Bài 5: 'Mệnh lệnh' cuộc sống: Đã đến lúc cần 'cuộc cách mạng xanh'
Sau một loạt “bài học đắt giá” được rút ra từ những sự cố môi trường nghiêm trọng và gánh nặng ngân sách bỏ ra để xử lý hậu quả của ô nhiễm cộng với tác động của biến đổi khí hậu và dịch bệnh xảy ra trong hơn 5 năm trở lại đây - giới chuyên gia, đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách đều khẳng định rằng đã đến lúc cần phải có một “cuộc cách mạng xanh” bền vững hơn cho tương lai của người Việt.
Đó cũng là xu thế phát triển không thể đảo ngược để hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra tại Hội nghị COP26; qua đó hướng tới “tăng trưởng xanh” cũng như nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân.
Tuyệt đối không đánh đổi môi trường lấy lợi nhuận kinh tế
Ngay trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị COP26, hồi tháng 11/2021, tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Lời cảnh báo của tự nhiên buộc chúng ta phải hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu.
Thủ tướng nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững.
Đặc biệt, mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Như vậy, để thực hiện được mục tiêu trên, cũng như đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần phải triển khai mạnh mẽ bằng một “cuộc cách mạng xanh” bền vững. Đó là phải thân thiện hơn với môi trường, tuyệt đối không đánh đổi sự suy giảm môi trường lấy lợi nhuận kinh tế, năng suất, sản lượng cao...
Với tinh thần đó, lãnh đạo một đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần phải thay đổi tư duy phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn. Từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra cần xuyên suốt và phải có mô hình tốt để quảng bá, lan rộng ra khắp cả nước.
Song song với đó, các doanh nghiệp cần phải thay đổi nhận thức rằng “anh làm, có tiền và anh cần phải có trách nhiệm với môi trường xung quanh.” Việc này hoàn toàn làm được khi chính quyền địa phương thực sự quyết liệt và trách nhiệm.
Dẫn thực tế hoạt động khai thác đá vận hành nhà máy xi măng ở các nước phát triển như Tây Ban Nha, một vị cán bộ của Tổng cục Môi trường cho biết trong hoạt động khai thác đá, họ không cho nổ mìn mà phải khoét theo trình tự. Và, các nhà máy phải đầu tư về công nghệ hiện đại để đảm bảo không mất tiền từ chính việc vứt bỏ chất thải.
“Khi doanh nghiệp đầu tư công nghệ tốt, họ sẽ không để thất thoát tài nguyên, bụi không phát tán ra môi trường thì sẽ không xảy ra vấn đề xã hội. Bởi khi người dân phản ánh, doanh nghiệp lại phải bỏ ra chi phí để giải quyết, chưa kể mất thời gian, mất niềm tin không chỉ ở người dân, mà còn các đối tác,” vị cán bộ trên lưu ý.
Lấy bài học từ một vụ việc doanh nghiệp sản xuất hải sản để xuất khẩu sang Nhật ở một tỉnh miền Trung cách đây gần 5 năm, vị cán bộ môi trường cho biết doanh nghiệp này vừa được “giải thưởng môi trường,” nhưng khi đoàn thanh tra vào cuộc kiểm tra khu vực xử lý nước thải thì phát hiện phía dưới có đường ống nước thải chôn ngầm dưới đất, chảy ra giữa dòng sông. Sau đó, truyền hình vào cuộc phản ánh. Không lâu sau, doanh nghiệp đối tác từ Nhật Bản cắt luôn hợp đồng,…
Trong khi đó, tại Nestlé Việt Nam, trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp này đã tận dụng hết tất cả các phụ phẩm để làm phân bón hữu cơ. Việc này không chỉ bồi bổ, “làm giàu” dinh dưỡng cho đất, giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh, mà còn bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả.
Ngoài ra, những loại phụ phẩm từ vỏ càphê tại Tây Nguyên còn được tận dụng làm gạch không nung. Thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn “từ hạt càphê đến viên gạch không nung” đã giúp Nestlé Việt Nam giảm phát thải 13.000 tấn carbon mỗi năm đồng thời tiết kiệm 40% nước và 30% năng lượng dùng cho sản xuất.
Xử lý thật nghiêm vi phạm, xanh hóa từ những “mảng nâu”
Góp thêm giải pháp cho “cuộc cách mạng xanh” về môi trường trong thời gian tới ở trên cả nước, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằn các địa phương cần phải đẩy mạnh các hoạt động để xanh hóa ngay từ những điểm “nâu,” trước tiên là đẩy mạnh việc hình thành những khu công nghiệp xanh, đô thị xanh.
Dẫn ví dụ Singapore, từ đường phố cho đến các khu công viên, khu vui chơi, khu công nghiệp đều phủ xanh, ông Thịnh nhấn mạnh: “Tới đây, các địa phương cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Xanh ở đây không chỉ là bảo tồn thiên nhiên, mà phải xanh ở trong đô thị, ở trong những mảng nâu. Đó là xanh hóa ở các khu công nghiệp, xanh trong quy trình sản xuất, hướng đến các khu công nghiệp sinh thái.”
Về phía các địa phương, ông Thịnh lưu ý lãnh đạo nơi nào càng quan tâm tới môi trường thì chi phí cho công tác quản lý càng giảm. Đầu tiên là vấn đề an ninh trật tự xã hội ổn đinh; chi phí hậu xử lý cho vấn đề môi trường rất lớn so với việc ngăn chặn ngay từ đầu; lợi ích xã hội về GDP, đó là người dân không phải bỏ ra những khoản tiền để khi khám chữa bệnh - những khoản phí không nhìn thấy được.
Nhìn nhận ở góc độ cơ sở, bà Trần Thị Cẩm Hằng, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang (1 trong số 165 đại biểu trí thức trẻ Việt Nam tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ V) nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ không thể tách rời, không của riêng ai, mà là sự nghiệp và trách nhiệm chung của cả cộng đồng.”
Theo bà Hằng, bảo vệ môi trường không khó để thực hiện, nhưng đây là việc làm đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, liên tục và hơn hết là ý thức, tính tự giác của mỗi cá nhân trong xã hội cần được thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực.
Với tinh thần đó, bà Hằng cho biết thị xã Gò Công đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường; vận động nhân dân cùng xây dựng lối sống thân thiện với môi trường theo hướng thay thế - tiết giảm - tái sử dụng - tái chế; tiêu dùng xanh và bền vững; hạn chế tối đa việc sử dụng túi nylong, đồ nhựa một lần, thay vào đó là sử dụng các sản phẩm có khả năng tái sử dụng.
Mặt khác, thị xã Gò Công cũng đã và đang thực hiện có hiệu quả các mô hình xanh hóa môi trường như: Mô hình phụ nữ với sống xanh, phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, tuyến đường xanh-sạch-đẹp, mô hình ruộng lúa-bờ hoa; phân bón hữu cơ từ phân gia súc gia cầm, trường học xanh-thân thiện môi trường, khu dân không rác, dòng kênh không rác, văn phòng làm việc xanh-hiện đại,…
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, đại biểu Quốc hội khoá XV Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị; Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội) nhấn mạnh: “Về chiến lược phát triển xanh, Đảng, Nhà nước ta luôn luôn đặt lên mục tiêu hàng đầu cùng với kinh tế tuần hoàn để hòa nhịp cùng thế giới. Trong chiến lược phát triển đó, mục tiêu quan trọng là nâng cao chất lượng đời sống của người dân.”
Tuy nhiên, đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng lưu ý hiện nay nguồn lực cho phát triển “xanh” đồng bộ tại nhiều địa phương vẫn còn “yếu” và “thiếu,” chưa đủ mạnh để thay đổi căn bản nền sản xuất cũng như tri thức trong cuộc sống về việc chuyển đổi các mô hình, xu hướng phát triển từ “nâu” sang “xanh.”
“Thực tế, môi trường là vấn đề xảy ra thường xuyên, khắp nơi, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, ảnh hưởng. Trong đó, việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của người dân trong thời gian qua và hiện nay cũng gây ảnh hưởng đến môi trường. Trong quy hoạch, xây dựng, việc kêu gọi phát triển kinh tế, mở rác các khu công nghiệp, làng nghề đều có những ‘mảng nâu’ trong đó,” đại biểu Hà Sỹ Đồng chia sẻ.
Vì thế, muốn thay đổi căn bản, toàn diện được các khó khăn, thách thức trên, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, Việt Nam cần phải có một “cuộc cách mạng” rất lớn; trong đó nguồn lực đầu tư để thúc đẩy quá trình cải tiến các mô hình, quy trình sản xuất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp là đặc biệt quan trọng. Nguồn lực này không chỉ nhằm mục đích đầu tư, đồng bộ hóa, ứng dụng các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mà còn giải quyết vấn đề việc làm cho người dân.
“Tôi cho rằng giải quyết ô nhiễm trong môi trường công nghiệp, trong nông thôn, đô thị như môi trường không khí là việc làm trước mắt. Nhưng giải pháp lâu dài để sản xuất thân thiện với môi trường thì phải đầu tư đồng bộ với hệ thống công nghệ hiện đại hơn để thay thế máy móc sản xuất lạc hậu. Bên cạnh đó, cần phải có chế tài xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm,” đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
“Phải lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu”
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành tài nguyên và môi trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nhấn mạnh để đạt được các mục tiêu như tinh thần cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần huy động xây dựng các hội nghị, chương trình để thực hiện hiệu quả. Trong đó, nội dung quan trọng là chuyển đổi công nghệ, từng bước phải chuyển đổi ngành năng lượng theo xu hướng xanh từ việc giảm nhà máy nhiệt điện, tăng điện khí, điện gió…
Trên tinh thần, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết cơ quan này đã xác định nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 2022-2025 với các nội dung trọng tâm như: Phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, bảo vệ môi trường phải dựa trên sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa các cấp, các ngành, tận dụng cơ hội của quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế; phải lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh việc áp dụng hiệu quả nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại, người hưởng lợi từ các giá trị môi trường phải trả tiền;” tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng và người dân trong bảo vệ môi trường.
Về phía Bộ Xây dựng (ngành đang quản lý hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có lĩnh vực rất “nóng” về ô nhiễm khói bụi là ximăng), ông Phạm Xuân Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho biết trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác khoa học kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng, bảo vệ môi trường. Các địa phương cần tăng cường thanh-kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở khai thác, chế biến các loại khoáng sản đảm bảo.
Đặc biệt, các địa phương cần quy hoạch và xây dựng các dự án phát triển kinh tế-xã hội khác trên các vùng đất có khoáng sản làm vật liệu xây dựng; phát triển ngành khai thác-chế biến ximăng và đá hoa trắng thành ngành công nghiệp chủ đạo, bền vững, tương xứng với quy mô khoáng sản, cơ chế thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.
Thừa nhận sản xuất xi măng tại Việt Nam là một ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng nhiều tài nguyên và có phát thải lớn trong quá trình sản xuất, ông Đỗ Xuân Thịnh, chuyên gia kỹ thuật, Phòng Kỹ thuật Tổng Công ty Ximăng Việt Nam (VICEM) cũng nhấn mạnh ngành này sẽ cần phải đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình kinh doanh sáng tạo mới, để giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2.
Từ đó, đại diện VICEM cho biết trên cơ sở nội dung Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, đơn vị này đã xây dựng lộ trình áp dụng khoa học, công nghệ để gia tăng tỷ lệ sử dụng rác thải thông thường làm nhiên liệu thay thế; triển khai thực hiện đồng xử lý chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt trong sản xuất để bảo vệ môi trường.
Cần đầu tư vào một nền kinh tế “xanh” toàn diện
Góp thêm ý kiến từ góc nhìn quốc tế về xu hướng “phát triển xanh,” bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang ngày càng buộc các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải tái cấu trúc nền kinh tế của mình. Mặc dù tất cả những điều này có vẻ khó khăn nhưng các cuộc khủng hoảng có thể là chất xúc tác cho sự thay đổi.
Theo bà Ramla Khalidi, trong thế giới hậu COVID-19, các quốc gia đều lựa chọn hướng tới tăng trưởng xanh. Trong bối cảnh đó, Việt Nam và các quốc gia đều có cơ hội biến những thách thức hiện tại thành nền tảng cho một tương lai thịnh vượng và ổn định hơn bằng cách đầu tư vào một nền kinh tế “xanh,” có sức chống chịu và toàn diện ngay từ bây giờ.
"Ví dụ như năng lượng, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo và bây giờ là thời điểm hoàn hảo để đánh giá lại quỹ đạo phát triển năng lượng hiện tại," bà Ramla Khalidi nói.
Cũng theo bà Ramla Khalidi, môi trường và nền kinh tế có mối liên hệ với nhau. "Một số ý kiến cho rằng nền kinh tế là tập hợp con của môi trường, vì chúng ta hoàn toàn dựa vào thiên nhiên để tồn tại. Tuy nhiên cần phải hiểu rằng đây không phải là một 'trò chơi có tổng bằng không,' trong đó chỉ một bên có thể được hỗ trợ bằng chi phí của bên kia," bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.
Với Việt Nam, bà Ramla Khalidi cho rằng “đất nước hơn 99 triệu dân” hiện còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Trong số đó, than chiếm khoảng 1/3 tổng công suất lắp đặt và dựa trên các dự báo hiện tại, công suất phát điện quốc gia phải tăng gấp đôi vào năm 2030. Vì thế, Việt Nam cần dần chuyển đổi sang năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng của chính mình và xây dựng một ngành công nghiệp xanh hơn.
“Do vậy, ngoài việc tái cấu trúc nền kinh tế để làm cho chúng bền vững hơn, chúng ta cũng đang phấn đấu đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030. Vì thế, tăng trưởng xanh cần phải bền vững về mặt xã hội (bao gồm cả người nghèo, người dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ…),” bà bà Ramla Khalidi khuyến nghị.
Về việc hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26, nhất là đạt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, bà Ramla Khalidi cho rằng đó là những thách thức và chắc chắn sẽ đòi hỏi một sự chuyển đổi toàn xã hội và toàn ngành với vốn đầu tư ban đầu đáng kể. Những tiến bộ kỹ thuật trong những năm gần đây đã làm giảm chi phí của hệ thống năng lượng tái tạo đến mức có thể cạnh tranh với than, dầu và khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo cần nhiều vốn hơn, với chi phí ban đầu cao hơn.
Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cũng lưu ý tài chính ưu đãi quốc tế có thể giúp ích, nhưng phần lớn vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ được lấy từ trong nước. Vì thế, việc tăng nguồn cung tài chính dài hạn trong nước đòi hỏi phải đổi mới chính sách, bao gồm biện pháp mô phỏng sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các cơ chế sử dụng bảng cân đối kế toán của chính phủ để chia sẻ rủi ro đầu tư với các nhà điều hành tư nhân.
Điều quan trọng không kém là “giao thông xanh” giúp giảm ô nhiễm không khí và nâng cao sức khỏe. Tương tự, sống xanh và tiêu dùng xanh vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, người tiêu dùng đang trở nên hiểu biết hơn về thị trường và có ý thức về môi trường, đặc biệt là ở các thị trường quốc tế; họ đang yêu cầu lượng khí thải carbon thấp hơn từ các sản phẩm.
“Do đó, tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ ‘đổi mới xanh.’ Đó là một quỹ đạo duy trì và tái tạo vốn tự nhiên mà người dân và nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào. Nó sẽ tạo tiền đề cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng đồng thời tăng tốc sản xuất năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng,” bà Ramla Khalidi nói.
Bà Ramla Khalidi cũng cho biết UNDP hiện đang làm nhiều việc để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, đơn cử như hỗ trợ xây dựng chính sách, đào tạo doanh nghiệp và khu vực tư nhân, phát triển các mô hình dựa vào cộng đồng để giải quyết vấn đề quản lý chất thải; tìm kiếm các giải pháp sáng tạo cho ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Đặc biệt, tổ chức này vừa chính thức ra mắt Mạng lưới kinh tế tuần hoàn - một nền tảng công tư, để thu hút các bên liên quan trên khắp Việt Nam tham gia vào quá trình chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, UNDP cũng tập trung các giải pháp dựa trên thiên nhiên để giải quyết một cách sáng tạo cả những mất mát về đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Cụ thể, các quỹ sẽ phải được phân bổ một cách chiến lược vào các giải pháp tài chính như thanh toán cho các dịch vụ hệ sinh thái, du lịch dựa vào thiên nhiên. Đây là những can thiệp mà UNDP hướng đến để thúc đẩy quá trỉnh chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh" mạnh mẽ hơn trong tương lai./.
[Bài 1: "Góc tối tàn khốc" ẩn sau hàng loạt đại công xưởng dọc dài đất nước]
[Bài 2: Quản lý dự án bằng "niềm tin": Doanh nghiệp “bỏ quên” môi trường, dân khốn đốn]
[Bài 3: 'Lỗ hổng' thanh tra đột xuất giúp ô nhiễm 'chui lọt' chủ trương]
[Bài 4: Từ hệ lụy làm trước, chữa sau: Không để mãi cảnh “quýt làm, cam chịu']