Phạt, truy thu hàng trăm tỷ đồng sau kiểm tra, thanh tra hàng hóa

Trong tháng 3/2018, các lực lượng chức năng của Thành phố đã xử lý 1.049 vụ, trong đó có 169 vụ hàng cấm, hàng lậu, 36 vụ liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ và 844 vụ gian lận thương mại.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Theo Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, trong tháng 3/2018, các lực lượng chức năng của Thành phố đã xử lý 1.049 vụ, trong đó có 169 vụ hàng cấm, hàng lậu, 36 vụ liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ và 844 vụ gian lận thương mại.

[Khắc phục tình trạng chồng chéo liên quan đến an toàn thực phẩm]

Thống kê cho thấy, số tiền xử phạt hành chính trong lĩnh vực này là 88,15 tỷ đồng, bán hàng tịch thu gần 1,6 tỷ đồng, ngoài ra số tiền truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra của Công an và ngành thuế cũng vượt con số 363,7 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lĩnh vực An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục nóng sau Tết Nguyên đán. Vụ việc mới đây nhất, Đội Quản lý thị trường số 17 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm của ông Nguyễn Năng Ngọc, tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, tạm giữ 644 kg gân trâu, bò, lợn và 225 kg phụ gia tẩy trắng không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc…

Trong khi đó, theo số liệu của Thanh tra Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, trong tháng 3/2018, cơ quan này đã thanh tra, kiểm tra 107 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, nông lâm sản, thủy sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính 5 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền là 8.750.000 đồng.

Đánh giá về thị trường hàng hóa sau Tết Nguyên đán, theo ông Chu Xuân Kiên, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, tháng Ba là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội nên tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, phương thức, thủ đoạn vi phạm nhiều, ngày càng tinh vi hơn. Do đó, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn là nhiệm vụ "nóng" của các cơ quan chức năng.

Trong kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã yêu cầu, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo và Uỷ ban nhân dân các địa phương xây dựng kế hoạch chuyên đề bảo đảm bám sát diễn biến tình hình thực tế, xác định rõ địa bàn, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm và phương thức thủ đoạn hoạt động.

Ban chỉ đạo 389 Hà Nội cũng đề nghị các lực lượng chức năng chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhóm hàng cấm, hàng có thuế suất cao, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… đông thời tập trung vào các địa bàn trọng điểm, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại và các kho tàng, bến bãi nơi dễ phát sinh các hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng giả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục