Phó chủ tịch vùng giàu nhất Italy bị bắt vì cáo buộc tham nhũng

Nền chính trị Italy lại tiếp tục chấn động vì các bê bối liên quan đến tham nhũng sau khi một phó chủ tịch vùng ở nước này bị bắt bị nhiều tội danh, trong đó có hối lộ và biển thủ công quỹ.
Phó chủ tịch vùng giàu nhất Italy bị bắt vì cáo buộc tham nhũng ảnh 1Phó chủ tịch vùng Lombardy Mario Mantovani bị cảnh sát tài chính bắt tại Milan. (Nguồn: Fotogramma Bergamo)

Nền chính trị Italy lại tiếp tục chấn động vì các bê bối liên quan đến tham nhũng sau khi một phó chủ tịch vùng ở nước này bị bắt bị nhiều tội danh, trong đó có hối lộ và biển thủ công quỹ.

Các nguồn tin cảnh sát cho biết, ông Mario Mantovani, phó chủ tịch vùng Lombardy - vùng giàu nhất Italy, đã bị bắt cùng với hai người khác trong số các quan chức dưới quyền.

Các cuộc điều tra của Cảnh sát tài chính Italy trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2014, khi đang là người đứng đầu Sở y tế của vùng Lombardy, ông Mantovani và các cộng sự đã thực hiện nhiều vụ biển thủ tài chính trong các dự án y tế của vùng, đặc biệt là trong các dự án liên quan đến lọc máu cho bệnh nhân chạy thận, các công trình xây dựng trường học và nhà dưỡng lão.

12 người khác cũng bị điều tra về sự dính líu với Mantovani và các cộng sự, trong đó có người đứng đầu Sở kinh tế của vùng này, một thành viên quan trọng của đảng Liên đoàn Phương Bắc. Cảnh sát đã khám xét hàng loạt các cơ sở y tế trong nhiều tỉnh của vùng Lombardy, thu nhiều tài liệu khác nhau liên quan đến vụ án.

Ngoài ra, Mantovani cũng bị tố cáo đã có hàng loạt hành vi tham nhũng trong thời gian ông giữ các chức vụ khác của vùng này, trong đó có vai trò là phó sở giao thông Lombardy, thị trưởng Arconate, thành phố vệ tinh của Milan, và đảng viên đảng Forza Italia.

Công tố viên Polizzi - người đứng đầu cuộc điều tra này, khẳng định rằng Mantovani đã sử dụng các quan hệ cá nhân để sủng ái những người thân quen trong các dự án công cộng khác nhau để từ đó lợi dụng những người này, nhằm thắng một số gói thầu xây dựng cơ bản. Mantovani cũng được cho là đã sử dụng quyền lực để cho người thân quen giành các vị trí có lợi trong cơ quan công quyền và gạt những người không thân tín ra ngoài.

Đây là vụ bê bối mới nhất liên quan đến các quan chức ở những vùng trọng điểm của Italy. Ngày 13/10, Thị trưởng thủ đô Rome Ignazio Marino đã chính thức ký đơn từ chức sau khi bị điều tra về những khoản chi lên tới hơn 50.000 euro trong ba năm qua liên quan đến các bữa ăn tối của ông, được phe đối lập cho là "không đúng mục đích" và chỉ "nhằm phục vụ lợi ích cá nhân."

Trước đó, trong suốt gần một năm qua, thủ đô Rome đã rung chuyển bởi vụ scandal "mafia thủ đô," khi hơn 100 quan chức, doanh nhân bị bắt, bị điều tra, thuyên chuyển vị trí công tác và từ chức do những dính líu chặt chẽ của họ vào hệ thống mafia trong việc "chia sẻ" các gói thầu xây dựng cơ bản và kiểm soát các dịch vụ liên quan đến các trại tiếp nhận người di cư.

Sau khi Mantovani bị bắt, cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi, cũng là người đứng đầu đảng Forza Italia mà Mantovani là một thành viên quan trọng, đã lên tiếng khẳng định rằng ông "không biết gì về cuộc điều tra này".

Trong khi đó, đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền đã lên tiếng kêu gọi chính giới Italy cần tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với phe cầm quyền ở địa phương, sau khi các quan chức cao cấp của Forza Italia và đảng Liên đoàn Phương Bắc bị bắt.

Hiện đứng đầu chính quyền vùng này là Roberto Maroni, cựu Bộ trưởng Nội vụ và là một người thuộc đảng có xu hướng chống người nhập cư Liên đoàn Phương Bắc. Bản thân ông Maroni và một số quan chức cấp vùng dưới quyền cũng đang bị điều tra trong một vụ án khác.

Theo Viện công tố Milan, ông Maroni đã gây áp lực lên Ban tổ chức Triển lãm thế giới EXPO Milan 2015 để họ phải nhận hai cựu cộng sự vào làm việc, đồng thời yêu cầu cơ quan này phải chi trả khá nhiều tiền cho một chuyến đi tới Tokyo của hai cộng sự này, trong đó có một nữ nhân viên làm việc dưới quyền của ông tại Bộ Nội vụ trước đây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.