Trong thời đại phát triển vũ bão của khoa học và công nghệ trên giới hiện nay, việc phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiến đến hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước, đang có nhiều cơ hội và cũng gặp không ít thách thức.
Thực trạng khoa học-công nghệ vũ trụ tại Việt Nam
Ngày 4/2/2021, Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 đã được phê duyệt với những mục tiêu tổng quát gồm: ứng dụng rộng rãi thành tựu của khoa học và công nghệ vũ trụ; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, giám sát và hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cung cấp đa dạng dịch vụ cho người dân.
Phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ vũ trụ cũng góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước, bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội và bảo đảm các lợi ích quốc gia khác.
Tiến sỹ Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận định chiến lược đã cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển khoa học-công nghệ Vũ trụ trong nước thời gian tới; tạo nhiều cơ hội cho các nhà khoa học, nhà sản xuất, doanh nghiệp và các thành phần liên quan lĩnh vực này phát triển.
Đối với lĩnh vực vũ trụ, Việt Nam đã có những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển như: năm 1980, Anh hùng Phạm Tuân là phi hành gia đầu tiên của châu Á bay lên vũ trụ; năm 2006, Chiến lược nghiên cứu và phát triển công nghệ vũ trụ đến 2020 được Chính phủ phê duyệt; năm 2008, Việt Nam sở hữu vệ tinh VINASAT-1, vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam; năm 2012, Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được khởi công xây dựng.
Đến năm 2013, vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam là VNREDSat-1 được đưa lên quỹ đạo. Cũng trong năm 2013, vệ tinh PicoDragon là vệ tinh đầu tiên hoàn toàn do Việt Nam chế tạo ra đời (trọng lượng 1kg).
Đến năm 2019, vệ tinh MicroDragon có trọng lượng 50kg do 36 kỹ sư người Việt và được nhiều giáo sư Nhật Bản hỗ trợ trong quá trình thiết kế, phát triển.
Mới đây nhất, vệ tinh NanoDragon hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, bởi các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, cũng đã được chuyển đến bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima, phía Nam Nhật Bản, dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo vào khoảng 7 giờ 48 đến 7 giờ 59 ngày 1/10/2021 theo giờ Việt Nam.
Các vệ tinh mà Việt Nam đang sở hữu đã đem lại nhiều lợi ích đối với sự phát triển kinh tế-xã hội; giám sát môi trường, khí tượng, bản đồ, dự báo và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu...
Vệ tinh giám sát đang đem lại những hiệu quả rõ rệt trong lĩnh vực giám sát thiên tai bởi dữ liệu thời gian thực là vô cùng quan trọng.
[Vệ tinh cỡ nhỏ - Thành tựu phát triển công nghệ vũ trụ của Việt Nam]
Việc quan sát bằng dữ liệu vệ tinh quang học hoặc quan sát mây phủ bằng dữ liệu khẩu độ tổng hợp sẽ giúp rút ngắn thời gian phát hiện cần thiết để nắm bắt phạm vi thiên tai và giảm thời gian cần thiết cho ứng phó kịp thời đến từng khu vực, quận, huyện và xã.
Tương tự, trong lĩnh vực quan sát đại dương, những số liệu từ vệ tinh đóng góp vào hiệu quả phát hiện các tàu đánh cá bất hợp pháp và cũng liên tục thu thập dữ liệu đồng nhất bằng dữ liệu vệ tinh quang học, cho phép phân tích xu hướng ô nhiễm nước lâu dài.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, bằng cách sử dụng dữ liệu vệ tinh ở phạm vi rộng, tần số cao và độ phân giải cao, khối lượng thông tin tăng lên sẽ góp phần tăng độ chính xác trong việc theo dõi tình hình trồng lúa và phát hiện các hiện tượng tự nhiên liên quan đến nông nghiệp như hạn hán và hư hại do nhiễm mặn.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng các dữ liệu vệ tinh không chỉ góp phần làm giảm thời gian và chi phí liên quan đến thu thập tại chỗ, mà còn giúp thu thập dữ liệu về tình trạng thực vật rừng địa phương ở vùng sâu, vùng xa.
Phát triển nhân lực trong lĩnh vực vũ trụ
Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 định hướng những giải pháp phát triển nguồn nhân lực gồm: thành lập mới, nâng cấp tối thiểu 5 cơ sở đào tạo; xây dựng, ban hành mã ngành đào tạo, khung chương trình, chuẩn đầu ra cho chuyên ngành hàng không học và vũ trụ; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, bao gồm khoảng 5 nhóm về khoa học vũ trụ, 15 nhóm về công nghệ vũ trụ, bảo đảm cơ cấu nhân lực hợp lý, có tính kế thừa, đủ năng lực chủ trì các hướng nghiên cứu ưu tiên; tổ chức thực hiện các khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng cho công tác hoạch định chính sách, thực thi quản lý nhà nước, hỗ trợ khởi nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ.
Trước đó, Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 được Chính phủ phê duyệt ngày 1/2/2019 cũng đặt ra mục tiêu: làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái Đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu; đào tạo được nguồn nhân lực viễn thám có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được nhu cầu quản lý, ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám.
Theo tiến sỹ Lê Xuân Huy, phát triển công nghệ khoa học vũ trụ ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức như: cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính, nhân lực, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế.
Do đó, bên cạnh thực hiện các mục tiêu chung, việc quan tâm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học-công nghệ trong thời gian tới là một trong những điều cấp bách.
Đặc biệt, để phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ ở Việt Nam còn cần có sự tham gia của thế hệ trẻ ngay từ bây giờ, nuôi dưỡng niềm đam mê, nâng cao nhận thức và hiểu biết về khoa học và công nghệ vũ trụ; chuẩn bị về năng lực, kỹ năng, tăng cường kỹ năng làm việc nhóm, thái độ, tác phong làm việc chuyên nghiệp; luôn có tinh thần, quyết tâm không bỏ cuộc.
Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam Phạm Anh Tuấn cho rằng Đảng và Nhà nước nên xác định không gian vũ trụ là một trong 5 không gian (vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gian mạng và không gian vũ trụ) mà Việt Nam cần làm chủ để bảo vệ quyền lợi quốc gia.
Ngoài ra, công nghệ vũ trụ cần có sự đầu tư lớn về các nguồn lực tài chính, nhân lực và cả thời gian. Nếu không có một sự đảm bảo về định hướng, rất khó có một tổ chức nào dám đầu tư.
Từ đó, Đảng và Chính phủ cần đảm bảo định hướng phát triển cân đối và bền vững cho lĩnh vực này bằng việc xây dựng Luật Vũ trụ của Việt Nam, đây là tiền đề cho các thành phần khác yên tâm đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, để phát triển khoa học vũ trụ cũng như ngành công nghiệp vũ trụ, nước ta cần thúc đẩy nhu cầu khai thác các ứng dụng từ công nghệ vũ trụ, tạo nhu cầu đủ hấp dẫn các thành phần kinh tế, các startup công nghệ cùng tham gia xây dựng nền kinh tế vũ trụ; tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, rút ngắn khoảng cách để có thể tham gia đóng góp vào các chương trình nghiên cứu chung của thế giới.
Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách nuôi dưỡng nguồn nhân lực hiện có bằng môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ tốt, thu hút và chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận.
Để giải quyết những khó khăn trên, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh Nhà nước cũng cần thúc đẩy thị trường phụ trợ cho công nghệ vũ trụ, như tăng cường nhu cầu khai thác các ứng dụng từ công nghệ vũ trụ, tạo nhu cầu đủ hấp dẫn các thành phần kinh tế, các start-up công nghệ hình thành hệ sinh thái, cùng tham gia xây dựng nền kinh tế vũ trụ.
Bên cạnh việc tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, nước ta cũng cần có những chính sách nuôi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học-công nghệ hũ trụ hiện có bằng môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ tốt, thu hút và chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận./.