"An toàn thực phẩm phải là tiêu chí hàng đầu trong các cuộc thi đua từ cơ sở, không thể có tình trạng gia đình văn hóa mà đi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn."
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Lễ phát động Chương trình tuyên truyền vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức ngày 26/5, tại Hà Nội.
Dự lễ phát động còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng.
Chương trình được tổ chức nhằm phát động trong hội viên nông dân, phụ nữ tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn bằng cách thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, chăn nuôi. Chương trình vận động các hội viên nông dân, phụ nữ giám sát, phát hiện, tố giác các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn.
Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đảm bảo an toàn thực phẩm là công việc đòi hỏi sự kiên trì và lâu dài, không chỉ nhằm mục đích nâng cao năng lực quản lý Nhà nước mà quan trọng là làm thay đổi nhận thức trong cộng đồng xã hội. Công tác truyền thông phải thực hiện làm sao để mỗi người dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc và đầy đủ về việc thực phẩm không an toàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, giống nòi. Nếu cá nhân, doanh nghiệp cố tình sản xuất thực phẩm bẩn là gián tiếp hoặc trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe người khác.
Phó Thủ tướng cho rằng, muốn đảm bảo an toàn thực phẩm thì trách nhiệm đạo đức là quan trọng nhất, mỗi cá nhân, đơn vị sản xuất, doanh nghiệp không thể nào vì lợi ích của mình mà bất chấp tất cả để sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, mang lại lợi ích cho mình nhưng làm hại người khác. Hiện nay chúng ta có nhiều phong trào thi đua, chấm điểm từ cơ sở như làng văn hóa, gia đình văn hóa, nông thôn mới hay thi đua thành tích của các hội, đoàn thể. Nhất định đảm bảo an toàn thực phẩm phải là tiêu chí thi đua hàng đầu, không thể có tình trạng gia đình văn hóa mà lại đi làm thực phẩm bẩn, trồng rau hai luống, nuôi lợn hai chuồng.
Chia sẻ với các hội viên nông dân và phụ nữ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gợi ý, ngoài trách nhiệm sản xuất, kinh doanh thực phẩm, mỗi hội viên cần tích cực giúp người tiêu dùng nhận diện, phân biệt thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn bằng cách truy xuất nguồn gốc rõ ràng; các thử nghiệm, chứng minh trong thực tế để người tiêu dùng lựa chọn và tin dùng thực phẩm sạch.
Dịp này, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam cũng phát động cuộc thi "Ý tưởng truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm" diễn ra từ 26/5 đến 26/7/2018. Cuộc thi nhằm tiếp nhận sản phẩm là các ý tưởng truyền thông thực hiện dưới dạng video clip, tranh ảnh, kịch bản có thể dàn dựng thành tác phẩm sân khấu, truyền thông về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết, tiêu dùng thực phẩm an toàn. Từ đó, giúp cho người dân phân biệt thực phẩm bẩn không an toàn bằng mã truy xuất, các thử nghiệm dựa trên bằng chứng thật; hướng dẫn người dân sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh chế biến thực phẩm sạch.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết, qua cuộc thi, Ban tổ chức mong muốn tìm kiếm, khuyến khích, tôn vinh và tuyển chọn được những sáng kiến, những ý tưởng truyền thông tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu và tình hình thực tế; thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội, cộng đồng nhằm biến ý tưởng thành các sản phẩm cụ thể, tạo sức lan tỏa, từ đó nâng cao nhận thức và huy động sự chung tay của xã hội trong thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi.../.