Trong bài viết với nhan đề "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới," Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế."
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Nhật Quang, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam về các nhiệm vụ khoa học của Viện Hàn lâm trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
- Thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ trong bài viết mới đây, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã định hướng các nhiệm vụ khoa học như thế nào, thưa ông?
- Phó Giáo sư, tiến sỹ Bùi Nhật Quang: Bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được công bố trong dịp nước ta kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2020) và đang trong quá trình tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội XIII của Đảng.
Bài viết khái quát về các thành tựu nước ta đã đạt được trong 5 năm vừa qua, chỉ ra những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc rút qua các nhiệm kỳ.
Trên cơ sở dự báo khoa học tình hình quốc tế, khu vực và thẳng thắn thừa nhận những khó khăn, hạn chế và khuyết điểm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đặt ra yêu cầu, đề xuất quan điểm, mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể, cùng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới.
Trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, vai trò của khoa học và công nghệ đã được chú ý với bài học kinh nghiệm rút ra là “Thực sự coi trọng, phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong điều kiện mới."
Mô hình tăng trưởng mà chúng ta đang hướng tới sẽ khơi dậy mọi tiềm năng, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế."
Tôi thấy rằng bài viết có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
[Tổng Bí thư: Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng]
Về phần định hướng nhiệm vụ khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Nghị định số 99/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ đã quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Trên cơ sở đó, chúng tôi định hướng nhiệm vụ của cơ quan theo phương châm gắn chặt lý luận với thực tiễn, các nhiệm vụ khoa học phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển đất nước, cung cấp luận cứ khoa học cho việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm hài hòa giữa đòi hỏi trước mắt với định hướng lâu dài, giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng; kết hợp chặt chẽ nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn.
Chúng tôi tôn trọng quyền tự do sáng tạo, phát huy dân chủ trong hoạt động khoa học theo Quy định số 285-QĐ/TW ngày 25/4/2015 của Bộ Chính trị “Về dân chủ trong nghiên cứu lý luận trong các cơ quan đảng, nhà nước” và gắn với đó là đề cao trách nhiệm chính trị, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính trung thực, khách quan, đạo đức nghề nghiệp của các cá nhân hoạt động khoa học.
Chúng tôi cũng chú ý tới năng lực và chất lượng dự báo. Các nhiệm vụ khoa học được tiếp cận dựa trên thế giới quan, phương pháp luận khoa học và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời tham khảo, tiếp thu các thành tựu mới, những giá trị có tính phổ quát của nhân loại. Một số nhiệm vụ khoa học được thực hiện phục vụ nhiệm vụ đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch; uốn nắn những nhận thức lệch lạc.
Các nhiệm vụ khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tập trung vào nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn từ quá trình đổi mới của đất nước, dự báo xu hướng phát triển và cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình xây dựng các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước.
Một số hướng nghiên cứu lớn đang được triển khai bao gồm nghiên cứu về mô hình tăng trưởng và chiến lược phát triển của quốc gia, của các vùng trọng điểm; nghiên cứu về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; làm rõ các luận cứ khoa học và thực tiễn về đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới quản lý nhà nước, phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân; vấn đề xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, đảm bảo kỷ cương xã hội; xu thế phát triển của xã hội, văn hóa, dân tộc, tôn giáo và con người Việt Nam; nghiên cứu khoa học lịch sử; nghiên cứu quốc tế, đánh giá, dự báo về các xu thế phát triển của khu vực, thế giới và sự tương tác của Việt Nam.
- Để định hướng phát triển khoa học công nghệ trong giai đoạn mới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã có những giải pháp cụ thể nào trong xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học xã hội và nhân văn mang tầm quốc gia và quốc tế, thưa ông?
- Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Nhật Quang: Để thực đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của lĩnh vực khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tập trung vào một số giải pháp chủ yếu bao gồm: đổi mới về bộ máy tổ chức hoạt động của Viện Hàn lâm và các đơn vị trực thuộc.
Chúng tôi đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức khoa học và công nghệ công lập về nhân lực, kinh phí hoạt động dựa trên kết quả và hiệu quả hoạt động.
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Viện Hàn lâm đã giải thể, sáp nhập 2 đơn vị cấp vụ, 110 đơn vị cấp phòng và trên 100 viên chức quản lý nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu; nâng cao năng lực, hiệu quả bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về khoa học.
Viện đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ khoa học theo hướng phát huy dân chủ trong hoạt động khoa học, chú trọng khâu đánh giá, nghiệm thu, bảo đảm chất lượng, hiệu quả nghiên cứu.
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam xây dựng hệ thống chương trình nghiên cứu có mục tiêu, yêu cầu, nội dung cụ thể để phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường tính ứng dụng của kết quả nghiên cứu, chủ động chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các cơ quan đảng, nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp để có những đóng góp thiết thực hơn cho sự phát triển đất nước.
Viện từng bước áp dụng phương thức quản trị hiện đại, ban hành Biểu mẫu bảng tính Chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động (KPI) thực hiện ở các viện nghiên cứu trực thuộc, làm căn cứ đánh giá hiệu quả nghiên cứu, tạo động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn chính sách từng bước tiệm cận chuẩn quốc tế.
Viện chủ động và tích cực tham gia các chương trình, đề tài cấp quốc gia; chủ động đề xuất, xây dựng các chương trình, đề tài, dự án khoa học cấp quốc gia, khuyến khích các viện nghiên cứu, các nhà khoa học tham gia vào quá trình đấu thầu, tuyển chọn các đề tài cấp quốc gia.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã và đang chủ trì nhiều chương trình khoa học lớn cấp quốc gia như Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, Đề án nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê-Nền Chùa, Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia phục vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nam Bộ, một số chương trình nghiên cứu lý luận, nghiên cứu về biển đảo và vấn đề bảo vệ chủ quyền, nghiên cứu quốc tế, nghiên cứu hợp tác với các địa phương trong cả nước...
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực, sử dụng và trọng dụng các nhà khoa học có trình độ cao.
Cho đến nay, Viện tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, sử dụng, quản lý, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ khoa học để đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Khoa học xã hội là lĩnh vực có nhiều đặc thù, đòi hỏi công tác cán bộ phải được thực hiện một cách cẩn trọng, có đầu tư thích đáng cho đào tạo, tự đào tạo cũng như đào tạo lại. Lựa chọn đúng người, đúng việc chính là chìa khóa đi đến thành công để Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có thể thực hiện các nhiệm vụ khoa học mang tầm quốc gia và quốc tế.
Các giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình mới là tôn trọng sự khác biệt trong công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Đây vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để lĩnh vực khoa học xã hội có thể đóng góp tốt hơn nữa cho quá trình phát triển đất nước. Khoa học xã hội gắn liền với chính trị, với nền tảng tư tưởng của Đảng nhưng lại đòi hỏi tư duy độc lập để có thể sáng tạo. Tôn trọng sự khác biệt có nghĩa rằng có thể để các nhà khoa học nghĩ khác đi, đổi mới tư duy và từ đó mới có thể đổi mới, sáng tạo.
Tất nhiên, tôn trọng sự khác biệt nhưng phải đặt trong khuôn khổ của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tự do nhưng không được tùy tiện, không đồng nghĩa với nói trái, làm trái. Chúng tôi thấy rất đáng mừng là giải pháp này đã được quan tâm và được đưa vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn ông!