Hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường đại học gắn kết chặt chẽ với quá trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ...
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học, thời gian qua, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học ở Việt Nam chưa cao. Hầu hết các nghiên cứu về bản chất đều là nghiên cứu ứng dụng do không đủ nguồn lực để hỗ trợ nghiên cứu cơ bản.
Đi tìm nguyên nhân
Hiện nay, tại các trường đại học, viện nghiên cứu, lực lượng nghiên cứu trẻ chiếm đa số (dưới 40 tuổi chiếm khoảng 35-40%). Lực lượng này chủ yếu có trình độ đại học (chiếm 45-50%), trình độ tiến sỹ chỉ chiếm khoảng 10-15% và thời gian dành cho nghiên cứu khoa học rất ít.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Tất Cảnh (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội), ở các nước tiến tiến, đội ngũ giáo viên đều trải qua thời gian làm nghiên cứu rồi mới tham gia giảng dạy, còn ở Việt Nam, nhiều trường hợp tham gia giảng dạy mà không qua công tác nghiên cứu. Chính điều này đã có ảnh hưởng không tích cực đến chất lượng đào tạo đại học.
Một trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các trường đại học ở Việt Nam thiếu tính tự quản, ít năng động dẫn đến hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học kém hiệu quả.
Có thể khẳng định, các trường đại học hiện nay không chỉ là trung tâm đào tạo mà đã thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, sản xuất, sử dụng, phân phối, xuất khẩu tri thức và chuyển giao công nghệ mới, hiện đại. Muốn đào tạo một đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ tốt, các trường đại học cần chú trọng và ưu tiên cho công tác nghiên cứu. Tuy vậy, thời gian dành cho nghiên cứu khoa học và dịch vụ tại các trường đại học ở Việt Nam còn rất ít, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy chế phân bổ thời gian nghiên cứu khoa học cho các giảng viên.
Trong khi đó, ở các trường đại học nghiên cứu của Mỹ, đội ngũ cán bộ, giảng dạy dành khoảng một nửa thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học và cứ sau 5 năm mỗi cán bộ có 1 đến 2 học kỳ để bồi dưỡng nghiên cứu khoa học. Qua nghiên cứu, đội ngũ cán bộ giảng dạy luôn có cơ hội cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ và thăng tiến trong sự nghiệp…
Ở Việt Nam hiện nay, có một nghịch lý rất đáng quan tâm là trong khi nhiều đề án nghiên cứu thiếu kinh phí thực hiện thì ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học lại phân phối không hết.
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Tất Cảnh nhận định cách thức quản lý khoa học như hiện nay chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Có thể nhìn cách phân phối kinh phí hiện nay như một cuộc đấu thầu xây dựng và các đề tài nghiên cứu đôi khi không phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, cũng như không theo kịp trào lưu và định hướng của khoa học quốc tế.
“Cần đảm bảo đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong xét duyệt đề tài nghiên cứu và xem xét lại quy trình nghiệm thu đề tài với mục tiêu lấy chất lượng kết quả nghiên cứu làm trọng,", ông Cảnh đề xuất.
Ngoài ra, hiện nhiều tiến sỹ không làm nghiên cứu mà chỉ làm các chức vụ hành chính, quản lý. Hệ quả là tuy trên giấy tờ cả nước có đến 14.000 tiến sỹ và 6.000 giáo sư nhưng năng suất khoa học quá thấp để có thể so sánh với các nước trong khu vực.
Lời giải từ một Nghị quyết
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo...
Việc ban hành Nghị quyết đã góp phần giải quyết cơ bản bài toán nhân lực, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học, góp phần đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; đa dạng hóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề.
Nghị quyết khẳng định sẽ ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư và có cơ chế đặc biệt để phát triển một số trường đại học sớm đạt trình độ khu vực và quốc tế, đủ năng lực hợp tác và cạnh tranh với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu thế giới.
Nghị quyết nhấn mạnh cần tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa các cơ sở đào tạo với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh ưu tiên đầu tư phát triển khoa học cơ bản, khoa học mũi nhọn, phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành, trung tâm công nghệ cao, cơ sở sản xuất thử nghiệm hiện đại trong một số cơ sở giáo dục đại học; cần có chính sách khuyến khích học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học.
Song song với khuyến khích thành lập viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hỗ trợ đăng ký và khai thác sáng chế, phát minh trong các cơ sở đào tạo, cần hoàn thiện cơ chế đặt hàng và giao kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cho các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu sáp nhập một số tổ chức nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ với các trường đại học công lập.../.