Ngày 14/5, các quan chức Chính phủ Yemen cho biết phiến quân Houthi đã đồng ý quay trở lại đàm phán hòa bình nếu liên quân các nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu kết thúc chiến dịch không kích.
Theo một quan chức Bộ Thông tin Yemen, điều kiện trên được đưa ra trong cuộc gặp giữa đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed với đại diện lực lượng Houthi và đảng Đại hội Nhân dân toàn quốc (GPC) do cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh làm chủ tịch.
Bên cạnh đó, Houthi và GPC yêu cầu Liên hợp quốc can thiệp nhằm chấm dứt các cuộc không kích, đồng thời đề nghị tổ chức đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) thay vì ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
Tại cuộc gặp, các bên cũng đã thảo luận khả năng kéo dài lệnh ngừng bắn nhân đạo hiện nay, các biện pháp khôi phục đối thoại giữa các đảng phái ở Yemen và phương thức tiến hành các chiến dịch cứu trợ nhân đạo.
Lệnh ngừng bắn nhân đạo đã được thực thi tại Yemen từ đêm 12/5 (theo giờ địa phương, tức sáng 13/5 theo giờ Việt Nam), song xung đột vẫn tiếp diễn ở một số tỉnh miền Nam nước này.
Ngày 14/5, liên quân Arab ra tuyên bố chỉ rõ lực lượng Houthi "vi phạm thỏa thuận ngừng bắn trong ngày thứ hai liên tiếp" như vận chuyển máy móc, tiến hành các chiến dịch quân sự và phóng tên lửa vào các khu dân cư ở 6 tỉnh trong đó có Aden.
Tuyên bố cảnh báo rằng sự kiềm chế và tuân thủ thỏa thuận từ phía liên quân "sẽ không kéo dài" nếu phía Houthi tiếp tục các hành vi trên.
Trong diễn biến liên quan, ngày 14/5, văn phòng của Tổng thống Yemen lưu vong Abd-Rabbu Mansour Hadi cho biết sẽ triệu hồi đại biện lâm thời Abdullah al-Sirri tại Iran và cáo buộc Tehran “can thiệp vào công việc nội bộ của Yemen, hậu thuẫn lực lượng Houthi.”
Tuyên bố cũng dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Yemen Riyadh Yaseen nhấn mạnh khả năng chấm dứt quan hệ chính trị với Tehran.
Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren cho hay Iran đã hoãn triển khai tàu chiến hộ tống một tàu hàng mà theo Tehran là để chở hàng cứu trợ nhân đạo tới Yemen.
Washington chỉ trích kế hoạch điều tàu trực tiếp tới Yemen và hối thúc Tehran chuyển hướng tàu này sang Djibouti, nơi Liên hợp quốc đang điều phối hoạt động phân phối hàng cứu trợ.
Hôm 13/5, Yemen cũng tuyên bố nếu Iran không cho phép kiểm tra một tàu hàng đi tới bán đảo Arab, nước này sẽ “hoàn toàn chịu trách nhiệm trước bất kỳ sự cố nào có thể xảy đến khi tàu đi vào lãnh hải của Yemen”./.