nhận thực trạng phát triển kinh tế biển Việt Nam hiện nay chưa bền vững.
[Bảo vệ ngôi nhà tự nhiên: Cần thiết lập lối sống xanh, phát triển sạch]
Đáng chú ý là phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Ô nhiễm, sự cố môi trường ở một số nơi các vùng biển và ven biển còn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển khai thác chưa bền vững.
Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2021 đã chỉ ra chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8kg/năm/người (năm 1990) lên 54kg/năm/người, trong đó 37,43% sản phẩm là bao bì và 29,26% là đồ gia dụng.
Đặc biệt, việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải nhựa từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động...
Cũng bởi thế, năm 2022, Ngày Đại dương thế giới (8/6) được Liên Hợp Quốc chọn chủ đề “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương,” nhằm thể hiện tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển, bảo tồn tài nguyên với mục tiêu phát triển bền vững.
Gắn với chủ đề nêu trên cùng với việc rà soát những vấn đề tồn tại trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tình hình thực tiễn, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định chủ đề của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 là “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển.”
Chủ đề trên cũng là thông điệp để kêu gọi các địa phương có biển từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm phát triển bền vững kinh tế biển ở nước ta.
Vì một nền kinh tế biển xanh bền vững
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh bảo vệ "sức khỏe" của các đại dương chính là bảo đảm bền vững cho giải quyết các vấn đề tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng xã hội, an ninh lương thực, sinh kế và việc làm ở nhiều quốc gia; đặc biệt là đối với các quốc gia dễ bị tổn thương như các quốc đảo nhỏ, các quốc gia có vùng ven biển thấp.
Với ý nghĩa đó, ông Ngân nhấn mạnh Việt Nam sẽ luôn thể hiện trách nhiệm của một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế; sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia, đối tác chia sẻ tri thức khoa học, kinh nghiệm, nguồn lực và các sáng kiến vì một nền kinh tế biển xanh bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị quốc tế về “Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu” được tổ chức ngày 12-13/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã đưa ra cảnh báo: “Nếu chúng ta không có các hành động kiên quyết và mạnh mẽ kịp thời để bảo vệ đại dương tốt hơn, nhiều vùng đảo và vùng ven biển cùng các hệ sinh thái tự nhiên trên hành tinh sẽ biến mất vào năm 2100 do mực nước biển dâng. Đây là thách thức vô cùng lớn.”
Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phát triển kinh tế đại dương bền vững, hạn chế và thích ứng với biến đổi khí hậu là “mệnh lệnh,” thể hiện mối quan tâm chung của nhân loại và chỉ có thể đạt được trên cơ sở hợp tác, đoàn kết toàn cầu, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Trên tinh thần kêu gọi của Phó Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ giữa tháng 5/2022 đến nay, rất nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam đã được các địa phương và các cơ quan, tổ chức đồng loạt tổ chức trên phạm vi cả nước theo hướng sáng tạo; mạnh dạn đổi mới trong các phương thức, hình thức truyền thông, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng.
Đơn cử, ngày 5/6, tại thành phố Quy Nhơn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ míttinh kỷ niệm sự kiện trên với sự tham gia của khoảng 700 cán bộ công chức, viên chức, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên, sinh viên, học sinh và đại diện dân cư các phường ven biển.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành Kế hoạch phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022; dự kiến sẽ diễn ra liên tiếp trong hai ngày 11-12/6 tới./.