Phòng thí nghiệm quốc gia đứng trước bài toán quy hoạch mới

Các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia đang đứng trước bài toán quy hoạch lại để nâng cao chất lượng nghiên cứu, tăng hiệu quả hoạt động, tạo ra các thành tựu khoa học ứng dụng vào đời sống.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Bích Ngọc/TTXVN)

Đề án Tái cơ cấu ngành Khoa học và Công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ, một trong những nội dung tái cơ cấu là quy hoạch, nâng cấp hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.

Theo đề án này, cần quy hoạch, đầu tư nâng cấp hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành phù hợp với định hướng phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và đáp ứng yêu cầu hoạt động khoa học và công nghệ của các ngành, các vùng, các lĩnh vực khoa học và hướng công nghệ ưu tiên.

Vì sao còn lãng phí?

Thực tế, hệ thống Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia được thành lập theo quy định tại Quyết định số 850/QĐ-TTg ngày 7/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ. Đến thời điểm hiện tại, cả nước có 16 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia đang hoạt động. Song, có những phòng thí nghiệm hoạt động thiếu hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Đầu tiên, phải kể đến việc quá trình đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia bị kéo dài, mặc dù một phòng khoảng từ 3-5 triệu USD. Bên cạnh đó, quá trình này không có sự tham gia của Bộ Khoa học và Công nghệ nên nhiều trang thiết bị bị lạc hậu, các cơ quan chủ trì cho rằng phòng thí nghiệm là của đơn vị mình và không hoạt động theo phương châm phòng thí nghiệm mở.

Điều này khiến người cần nghiên cứu không vào được, không đáp ứng nhu cầu của các nhà khoa học.

Vì lý do này, các đơn vị không có phòng thí nghiệm trọng điểm muốn nghiên cứu lại phải đi mua sắm, làm lại phòng thí nghiệm của viện mình, dẫn đến tình trạng lãng phí.

Phòng nuôi cấy mô tại Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

“Các em bỏ đi nhiều vì đời sống khó khăn”

Bên cạnh đó, các bộ, ngành chủ trì phòng thí nghiệm trọng điểm chưa thực sự quan tâm, ngồi chờ dự án… Ở một số phòng thí nghiệm trọng điểm, người quản lý không có kinh nghiệm nên thất lạc thiết bị, không xây dựng biểu phí dịch vụ cho người ngoài vào nghiên cứu, không tạo ra nguồn thu… Điều này dẫn đến hiệu quả sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm thấp vì không phải lúc nào thiết bị cũng được sử dụng.

Ở góc độ khác, việc phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia không đạt như kỳ vọng cũng bởi thiếu nguồn kinh phí hoạt động.

Giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho hay, phòng thí nghiệm trọng điểm của đơn vị này đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Có thể kể ra đây nhiều giống lúa chất lượng cao, cam không hạt, mía năng suất cao…

Về việc quy hoạch lại, ông Hàm đồng tình và cho biết, thông thường sau 10 năm, (kể cả đối với các viện nghiên cứu), cần phải có các đánh giá xem hoạt động thế nào, nếu các viện, các phòng hoạt động không có hiệu quả thì phải tìm cách khắc phục và xấu nhất là phải rút gọn.

Nói về vướng mắc, ông Hàm nói thẳng rằng, đơn vị mình đã chú tâm đào tạo con người, song “các em bỏ đi nhiều vì đời sống khó khăn.”

Để giải quyết, Viện đã khuyến khích tìm kiếm các đề tài để thêm kinh phí hoạt động bên cạnh nguồn kinh phí được cấp. Điều này bên cạnh việc tăng cường sự năng động của cán bộ khoa học thì lại đem lại mặt trái là các đề tài, dự án, hướng nghiên cứu thay đổi liên tục, không có điều kiện theo đuổi đề tài dài hơi.

Theo ông Hàm, mỗi phòng thí nghiệm trọng điểm, viện nghiên cứu khi xây dựng sẽ phải làm chiến lược. Và ít nhất, cần được hỗ trợ 50% kinh phí theo đuổi chiến lược ban đầu chứ không phải gặp đâu làm đó để bảo đảm công ăn việc làm cho cán bộ. Bởi như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới kế hoạch của nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. (Ảnh: Vietnam+)

Mấu chốt là quản lý

Bộ trưởng Nguyễn Quân thì cho rằng, sau 15 năm đầu tư, hiện hầu hết các phòng thí nghiệm trọng điểm đều lạc hậu, máy móc hết hạn sử dụng có thể thanh lý. Bên cạnh đó, với những hạn chế nói trên, Bộ này “không dám đề xuất đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm mới nếu không thay đổi phương thức quản lý.”

Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các bộ ngành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm xuất phát từ nhu cầu thực tế, áp dụng cơ chế quản lý mở, tự chủ có hiệu quả hơn. Các phòng thí nghiệm trọng điểm phải xây dựng nhiệm vụ phù hợp với chức năng, được cơ quan chủ quản phê duyệt, ký hợp đồng làm đề tài và cuối năm phải có nghiệm thu mới được quyết toán.

Một lãnh đạo của Vụ Kế hoạch tổng hợp, Bộ Khoa học và Công nghệ thì cho biết xây dựng một bộ tiêu chí để đánh giá phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng nào đạt tiêu chí thì sẽ đưa vào danh mục và nhận được ưu tiên của nhà nước trong việc giao thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ quan trọng của quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục