Một phong trào thu thập chữ ký của các tổ chức bảo vệ môi trường Pháp kêu gọi có hành động pháp lý đối với chính phủ nước này do thiếu những hành động quyết liệt trước tình trạng biến đổi khí hậu đã nhận được sự ủng hộ chưa từng có từ người dân.
Tính đến sáng 28/12, phong trào do 4 tổ chức phi chính phủ (NGO) Pháp khởi xướng đã thu thập được gần 2 triệu chữ ký chỉ 10 ngày sau khi bắt đầu và trở thành phong trào kêu gọi chữ ký trực tuyến thành công nhất trong lịch sử nước này.
Dự án này thậm chí vượt cả phong trào thu thập chữ ký do một người biểu tình "Áo Vàng" mở ra hồi tháng 5 để kêu gọi giảm giá xăng và dầu diesel khi phong trào này chỉ thu về 1,17 triệu chữ ký ủng hộ.
Trước đó, phong trào thu thập chữ ký trực tuyến thành công nhất là 1,37 triệu chữ ký để phản đối việc chính phủ thay đổi luật lao động vào năm 2016.
[Thực tế khó khăn mới đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron]
Greenpeace France, một trong các NGO khởi xướng sáng kiến này, cho biết đây không đơn thuần là một hoạt động thu thập chữ ký mà quan trọng hơn là lời kêu gọi hành động pháp lý trước việc chính phủ đang thụt lùi trong việc thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Trong những tháng gần đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải chịu áp lực gia tăng từ các nhóm bảo vệ môi trường kêu gọi chính phủ có thêm nhiều biện pháp quyết liệt để đối phó với các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu.
Hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Môi trường Pháp Nicolas Hulot đã từ chức do thất vọng trước việc nước này chưa đạt được nhiều tiến triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cũng như các mục tiêu môi trường khác.
Tuy nhiên, ông chủ Điện Elysee đang ở trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan." Quyết định tăng thuế nhiên liệu có hiệu lực từ tháng 10 vừa qua cùng lúc giá dầu thế giới tăng đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong người dân.
Dù chính phủ cho rằng tăng thuế nhiên liệu nhằm khuyến khích các lái xe sử dụng phương tiện ít tiêu thụ nhiên liệu hơn, từ đó giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng hàng nghìn người, đặc biệt là tầng lớp nông dân, vẫn đổ xuống các đường phố chính ở các thành phố trên cả nước để phản đối chi phí tăng cao.
Các cuộc biểu tình đã lan rộng thành làn sóng "Áo vàng" phản đối lịch trình kinh tế của chính phủ. Đỉnh điểm vào ngày 17/11, gần 290.000 người đã đổ xuống đường trên toàn nước Pháp, gây gián đoạn cho nhiều hoạt động.
Sau 3 tuần xảy ra biểu tình, Tổng thống Macron đã đưa ra một loạt biện pháp, bao gồm hủy kế hoạch tăng thuế nhiên liệu, tăng lương tối thiểu, không đánh thuế tiền làm thêm giờ và các khoản tiền thưởng cuối năm cho người lao động...
Số lượng người biểu tình sau đó đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho rằng mặc dù làn sóng biểu tình "Áo vàng" có xu hướng hạ nhiệt song vẫn còn một số thành phần bất mãn với thể chế tiếp tục xuống đường biểu tình./.