Cuối tháng 12/2022, nhập viện trong tình trạng bị đa chấn thương, các vết thương nham nhở ở vùng hàm mặt, vai, ngực, cẳng chân và mắt, em N.M.T (12 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) đã may mắn được các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu kịp thời.
T được các bác sỹ bệnh viện tầm soát các thương tổn, phẫu thuật cắt lọc vết thương, lấy dị vật, khâu vết thương và điều trị bỏng mắt, cứu em qua cơn nguy kịch.
Theo thông tin từ gia đình, em cùng nhóm bạn gần nhà tự ý đặt mua nguyên liệu trên mạng rồi cùng chế tạo pháo. Pháo nổ khiến hai em trong nhóm tử vong, hai em bị thương.
Cũng thời điểm này, một vụ việc thương tâm đã xảy ra tại Đồng Tháp khi bé Thái Lý Hạo Nam (sinh năm 2012) bị lọt xuống trụ bêtông rỗng bên trong, đường kính khoảng 25cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m tại công trường xây dựng cầu Rọc Sen. Dù được các lực lượng chức năng nỗ lực ứng cứu nhưng cháu bé đã tử vong.
Theo lực lượng chức năng, lúc 11h30 ngày 31/12/2022, Nam cùng một nhóm bạn lẻn vào công trường xây dựng cầu Rọc Sen (thuộc xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) và được bảo vệ phát hiện, yêu cầu ra khỏi công trường. Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ 50 phút, công trường đang nghỉ trưa thì nhóm trẻ nói trên lại lẻn vào công trường và tai nạn đã xảy ra.
Nguy hiểm luôn rình rập
Tai nạn là sự việc xảy ra bất ngờ ngoài ý muốn, do tác nhân bên ngoài, gây nên thương tích cho cơ thể. Thương tích là tổn thương thực thể do phải chịu tác động đột ngột ngoài khả năng chịu đựng của cơ thể hoặc rối loạn chức năng do thiếu yếu tố cần thiết cho sự sống như không khí, nước, nhiệt độ phù hợp.
Tai nạn thương tích là một tai nạn luôn xảy ra bất ngờ, không có nguyên nhân rõ ràng, khó lường trước được và gây ra những tổn thương trên cơ thể người.
[Kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em]
Tai nạn thương tích có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi và nhất là ở lứa tuổi trẻ em. Vì ở lứa tuổi này các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng về phòng, tránh nên rất dễ bị tai nạn.
Bên cạnh đó là việc thiếu sân chơi an toàn cho trẻ, không có rào chắn, không có biển cảnh báo khu vực nguy hiểm… cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích, trong đó 90% là thương tích không chủ ý. 95% tử vong do thương tích trẻ em xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Ngoài những ca tử vong, hàng chục triệu trẻ em đòi hỏi phải được chăm sóc tại các cơ sở y tế và nhiều trẻ bị tàn tật suốt đời.
Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất (43%), tiếp đến nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%.
Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân.
Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích hay tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày.
Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới.
Tai nạn thương tích ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân như bỏng, đuối nước, điện giật, té ngã, bị vật sắc nhọn đâm, cắt, tai nạn máy móc, động vật cắn, ngộ độc, dị vật đường thở, tai nạn giao thông, đánh nhau…
Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với 3.500 trẻ em và vị thành niên từ 0-19 tuổi tử vong mỗi năm, tương đương có khoảng 10 trẻ em tử vong mỗi ngày.
Trong các nhóm tuổi, trẻ từ 0-4 tuổi chiếm tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất với khoảng 36%, nhóm tuổi 15-19 chỉ chiếm khoảng 16%; từ 5-9 tuổi chiếm 25%, nhóm 10-14 tuổi chiếm tỷ lệ gần tương đương với nhóm 5-9 tuổi (26%).
Điển hình như một vụ việc đau lòng do tai nạn đuối nước xảy ra ngày 25/2/2023 tại thôn Nam Định, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã làm 4 cháu nhỏ gồm H. T. Y. N; L. T. N. H (cùng 6 tuổi) và H. Y. M; L. G. K (cùng 4 tuổi). tử vong.
Theo thông tin từ địa phương, khi bố mẹ đi làm rẫy, các cháu rủ nhau ra hồ tắm và bị đuối nước. Hồ nước nơi xảy ra tai nạn được sử dụng để chứa nước tưới càphê, cây công nghiệp nhiều năm nay.
Vụ đuối nước tiếp tục là một hồi chuông cảnh báo về tai nạn, thương tích đối với trẻ em, nhất là ở khu vực nông thôn.
Chung tay xây dựng môi trường an toàn cho trẻ
Theo nhiều chuyên gia, tai nạn thương tích xảy ra có thể để lại nỗi đau dai dẳng ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ, do đó, để đảm bảo an toàn tính mạng, bảo vệ trẻ em khỏi những ảnh hưởng do tai nạn thương tích gây ra, mỗi gia đình cần quan tâm, giám sát, nhắc nhở con em mình về những nguy cơ có thể gây nguy hiểm, từ đó phòng tránh các vụ việc tai nạn thương tích.
"Dù Nhà nước đầu tư các nguồn lực, đưa ra các giải pháp tốt đến đâu nhưng nếu cha mẹ, gia đình mà không cập nhật các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, cũng như thường xuyên giám sát và bảo vệ trẻ em khỏi những tai nạn thương tích trong gia đình, cộng đồng thì nguy cơ với trẻ em vẫn xảy ra” - ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) khuyến cáo.
Cùng với đó là sự chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống tai nạn thương tích, tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực như mở các lớp dạy bơi, hướng dẫn luật an toàn giao thông cho trẻ em, học sinh…, góp phần đem đến môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ.
Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra mục tiêu vào năm 2030 giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 500/100.000 trẻ em; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống còn 5/100.000 trẻ em.
Hằng năm giảm 5-10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ. 15.000 trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn vào năm 2030.
Chương trình cũng phấn đấu có 95% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ, 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2030.
Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đề ra một số giải pháp như tăng cường công tác truyền thông giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp, các ngành và toàn xã hội; hướng dẫn, tư vấn, giáo dục cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Đồng thời, thí điểm và nhân rộng các mô hình về tư vấn, giáo dục kiến thức, thực hành kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em; nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho đội ngũ làm công tác trẻ em của các cấp, các ngành, đoàn thể; rà soát, sửa đổi, bổ sung và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; nghiên cứu hoàn thiện tiêu chuẩn, tiêu chí về an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; xây dựng môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Chương trình thực hiện các can thiệp phòng ngừa, giảm thiểu tỷ lệ mắc và tử vong do tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em, phòng ngừa tai nạn giao thông trẻ em, phòng ngừa ngã, cháy, bỏng, động vật cắn, phòng ngừa trẻ em tự tử; kiện toàn hệ thống sơ cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng, cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn tính mạng, giảm số ca tử vong, khuyết tật và tổn thất về sức khỏe cho trẻ em do tai nạn, thương tích./.