Từ năm 2014 đến nay, ngành ngân hàng đã tổ chức 1.500 buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trên toàn quốc, qua đó tháo gỡ khó khăn cho 195.000 doanh nghiệp với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.
Đó là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ tại hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội ngày 16/4.
Thiết kế riêng các gói tín dụng cho doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhận thức được vị trí và vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai hệ thống chính sách đồng bộ thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp về hành lang pháp lý, trợ giúp tiếp cận các nguồn lực để phát triển.
[Loại bỏ những rào cản để doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng tốt hơn]
Phó Thống đốc chia sẻ thêm, đến nay điều kiện cho vay tháo gỡ rất tích cực như nâng hạn mức cho vay tín chấp nông nghiệp nông thôn từ 100 triệu lên 200 triệu đồng hay như chính sách cho vay ngoại tệ đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu…
Đặc biệt là về chính sách lãi suất, Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động một cách hợp lý nhất để giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp truyền thống, hoạt động hiệu quả.… không có chuyện ngân hàng thương mại tăng lãi suất trong năm 2019.
Tại hội nghị, một số doanh nghiệp đánh giá cao nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng dành cho các doanh nghiệp trong thời gian qua, các ngân hàng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các doanh nghiệp.
Tại hội nghị, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội chia sẻ, hệ thống các tổ chức tín dụng đã chủ động kết nối cung cấp nguồn vốn cũng như các giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, ngành ngân hàng đã cắt giảm nhiều thủ tục cho vay vốn, lãi suất luôn giảm dần và có lộ trình để các doanh nghiệp tiết giảm được các chi phí, đặc biệt là chi phí đầu vào. Các tổ chức tín dụng cũng đã hỗ trợ, đào tạo cho các cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp để thực hiện các thủ tục vay vốn đạt hiệu quả cao so với các quy định của ngân hàng.
Tuy nhiên, một khó khăn mà các doanh nghiệp hay gặp là khi cấp tín dụng, ngân hàng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo là nhà đất, tài sản cố định có giá trị cao.
Vấn đề này đã được bà Lê Thị Mai, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và sản xuất Tuấn Minh chia sẻ: Khó khăn chung của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là không có nhiều tài sản đảm bảo để đi vay. Điều này khiến công ty dù ký nhiều hợp đồng nhưng không có tiền để thu mua nguyên liệu giao hàng kịp thời.
Ngoài ra, ngành nông sản của Việt Nam và ngành hàng gia vị nói riêng đều bị chi phối và điều tiết bởi các thương lái Trung Quốc. Các thương lái này đã tung tiền mua hàng tại các vùng nguyên liệu với giá cao, số lượng không giới hạn như trong tháng Ba vừa qua, hoa hồi đã bị thu mua cạn kiệt dẫn đến các đơn vị sản xuất trong nước không thể thu gom nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
Còn ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Dầu khí Sơn Hải chia sẻ: Công ty cần nguồn vốn tín dụng để đảm bảo dự trữ được nguồn hàng; cần nguồn tài chính để cấp tín dụng thương mại (bán hàng trả chậm) cho các khách hàng.
Ông Hạnh nhấn mạnh: Là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chúng tôi luôn có nhu cầu đầu tư tài sản cố định để phục vụ cho hoạt động thương mại như xây dựng cửa hàng xăng dầu, xây kho chứa... nếu chỉ dựa vào nguồn vốn tự có, thời gian đầu tư sẽ kéo dài, khi có thể tiếp cận nguồn vốn trung hạn thời gian đầu tư sẽ rút ngắn.
Tuy nhiên, thông thường khi cấp tín dụng, các ngân hàng đều yêu cầu phải có tài sản đảm bảo là nhà đất hoặc tài sản có giá trị cao. Trong khi đó, ngân hàng lại định giá tài sản ở mức độ thấp so với giá trị thị trường (từ 20-25%) và cho vay với tỷ lệ 70% khiến doanh nghiệp không có đủ tài sản tích lũy để thế chấp.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Đức Hạnh đề xuất, hiện gói tín dụng ngắn hạn dưới 1 tháng rất phù hợp, các ngân hàng nên thiết kế riêng các gói tín dụng cho các doanh nghiệp phân phối xăng dầu với lãi suất từ 5-6%/năm; áp dụng biện pháp bảo đảm dựa trên uy tín, tài sản hình thành từ vốn vay. Ngân hàng cần sàng lọc các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm lâu năm, đóp nộp ngân sách đầy đủ để cho vay tín chấp, như vậy mới đáp ứng được nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Để nguồn vốn tín dụng đi đúng hướng và đến được với các doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh: "Tôi nghĩ phải từ hai phía, đối với cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta phải chủ động để tìm kiếm và hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cung cấp đầy đủ hồ sơ và các phương án kinh doanh hiệu quả và khả thi cho các tổ chức tín dụng để họ đánh giá và xếp hạng các doanh nghiệp phù hợp. Nếu có đầy đủ giấy tờ hợp lệ thì những doanh nghiệp đó chắc chắn sẽ được vay vốn với lãi suất hấp dẫn. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần đưa ra nhiều gói giải pháp để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn nhanh nhất, hiệu quả nhất vì hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội còn rất nhiều doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh tốt."
Ngân hàng-doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh
Là một trong những ngân hàng tiếp cận nhiều doanh nghiệp nhất trên cả nước, ông Quách Hùng Hiệp, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, trong thời gian qua ngân hàng này đã triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp lên đến 200.000 tỷ đồng trong đó có khoảng 80.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, để tăng hiệu quả kết nối ngân hàng- doanh nghiệp, ông Hiệp đề nghị: Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu giải pháp tái cấp vốn, cấp bù lãi suất, có cơ chế xác định nhóm nợ và cơ chế trích lập dự phòng, xử lý rủi ro riêng… để khuyến khích các ngân hàng thương mại triển khai. Phía Ngân hàng Nhà nước cần rà soát tháo gỡ quy định về hồ sơ cho vay nhằm cắt giảm thủ tục cho khách hàng doanh nghiệp.
Đại diện BIDV cũng đề nghị Bộ Tư pháp xem xét cho phép thế chấp và hướng dẫn định giá đối với các loại tài sản đảm bảo đặc thù trong nông nghiệp, quy trình thực hiện đăng ký/thế chấp tài sản đảm bảo nhanh chóng; xây dựng hệ thống thông tin và cung cấp thông tin về thế chấp tài sản đảm bảo đặc thù như hàng tồn kho/khoản phải thu của khách hàng tại các tổ chức tín dụng khác để tránh cho vay trùng lặp; đồng thời hỗ trợ ngân hàng thương mại xử lý tài sản đảm bảo.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
"Nếu Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách để đảm bảo các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chỉ siết vốn đối với những lĩnh vực không phải là lĩnh vực ưu tiên, còn 5 lĩnh vực ưu tiên của các doanh nghiệp sẽ không bị thiếu vốn," Phó Thống đốc khẳng định.
Phó Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay trong khuôn khổ của chương trình nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng trong tiếp cận vốn vay và các dịch vụ ngân hàng. Thực hiện nghiêm các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất, không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản phí được phép theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng đối tượng khách hàng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, hạn chế tín dụng đen. Tiếp tục xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp khi gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, chưa thể trả được nợ đúng hạn theo quy định./.
Với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, dư nợ tín dụng nền kinh tế cuối năm 2018 tăng gần 14%, trong 3 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018; trong đó tín dụng cho doanh nghiệp đạt 4 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 1.307.000 tỷ đồng, tăng 15.57% , chiếm tỷ trọng 18% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến cuối tháng Ba, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đạt khoảng 3,1 triệu tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2018; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 1.919.546 tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2018. Trong đó: dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 144.608 tỷ đồng; dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 308.344 tỷ đồng; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 161.961 tỷ đồng; dư nợ cho vay theo Chương trình kết nối ngân hàng–doanh nghiệp đạt 523.260 tỷ đồng. |