Phó Thủ tướng: Hà Nội cần đổi mới tư duy trong thu hút và sử dụng FDI

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, qua thực tiễn của Hà Nội có thể thấy trong giai đoạn tới đây, ít nhất trong 10 năm tới, cần đổi mới trong tư duy về thu hút và sử dụng FDI.
Phó Thủ tướng: Hà Nội cần đổi mới tư duy trong thu hút và sử dụng FDI ảnh 1Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Sáng 29/1, Đoàn công tác Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dẫn đầu, đã làm việc với thành phố Hà Nội về tình hình thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Nội dung làm việc tập trung tìm hiểu thực trạng đầu tư nước ngoài, những thuận lợi khó khăn và đề xuất, kiến nghị của địa phương, để hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030."

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả thu hút FDI của thành phố Hà Nội trong 30 năm qua, đặc biệt là trong những năm gần đây, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, qua thực tiễn của Hà Nội có thể thấy trong giai đoạn tới đây, ít nhất trong 10 năm tới, cần đổi mới trong tư duy về thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng cường hợp tác đầu tư và phát triển, coi các nhà đầu tư nước ngoài là đối tác quan trọng.

Đổi mới trong tư duy chuyển từ thu hút sang đầu tư phát triển và phải chọn lọc các nhà đầu tư, lĩnh vực đầu tư, xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập quốc tế.

Giai đoạn 2019-2020, thành phố Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô, cũng như thế mạnh của các tỉnh thành phố trong vùng.

[Hơn 8,3 tỷ USD vốn FDI vào khu công nghiệp, khu kinh tế năm 2018]

Thành phố quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Thành phố tiếp tục đổi mới trong xúc tiến đầu tư, gắn với xúc tiến thương mại, du lịch, cũng như gắn với các hoạt động đối ngoại, văn hóa. Thành phố xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Báo cáo với đoàn công tác Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết tính đến 31/12/2018, thành phố Hà Nội có gần 4.500 dự án còn hiệu lực thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 36,6 tỷ USD; trong đó, giai đoạn 1989-2005 thu hút 10,95 tỷ USD, giai đoạn 2006-2014 thu hút 15,22 tỷ USD, giai đoạn 2015-2018 thu hút 15,11 tỷ USD.

Đặc biệt, năm 2018, Hà Nội thu hút FDI đạt khoảng 7,5 tỷ USD, tăng 2,18 lần so với năm 2017, đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý, về hình thức đầu tư, dự án 100% vốn nước ngoài chiếm phần lớn khoảng 80%, còn lại là liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Theo lĩnh vực, vốn đầu tư thu hút lớn nhất là vào bất động sản chiếm khoảng 29,53%, tiếp đến là công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 20,1%, thông tin truyền thông chiếm khoảng 11,48%. Nhật Bản hiện là quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư với khoảng 10,2 tỷ USD, tiếp đến là Singapore với khoảng 6 tỷ USD, đứng thứ 3 là Hàn Quốc với 5,48 tỷ USD. Quy mô vốn đầu tư đăng ký trung bình một dự án là 7,6 triệu USD.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết để đạt kết quả như vừa qua, thành phố đã trao đổi thẳng thắn với các nhà đầu tư nắm bắt kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của doanh nghiệp nước ngoài có ý định đầu tư, từ đó có kế hoạch phân công tiếp xúc, trực tiếp là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch thành phố gặp Chủ tịch các tập đoàn để làm việc.

Bên cạnh đó, Hà Nội nỗ lực cải thiện môi trường như thu gom xử lý rác thải, xử lý ô nhiễm không khí; cải cách thủ tục hành chính liên quan thủ tục đầu tư.

Hằng năm, thành phố tổ chức hội nghị xúc tiến hợp tác đầu tư phát triển, lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư, coi các nhà đầu tư là đối tác, được đối xử bình đẳng, quan tâm. Những yêu cầu của các nhà đầu tư liên quan thông tin đất đai đều được phân công đơn vị cụ thể giải quyết.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng nêu ý kiến về việc Hà Nội cần lập nhóm hoạch định để xác định các vùng kinh tế có thế mạnh, trong đó ưu tiên logistic; cần có quy định hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp, cho phép các hiệp hội doanh nghiệp có văn phòng tại Hà Nội...

Báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ một số vướng mắc, bất cập trong quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài thời gian qua tại thành phố Hà Nội như việc lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư còn phụ thuộc vào tính chủ động của từng địa phương mà thiếu tính định hướng từ bộ, ngành trung ương.

Quy định pháp luật ở một số lĩnh vực còn chồng chéo, thiếu tính nhất quán rõ ràng; thiếu cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ, ngành và địa phương; vẫn còn cơ chế xin cho ở các bộ ngành, đặc biệt đối với các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Trước thực trạng trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đóng góp một số ý kiến vào dự thảo Đề án "Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030."

Cụ thể, thu hút đầu tư nước ngoài phải phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch của từng địa phương trong mối liên kết vùng, bảo đảm hiệu quả tổng thể kinh tế, xã hội, môi trường, đặc biệt là hiệu quả sử dụng đất và các tài nguyên không tái tạo.

Ngoài ra, Đề án cần xem xét xây dựng chiến lược quy hoạch về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài quốc gia, coi đây là giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia, vùng.

Đối với địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế, việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài cần được xem xét chặt chẽ, vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.

Đối với Thủ đô Hà Nội và các địa phương thuộc vùng Thủ đô, tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, giá trị tăng cao, có tính lan tỏa, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; nghiên cứu và phát triển để hình thành trung tâm tài chính, công nghệ quốc gia và khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.