Phê duyệt triển khai các khuyến nghị theo UPR về nhân quyền

Thủ tướng vừa phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Bộ phận "Một cửa” của BHXH Hà Nội thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ cho các đơn vị và đối tượng đến giao dịch. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Kế hoạch thể hiện sự quyết tâm, nghiêm túc và trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận nói riêng và các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người, đặc biệt là các cam kết tự nguyện đưa ra khi Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016.

Đồng thời, xác định rõ các lĩnh vực cần ưu tiên và lộ trình thực hiện phù hợp đối với các khuyến nghị UPR, đảm bảo việc thực hiện hiệu quả, tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có trong nước và tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan thông qua việc hài hòa các Kế hoạch thực hiện khuyến nghị UPR do các bộ, ngành chủ động xây dựng và triển khai.

Theo Kế hoạch, các việc cần triển khai là tiếp tục tăng cường và bảo vệ các quyền con người trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị; đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; tăng cường giáo dục về quyền con người; cải cách hệ thống pháp luật về quyền con người; tiếp tục xem xét gia nhập các chuẩn mực quốc tế về quyền con người; thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người; hợp tác quốc tế về quyền con người.

Để tăng cường và bảo vệ các quyền con người trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị, theo kế hoạch, sẽ tăng cường các nguồn lực trong nước kết hợp với khai thác hiệu quả sự hỗ trợ của quốc tế trong việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội; bảo đảm mức sống tối thiểu và hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn, mục tiêu là đến năm 2020 có khoảng 2,5 triệu người được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên, trong đó trên 30% là người cao tuổi, 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Cùng với đó là tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề; Chiến lược việc làm đến năm 2020; Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2020; Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2020.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục