Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải coi việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2022, trong đó có nhiều dự án giao thông trọng điểm và cần phải hoàn thành theo đúng tiến độ đã đề ra.
Ngành giao thông làm việc không kể đêm hôm
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 vào sáng 25/12, Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Bộ Giao thông Vận tải đạt được trong năm vừa qua. Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, cũng là năm đầu tiên triển khai kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025).
Theo Phó Thủ tướng, với sự vào cuộc tích cực của toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, khó khăn từng bước được khắc phục, cả nước chuyển từ trạng thái thực hiện phong tỏa sang thích ứng, linh hoạt, an toàn, trong đó có sự đóng góp to lớn của ngành giao thông. Dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên ngành giao thông làm việc không kể đêm hôm và đạt nhiều kết quả nổi bật năm 2021 ở nhiều lĩnh vực.
Đánh giá quy hoạch của ngành giao thông vận tải là vấn đề quan trọng, trong phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng cho biết năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải là một trong những bộ, ngành hoàn thành xuất sắc công tác xây dựng quy hoạch. Ngành giao thông không kể đêm hôm, thực hiện một quy trình bài bản hoàn thành xuất sắc 5 quy hoạch chuyên ngành, đồng thời cùng lúc, tạo tiền đề thu hút được đầu tư, góp phần thực hiện hiệu quả các chiến lược dài hơi. Đây là cơ sở quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đột phá hạ tầng giao thông giai đoạn 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 mà Nghị quyết Đại hội Trung ương Đảng đã đề ra.
Trong thời gian dịch COVID-19 phức tạp, Bộ Giao thông Vận tải kịp thời tham mưu Chính phủ thiết lập luồng xanh vận tải đảm bảo sự thông suốt hàng hóa. Bộ đã có những đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, tháo gỡ khó khăn tại các “điểm nóng”, giúp doanh nghiệp duy trì được chuỗi cung ứng hàng hóa.
[Bộ GTVT khơi thông 'dòng chảy' hàng hóa, tăng tốc dự án, giải ngân]
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai hiệu quả hai việc lớn mà Trung ương, Chính phủ quan tâm, gồm: xây dựng đề án phát triển đường cao tốc đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 làm cơ sở cho công tác chuẩn bị nguồn lực có thể thực hiện sớm.
Đánh giá công tác chỉ huy thi công các công trình giao thông trong năm 2021 cũng được tập trung cao độ và đạt kết quả tốt đơn cử, tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Phó Thủ tướng biểu dương lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã kiểm tra, đôn đốc quyết liệt để đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 99,97% và tích cực tham mưu Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết chỉ trong 3 tháng để giải quyết tình trạng thiếu vật liệu thi công (thiếu 65 triệu m3).
“Tiến độ thi công cơ bản bám sát kế hoạch, đảm bảo hiệu quả giải ngân vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng - một nhiệm vụ không hề dễ dàng để trở thành một trong những Bộ, ngành đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đầu tư hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng
Chỉ đạo định hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng kết thúc năm 2021, trải qua gần 20 năm, nước ta có khoảng 1.200km đường cao tốc đã được hoàn thành; còn 1.800km đường cao tốc hoàn thành để đạt được mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có 3.000km đường cao tốc là thách thức lớn. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận diện và triển khai sớm các phương án đầu tư để chủ động chuẩn bị nguồn lực, đảm bảo tính khả thi.
“Bộ Giao thông Vận tải phải coi việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2022. Dự án đã được đưa vào Nghị quyết, tiền cũng đã bố trí đủ thì phải quyết tâm có sản phẩm,” Phó Thủ tướng chỉ đạo.
[Bộ GTVT đề xuất làm 729km cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025]
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải phải xây dựng được “đường găng” bảo đảm cuối năm 2022, tất cả 12 dự án thành phần còn lại (dài 729km) của giai đoạn 2 dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông phải được khởi công để có thể khánh thành, đưa vào khai thác năm 2024-2025.
“Nếu không có thay đổi lớn, quyết tâm lớn sẽ không hoàn thành được dù có tiền, nên Bộ Giao thông Vận tải cần có giải pháp cụ thể. Vướng gì trình Chính phủ, Quốc hội để thông suốt toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam theo đúng Nghị quyết đã đề ra,” Phó Thủ tướng cho hay.
Bên cạnh hạ tầng đường bộ, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chú trọng các dự án đầu tư trọng điểm lĩnh vực hàng không như sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Nội Bài; khởi công theo quy hoạch các cảng hàng không đã được phê duyệt gồm Điện Biên, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết, Côn Đảo,…
Đối với đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải cần tập trung vào 3 việc chính đó là nghiên cứu đề xuất bổ sung các tuyến mới (Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Cà Mau), tuyến sang biên giới Campuchia, Lào; bảo dưỡng hạ tầng hiện hữu, đảm bảo an toàn và phối hợp cùng các Bộ, ngành sớm trình đề án đường sắt Bắc-Nam tốc độ cao. Lĩnh vực hàng hải, cần xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư cùng nhà nước làm tiếp cảng Trần Đề, tiếp tục đầu tư khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng) và cảng Lạch Huyện hiện hữu.
“Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cần đảm bảo đầu tư hạ tầng giao thông không rơi vào trình trạng dàn trải, manh mún, kém chất lượng vì nếu vậy sẽ lãng phí, thậm chí tiêu cực. Do đó, Bộ, Ban Quản lý dự án phải có chỉ đạo tuyệt đối không dính lứu thầu bè tiêu cực, Cần chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc để chọn nhà thầu tốt có đầy đủ trang thiết bị có kinh nghiệm và tiềm lực, thực hiện nhiệm vụ vẻ vang xây dựng hạ tầng bởi hạ tầng đi đến đâu diện mạo đất nước đổi thay,” Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục tăng cường kiểm soát phương tiện quá khổ, quá tải, siết chặt công tác đào tạo sát hạch lái xe để tiếp tục đảm bảo an toàn, kéo giảm tai nạn giao thông với tỷ lệ 5-10%/năm.
Trước bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải thường xuyên nắm bắt tình hình, chủ động kế hoạch, kịch bản thích ứng phù hợp, bảo đảm lưu thông hàng hóa./.