Phe biểu tình tại Sudan chấp nhận đề xuất về chuyển tiếp chính trị

Các đại diện phe biểu tình ở Sudan chấp nhận đề xuất của đặc phái viên Ethiopia Mahmoud Drir, theo đó lập hội đồng lãnh đạo với các thành viên dân sự chiếm đa số để thực hiện sự chuyển tiếp chính trị.
Người biểu tình tập trung tại thủ đô Khartoum, Sudan ngày 19/5 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 22/6, các đại diện của phe biểu tình tại Sudan đã chấp nhận một đề xuất của đặc phái viên Ethiopia Mahmoud Drir, theo đó thành lập một hội đồng lãnh đạo với các thành viên dân sự chiếm đa số nhằm thực hiện sự chuyển tiếp chính trị.

Tuy nhiên, Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC) hiện nắm quyền lãnh đạo ở Sudan chưa đưa ra quyết định về đề xuất của Ethiopia.

Dự thảo thỏa thuận đề xuất thành lập một hội đồng lãnh đạo gồm 15 thành viên, bao gồm 8 thành viên dân sự và 7 thành viên thuộc quân đội. Trong số 8 thành viên dân sự có 7 người thuộc phong trào biểu tình Liên minh Tự do và Thay đổi (ALC). Hội đồng này sẽ thiết lập một chính quyền dân sự trong thời gian tới.

Phát biểu với báo giới, thủ lĩnh biểu tình Babiker Faisal nhấn mạnh việc chấp nhận đề xuất này là một bước tiến quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu của phong trào biểu tình là tự do, hòa bình và công lý, đồng thời sẽ đưa Sudan đi đúng hướng đến một giai đoạn chuyển tiếp.

[Hội đồng Quân sự chuyển tiếp ở Sudan cách chức trưởng công tố]

TMC đã nắm giữ quyền lãnh đạo Sudan kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất vào ngày 11/4 vừa qua sau 30 năm cầm quyền. Hiện căng thẳng giữa Hội đồng quân sự chuyển tiếp và các phe nhóm biểu tình vẫn tiếp diễn.

Trong nhiều tuần qua, những người biểu tình yêu cầu hội đồng này chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự, nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình chỉ vào ngày 20/5 vừa qua vì hai bên đều muốn đứng đầu trong cơ quan chuyển tiếp trong tương lai.

Ngày 3/6 vừa qua, những người biểu tình ngồi trước trụ sở quân đội ở Khartoum đã bị lực lượng vũ trang mặc quân phục giải tán.

Theo Hội Trung ương các bác sỹ Sudan, ít nhất 128 người đã thiệt mạng trong chiến dịch này. Trong khi đó, nhà chức trách báo cáo số người thiệt mạng là 61, và hội đồng quân sự khẳng định không ra lệnh giải tán người biểu tình.

Sau vụ việc này, quốc gia láng giềng Ethiopia đã tăng cường các nỗ lực trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng chính trị ở Sudan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục