Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 14/10

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự, phát biểu khai mạc và cùng với các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 14/10 ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ngày 11/10, Văn phòng Quốc hội ra thông cáo cho biết từ ngày 14-17/10 sẽ diễn ra Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự, phát biểu khai mạc và cùng với các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Về công tác xây dựng pháp luật, theo dự kiến chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về ba dự án luật: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

[Triển khai kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37]

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các Nghị quyết sau: Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 còn lại đã chuyển nguồn sang giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 để thực hiện hạng mục bổ sung của một số dự án; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội; thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Đối với công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; Báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2019.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn cấp phát, viện trợ nguồn vốn nước ngoài (chi thường xuyên) năm 2019 và việc bổ sung: dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vốn sự nghiệp ngoài nước cho tỉnh Hà Tĩnh để thực hiện dự án viện trợ của Chính phủ Bỉ; kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia; xem xét việc rà soát, hoàn chỉnh phương án phân bổ 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (nếu đủ điều kiện); về chuyển mục đích sử dụng đất rừng tại dự án Hồ chứa nước Ka Pét; trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2021; mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương; điều chỉnh địa giới một số phường, xã; thành lập 2 phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương; việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thành lập 3 phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; xem xét công tác nhân sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục