Phát biểu tại Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 được Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều ngày 20/9, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh mỗi ngân hàng phải chủ động tìm đến khách hàng, theo tinh thần “đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện,” để làm sao các chính sách hỗ trợ được đưa vào cuộc sống, tới đúng đối tượng thụ hưởng và phải thực hiện đồng bộ từ hội sở chính cho đến các chi nhánh.
100.000 tỷ đồng dư nợ ngân hàng bị ảnh hưởng bởi bão
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, bão số 3 đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế, theo số liệu thống kê đến ngày 17/9, thiệt hại đối với nền kinh tế là trên 50.000 tỷ đồng, dự báo làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là 0,15%. Những ngày này bão lũ đã qua đi, nhưng vẫn còn rất nhiều hình ảnh địa phương gặp vất vả trong việc ổn định cuộc sống của người dân.
“Đối với ngành Ngân hàng, doanh nghiệp người dân là khách hàng của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão dẫn đến việc khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay… Con số thống kê cho thấy, dư nợ của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng trên 100.000 tỷ đồng với gần 85.000 khách hàng,” Thống đốc cho biết.
“Cần mạnh dạn cho vay để doanh nghiệp tái sản xuất, phục hồi sau bão số 3"
Nhằm tạo điều kiện khách hàng phục hồi sau cơn bão số 3, Phó Thống đốc mong muốn TCTD trở thành “chỗ dựa” cho doanh nghiệp, không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, thể hiện trách nhiệm chia sẻ.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai (bão, lũ) gồm 25 tỉnh, thành tại địa bàn. Thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện tại có 60/75 chi nhánh tại 25 tỉnh, thành phát sinh thiệt hại. Trong đó, gần 15.000 khách hàng vay của ngân hàng với ước tính dư nợ bị ảnh hưởng trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại dự kiến gần 11.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay theo Nghị định 55 (lĩnh vực chế biến, nuôi trồng thuỷ hải sản, trồng trọt, chăn nuôi...) với tổng số khoảng trên 10.700 khách hàng (tổng dư nợ ảnh hưởng trên 5.500 tỷ đồng, tổng dư nợ dự kiến phải cơ cấu nợ là trên 1.700 tỷ đồng).
Ông Vượng cho biết Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5%-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024.
Trong thời gian tới, Agribank sẽ khẩn trương ban hành các chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, mưa lũ đối với khách hàng trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do bão, lũ lụt như nuôi trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi... với lãi suất ưu đãi.
“Đồng thời, Agribank đang tiếp tục triển khai từ nay đến cuối năm 5 chương trình cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp với tổng quy mô 195.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay bình quân từ chỉ từ 3% đến dưới 7%/năm; triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi lãi suất với khách hàng cá nhân như chương trình cho vay OCOP quy mô 2.000 tỷ đồng, cho vay khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống quy mô 15.000 tỷ đồng, cho vay trung, dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh quy mô 20.000 tỷ đồng,” ông Vượng chia sẻ.
Bà Ngô Thu Hà - Tổng Giám đốc SHB cũng cho biết ngân hàng đã quyết định miễn giảm 50% lãi phải trả của của khách hàng hiện hữu bị thiệt hại từ ngày 1/9-31/12/2024. Thậm chí, căn cứ vào tình hình thiệt hại mà SHB có thể giảm tới 100%, nhất là những khách hàng là nông dân, hộ kinh doanh...
“Bên cạnh đó, chúng tôi có gói sản phẩm cho vay mới những khách hàng bị thiệt hại mong muốn phục hồi, phát triển sản xuất. Tính đến ngày 19/9, SHB đã có gói 2.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ngắn hạn là 4,5%/năm. Ngân hàng cũng tiếp tục rà soát, đánh giá khách hàng để đưa ra thêm các gói cụ thể hơn cho từng ngành, từng lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề mà cần thời gian hỗ trợ dài hơn để khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh,” bà Hà nhấn mạnh.
Bà Hà cho biết thêm, đồng hành miễn lãi và gói vay mới, SHB cũng triển khai chính sách cơ cấu nợ, kéo dãn thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị thiệt hại đồng thời xem xét hình thức cho vay không có tài sản đảm bảo, tín chấp.
Là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần tích cực ngay từ ban đầu khi bão số 3 gây nên, ông Trần Văn Luân - Phó Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thịnh vượng và Phát triển (PG Bank) cũng cho biết ngân hàng đã cơ cấu lại các khoản nợ, giảm lãi từ 1%-2% với những khách hàng bị thiệt hại, đồng thời ban hành gói tín dụng mới cho khách hàng vay phục hồi sản xuất, lãi suất khoảng 6% với quy mô 500 tỷ đồng.
“Chúng tôi luôn đồng hành để tiếp tục có các biện pháp tháo gỡ cùng khách hàng, cơ cấu hoặc hoãn giãn nợ cho khách hàng bị thiệt hại tùy thuộc điều kiện của các khách hàng. Chúng tôi cũng có các gói vay tài chính vi mô để giúp khách hàng xây sửa nhà, phục vụ sinh hoạt trong gia đình,” ông Luân chia sẻ.
Hỗ trợ phải công khai, minh bạch
Kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá cao và biểu dương các ngân hàng đã tích cực, nhiệt tình triển khai các gói/chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh mà không cần khách hàng đề nghị
Theo Phó Thống đốc, các chương trình hỗ trợ của ngân hàng đưa ra rất tích cực, với tinh thần thiệt hại nhiều thì hỗ trợ nhiều đồng thời chủ động đưa ra nhiều chính sách cho vay mới, chủ động giảm lãi suất cho khoản vay cũ và cho vay mới; nhiều ngân hàng quy mô nhỏ cũng tham gia rất tích cực… Điều đó cho thấy các ngân hàng rất quan tâm đến các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước, thể hiện trách nhiệm của các ngân hàng đối với khách hàng, với cộng đồng và xã hội.
Mỗi ngân hàng phải chủ động tìm đến khách hàng, theo tinh thần “Đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện,” để làm sao các chính sách hỗ trợ được đưa vào cuộc sống, tới đúng đối tượng thụ hưởng và phải thực hiện đồng bộ từ hội sở chính cho đến các chi nhánh. Phó Thống đốc cũng đề nghị các ngân hàng thực hiện chính sách công khai minh bạch, không để tình trạng trục lợi chính sách.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu và sớm trình Chính phủ cơ chế liên quan thuộc thẩm quyền chính phủ về trích lập, dự phòng rủi ro, mức trích lập, phương pháp trích lập… từ đó, làm cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho giãn hoãn nợ với đối tượng thiệt hại của cơn bão số 3.
Theo Phó Thống đốc, Thông tư 02 và Thông tư 06 hiện đang có hiệu lực áp dụng có đối tượng, nội dung và nội hàm khác, không thể sử dụng với khách hàng chịu ảnh hưởng từ bão Yagi. Do đó, Thông tư mới sẽ sẽ không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, mà còn tác động tích cực tới tình hình tài chính của ngân hàng, tránh để rủi ro nợ trở nên quá phức tạp.
Ngoài giải pháp trên, Phó Thống đốc khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, hỗ trợ kinh tế vĩ mô.
Ông Tú cũng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm bảo bù đắp cho những dòng vốn đang bị đóng băng do ảnh hưởng của bão Yagi, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, tăng trưởng kinh tế 6,8%-7% như chỉ đạo của Thủ tướng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm ban hành chỉ thị của Thống đốc trong một đến hai ngày tới về kế hoạch cho ngành ngân hàng khắc phục bão lũ để triển khai trên toàn ngành.
Đối với các tổ chức tín dụng Phó Thống đốc yêu cầu tăng cường công tác truyền thông để người dân, doanh nghiệp nắm được các cơ chế, chính sách ngân hàng triển khai. Trên cơ sở hướng dẫn, thực hiện ngay miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng. Linh hoạt trong hoạt động cho vay (cho vay tín chấp….) nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn và đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn./.