Ngày 6/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 161/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch Tài nguyên Nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định, quy hoạch nhằm xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh giai đoạn đến năm 2025 để cụ thể hóa nội dung quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Tài nguyên Nước).
Đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp và huy động nguồn lực gắn với trách nhiệm của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của Quy hoạch Tài nguyên Nước đã được phê duyệt hướng tới quản trị ngành nước trên nền tảng Công nghệ Số; đảm bảo sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tài nguyên nước.
Quyết định nêu rõ xây dựng, duy trì vận hành hệ thống thông tin, mô hình toán để hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông: Bằng Giang-Kỳ Cùng, Hồng-Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vu Gia-Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn-Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpốk, Đồng Nai, Cửu Long theo thời gian thực. Rà soát, điều chỉnh 11 quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông hướng tới điều tiết, vận hành theo thời gian thực.
Nghiên cứu, nâng cao hiệu quả việc điều tiết để tăng khả năng tích trữ nước của các hồ chứa thủy lợi; nghiên cứu các giải pháp trữ lũ, giữ nước ngọt, tích trữ nước nhằm khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; thực hiện điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; xây dựng giải pháp chủ động nguồn nước cho các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo.
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để nâng cao hiệu quả sử dụng nước; lập, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi và công trình thủy lợi khác; thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm tỷ lệ thất thoát trong các hệ thống cấp nước đô thị và nông thôn; thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, tác hại do nước gây ra. Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên các lưu vực sông, hệ thống thủy lợi phù hợp chức năng nguồn nước, mục tiêu chất lượng nước và dòng chảy tối thiểu; xây dựng và thực hiện đề án thí điểm cải thiện, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm sông Nhuệ-Đáy.
Về tổ chức thực hiện, Quyết định nêu rõ Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý và tổ chức thực hiện Quy hoạch Tài nguyên Nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ trì xây dựng Luật Tài nguyên Nước sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên Nước sửa đổi theo phân công; kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên nước thuộc thẩm quyền; phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương liên quan rà soát, tổ chức xây dựng, điều chỉnh danh mục nhiệm vụ, dự án trong từng giai đoạn.
Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn và hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án liên quan thuộc quy hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện các chương trình, dự án để thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, huy động các nguồn vốn, xã hội hóa trong công tác bảo vệ, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.
Bộ Tài chính chủ trì, căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước tổng hợp, cân đối bố trí kinh phí thường xuyên để thực hiện quy hoạch thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên nguồn các hoạt động kinh tế trong dự toán ngân sách hằng năm của các bộ, cơ quan Trung ương trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy trình vận hành đập, hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi và công trình thủy lợi khác bảo đảm sử dụng nguồn nước hiệu quả, tổng hợp, đa mục tiêu, đảm bảo các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan lập, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn theo thẩm quyền, bảo đảm sử dụng nguồn nước hiệu quả, tổng hợp, đa mục tiêu, đảm bảo các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước và thực hiện các phương án điều hòa, phân phối, bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh/thành phố theo chức năng, thẩm quyền.
Xây dựng kế hoạch, trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp chủ động phân bổ ngân sách địa phương hằng năm và trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án thuộc quy hoạch thuộc trách nhiệm thực hiện của địa phương theo quy định của pháp luật. Nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước (vốn đầu tư công và chi thường xuyên) và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa cho truyền thông, giáo dục về tài nguyên nước; duy trì hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước và giám sát tài nguyên nước Quốc gia; cải thiện, phục hồi đối với các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái; vận hành hệ thống thông tin, hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông và quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực./.
Năm 2024: Bộ TNMT đẩy mạnh Chuyển đổi Số, quản trị thông minh tài nguyên nước
Năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ duy trì vận hành hệ thống giám sát trực tuyến khai thác sử dụng nước đối với khoảng 600 công trình; thúc đẩy việc xây dựng Bản đồ Số dự báo cảnh báo hạn hán...