Nguyên liệu chính là sử dụng than để phát điện nên rất dễ gây ra ô nhiễm, song vấn đề này hoàn toàn có thể kiểm soát được nhờ công nghệ và tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đây là ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo "Cần có cái nhìn đúng về Nhà máy nhiệt điện than" do Báo Lao động phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 13/12, tại Hà Nội.
[Dự báo nguy cơ thiếu điện sẽ xảy ra từ những năm 2020]
Liệu có quá lo ngại?
Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự kiến giai đoạn 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện than là 26.000 MW, song đến nay mới có 7 dự án nhiệt điện than được khởi công và đang triển khai xây dựng với tổng công suất 7.860 MW, còn thiếu 18.000 MW theo yêu cầu.
Có thể thấy, điều mà dư luận lo ngại lâu nay chính là việc xử lý vấn đề môi trường, cụ thể là xử lý tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than như thế nào?
Nhắc lại vấn đề này, ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, việc các dự án nhiệt điện than bị chậm ngoài việc thiếu vốn hay năng lực chủ thầu hạn chế... thì một nguyên nhân nữa chính là một số địa phương không ủng hộ xây dựng nhiệt điện than do lo ngại vấn đề liên quan đến môi trường.
Ý kiến này cũng được tiến sỹ Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam đưa ra. Theo ông Nghĩa, việc phê phán nhiệt điện than xuất phát từ nhận xét đốt nhiều than là nguồn phát thải lớn khí nhà kính CO2. Bên cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện than cũng thải ra nhiều tro, xỉ, nhiều khí độc hại SO2 và Nox.
Dù vậy, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam lưu ý, việc đánh giá các thông tin cần dựa trên nguyên tắc khoa học và đảm bảo tính khách quan, công bằng cho lĩnh vực nhiệt điện than. Bởi thực tế, có việc một số nhà máy làm phát tán nguồn tro, xỉ nhưng ngay sau đó đã tiến hành khắc phục do vậy không thể suy diễn tất các nhà máy nhiệt điện than đều nguy hại.
Bên cạnh đó, việc các nhà máy nhiệt điện than thải ra nhiều nguyên tố kim loại nặng là nguồn gây ung thư cho cộng đồng là đúng nhưng theo ông Nghĩa, vấn đề là nồng độ những nguyên tố này có đạt giới hạn nguy hiểm không?
- Cơ cấu thành viên tham gia thị trường điện loại hình công nghệ:
Phải kiểm soát công nghệ
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay nguồn thủy điện có nhiều ưu thế nhờ giá điện thấp nhất song đã khai thác hết tiềm năng; nhiệt điện khí có giá điện cao và phụ thuộc vào giá khí nhập khẩu, còn trong nước nhiều mỏ khí cũng đang cạn kệt.
Trong khi đó, nhiệt điện than được cho là nguồn cung cấp có giá hợp lý, hơn nữa các quốc gia trên thế giới coi đây là nguồn quan trọng cho việc phát điện. Song, để phát triển, các chuyên gia cũng lưu ý chú trọng kiểm soát công nghệ ngay từ khi bắt đầu hình thành dự án.
Ông Lê Văn Lực cho biết, việc kiểm soát công nghệ đối với các nhà máy điện là một trong những khâu quan trọng nhất và việc này luôn được tiến hành xem xét ngày từ khi triển khai lập dự án và báo cáo kỹ thuật để cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, phê duyệt.
Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng khẳng định vấn đề phát thải gây ô nhiễm môi trường dù có nhưng khắc phục được, kể cả phát thải khí rắn và lỏng đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tân Bình, Trưởng ban khoa học, công nghệ và môi trường của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đưa ra những lập luận để giải tỏa những "tâm tư" của doanh nghiệp.
Theo ông, các nhà máy điện than do EVN quản lý đều sử dụng công nghệ hiện đại và quan trọng là đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường. Theo đó, tất cả các nhà máy nhiệt điện đốt than đều sử dụng hệ thống xử lý bụi tĩnh điện khô với hiệu suất lên đến 99,7% và đều có hệ thống gom, xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt đáp ứng theo quy chuẩn Việt Nam 4.0 cũng như được tái sử dụng, không xả ra môi trường.
Về vấn để xử lý môi trường, đại diện EVN cho hay, các nhà máy điện thuộc tập đoàn đã phối hợp với các đơn vị kiểm định độc lập như VinaControl, JCOAL để tổ chức lấy mẫu tro xỉ và phân tích.
"Theo đánh giá thì tro xỉ của các nhà máy này đều thuộc chất thải rắn công nghiệp thông thường, không phải chất thải nguy hại và được phép tái sử dụng phục vụ mục đích xây dựng, đã có nhiều đối tác liên hệ với các nhà máy nhiệt điện than để tiêu thụ tro xỉ," đại diện EVN cho biết thêm.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, những lo ngại của người dân về nhiệt điện than cũng xuất phát từ việc chưa được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về công nghệ cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường của các nhà máy này.
Theo ông, phát triển nhiệt điện than trong giai đoạn tới với một tỷ lệ thích hợp là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, hiện đại, có các thông số hơi (nhiệt độ, áp suất) trên tới hạn và trên siêu tới hạn để nâng cao hiệu suất các tổ máy, giảm tiêu thụ nhiên liệu và giảm phát thải ra môi trường.
Ông Hưng yêu cầu đối với các dự án xây mới, sẽ áp dụng các công nghệ xử lý khói thải, nước thải tiên tiến (De-SOx, De-NOx, ESP khử bụi). Với các nhà máy đang vận hành, sẽ tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện đầy đủ các quy trình vận hành, cải tiến, nâng cấp, lắp đặt thêm các hệ thống thiết bị xử lý môi trường; tăng cường các giải pháp sử dụng tro, xỉ, thạch cao để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, san lấp công trình xây dựng,… nhằm đáp ứng các quy định về phát thải của Việt Nam cũng như quốc tế./.