Chiều 29/9, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp tổ chức Lễ chào mừng 5 năm thành lập (29/9/2018-29/9/2023) và đón nhận Cờ Thi đua của Chính phủ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.
Dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ 5 năm là chặng đường không dài nhưng Ủy ban đã vượt qua được chặng đường quan trọng, hết sức khó khăn. Quá trình phát triển của Ủy ban, cũng như 19 tập đoàn, tổng công ty đang góp phần thực hiện sứ mệnh quan trọng là kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế.
Việc thành lập Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp làm cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là một chủ trương mới, đến nay đã được chứng minh là chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng, Nhà nước, được chuẩn bị và cân nhắc kỹ lưỡng.
Ủy ban vừa là cơ quan thuộc Chính phủ, vừa thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, hiện đang nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, chiếm trên 60% nguồn lực về vốn và tài sản của doanh nghiệp Nhà nước trong cả nước, thực hiện hiệu quả chủ trương mới là tách bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước và chức năng điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng, đây là vấn đề cần được đánh giá, tổng kết để đề ra các giải pháp hiệu quả, khả thi, phù hợp với thực tiễn, giúp Ủy ban và các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trong thời gian tới.
Nhấn mạnh Ủy ban có nhiệm vụ nặng nề trong việc tham gia giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối phát triển kinh tế do Đảng và Nhà nước đề ra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những kết quả bước đầu Ủy ban đã đạt được, như: kiện toàn mô hình tổ chức; vốn chủ sở hữu và tài sản được bảo toàn, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty được duy trì, phát triển, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Phó Thủ tướng đề nghị 19 tập đoàn, tổng công ty thông qua Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất để hoàn thiện mô hình quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng như tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành..., để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn nữa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
[Tái cơ cấu các dự án nghìn tỷ từ doanh nghiệp Nhà nước đang đúng hướng]
Khẳng định Chính phủ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng hiệu quả vốn và tài sản Nhà nước, Phó Thủ tướng cũng lưu ý Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty có giải pháp chuyển hóa toàn bộ nguồn vốn, nguồn lực hiện có để tập trung đầu tư cho những lĩnh vực mũi nhọn, dẫn dắt những xu thế mới như Kinh tế Tuần hoàn, Kinh tế Carbon thấp, Kinh tế Xanh...
Trong Chuyển đổi Số đã có những doanh nghiệp hàng đầu, nhưng trong Chuyển đổi Xanh vừa qua mới có một vài tập đoàn như EVN, PVN... được lựa chọn để chuẩn bị lộ trình đầu tư các trung tâm năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị, phụ trợ và tiến tới làm chủ công nghệ trong lĩnh vực này.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh, Ủy ban được giao làm đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 16 ngành kinh tế-kỹ thuật.
Đến năm 2022, so với thời điểm bắt đầu chuyển về Ủy ban năm 2018, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty tăng 9% và chiếm khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước trong cả nước, tổng tài sản hợp nhất tăng 6% và chiếm khoảng 65% tổng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước trong cả nước. Doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty tăng từ 19,4% lên 20% so với GDP của cả nước.
Sau 5 năm thành lập, Ủy ban đã thực hiện cơ bản đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty; tổ chức xây dựng bộ máy hoạt động theo đúng chủ trương của Đảng, Bộ Chính trị và quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP.
Ủy ban chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm gắn với chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực và Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội.
Ủy ban thực hiện đầy đủ và có kết quả nhiệm vụ là cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương; kịp thời kiện toàn và từng bước nâng cao năng lực đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các tập đoàn, tổng công ty.
19 tập đoàn, tổng công ty tăng trưởng tốt, có hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, qua đó cho thấy việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý Nhà nước là phù hợp.
Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh cho biết Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp xác định thời gian tới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty sẽ tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là về sản xuất, thị trường, đầu tư; tiếp tục giữ vị trí, vai trò nòng cốt của doanh nghiệp Nhà nước trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng, đẩy mạnh đầu tư, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ về giao thông, năng lượng, công nghiệp, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp-nông dân và nông thôn; nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước gắn với đổi mới hệ thống quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tại buổi lễ, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã tặng Bằng khen cho các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân tiêu biểu./.