Theo chương trình làm việc, chiều 15/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng thời gian gần đây, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và có nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn phát triển tích cực là điều hết sức đáng mừng. Kết quả đó là nhờ Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, bám sát từng ngành, lĩnh vực cụ thể...
Để có những giải pháp nhằm duy trì đà phát triển kinh tế, ông Hà Ngọc Chiến cho rằng cơ quan chuyên môn cần phân tích, đánh giá kỹ tình hình thực tế trên thế giới, từ đó phát huy nội lực, cũng như ý chí khát vọng của người Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội; kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường có diễn biến xấu, gây nguy hại cho sức khỏe; thực hiện nghiêm túc, phát huy hơn nữa hiệu quả, hiệu lực những chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng công tác đối ngoại là một trong những lĩnh vực đạt nhiều thành tựu thời gian qua, khi Việt Nam được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bầu là Ủy viên không thường trực.
Tuy nhiên, bước sang năm 2020, bối cảnh tình hình trong nước và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh rất lớn chính là yếu tố tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam.
[Đánh giá kỹ các tác động đến tình hình KTXH để chủ động ứng phó]
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, những vấn đề như thiên tai, dịch bệnh tác động đến quá trình tăng trưởng rất nhiều, khiến cho nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững, kể cả kinh tế vĩ mô.
Theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, đạo đức, văn hóa chính là của để dành của bất kỳ xã hội nào. Những năm gần đây, nhiều vụ việc xảy ra cho thấy tình hình đạo đức đang xuống cấp nghiêm trọng, các cơ quan chức năng cần có đánh giá nghiêm túc, sâu sắc về vấn đề này giúp cho xã hội phát triển tốt, bền vững hơn.
Bà Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng tình trạng khiếu nại tố cáo thời gian gần đây đã được giải quyết tốt, nhưng chưa toàn diện, vẫn tiềm ẩn những vụ việc khiếu nại kéo dài.
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân cần có sự cải thiện, khoa học hơn, tránh sự chồng chéo khi nhiều bộ cùng quản lý một công việc...
Nói về sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tình trạng đó có nhưng chỉ là số ít chứ không phải tất cả.
Chủ tịch Quốc hội đồng thời yêu cầu thời gian tới, cơ quan nào nói về việc này cần chỉ rõ nội dung của luật nào bị chồng chéo chứ không thể nói chung chung như trước.
"Nếu không có khuôn khổ pháp luật thì làm sao chúng ta phát triển hiệu quả như hiện nay," Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tinh thần thượng tôn pháp luật còn yếu, khi xảy ra việc lại đổ tại hệ thống pháp luật là không đúng. Mỗi bộ, ngành cần rà soát lại hệ thống luật pháp, tìm ra những nội dung chồng chéo để đề xuất sửa đổi.
Để duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều khó khăn, phức tạp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong năm tới, các bộ, ngành cần cụ thể hóa những giải pháp nhằm tìm ra phương hướng phát triển, trong đó xử lý tốt tình trạng thuế còn tồn đọng nhằm làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng những năm gần đây, tình hình thế giới tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam, nhưng nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước nên năm 2019, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt kết quả quan trọng, thu nhập bình quân tăng, tín nhiệm tài chính trên thế giới được nâng lên rõ rệt; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, quốc phòng, an ninh được đảm bảo...
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với những tồn tại, hạn chế mà Chính phủ đã nêu. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng có nhiều chuyển biến nhưng chưa thực sự mạnh mẽ; công tác xóa đói, giảm nghèo chưa được giải quyết căn cơ, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; tình hình an ninh trật tự vẫn diễn ra phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương.
Để giải quyết triệt để những tồn tại, hạn chế, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu các bộ, ngành cần khắc phục tình trạng chậm trễ trong khâu tổ chức thực hiện các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước; đề nghị có giải pháp chống thất thu, tránh làm mất vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; thực hiện tốt những chính sách cho đồng bào các dân tộc thiểu số; đảm bảo nguồn kinh phí dự phòng, đưa tình hình thu chi ngân sách đi vào nền nếp.../.