Tối 31/3, tại Quảng Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, mục tiêu phát triển của ngành thủy sản Việt Nam là phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển toàn diện, bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của nông, ngư dân; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Để đạt được các mục tiêu này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động ngành thủy sản và bà con ngư dân tiếp tục đoàn kết, nỗ lực để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, phát triển bền vững kinh tế biển nói chung, ngành thủy sản nói riêng, trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa bảo tồn và phát triển; đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn lợi thủy-hải sản.
Cùng với đó, phát triển thủy sản phải gắn với đổi mới và phát triển quan hệ sản xuất, chú trọng các hình thức liên kết, hợp tác giữa sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ; nâng cao vai trò tham gia quản lý của cộng đồng, vai trò của các hội, hiệp hội ngành nghề trong sản xuất thủy sản; đồng thời, tăng cường vai trò quản lý nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật; tăng cường hợp tác quốc tế trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
“Đặc biệt, ngành thủy sản cần nỗ lực hơn nữa để tuyên truyền, hướng dẫn bà con ngư dân tuân thủ pháp luật Việt Nam và các quy ước, quy tắc đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản mà Việt Nam tham gia, đảm bảo sản phẩm thủy sản Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn khai thác bền vững,” Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam an toàn, phát triển bền vững, chất lượng cao; Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững các thị trường truyền thống, đồng thời phát triển các thị trường mới; đặc biệt chú trọng thị trường tiêu thụ trong nước.
[Infographics] Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu thủy sản
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau 60 năm phát triển, ngành thủy sản đã có những bứt phá vượt bậc. Sản lượng thủy sản năm 2018 đạt hơn 7,4 triệu tấn, gấp 5,6 lần so với năm 1995.
Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường; kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 1999 lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 tỷ USD thì năm 2018 đã đạt trên 9 tỷ USD, đưa Việt Nam vào vị trí các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững.”
Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị toàn thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động ngành thủy sản và ngư dân tiếp tục đoàn kết, nhất trí, nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng ngành thủy sản, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.
Nhân dịp này Tổng cục Thủy sản cũng đón nhân Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước./.