Phóng viên báo chí không thể thiếu sự tìm tòi, dấn thân, phản ánh những vấn đề dư luận quan tâm với mục đích là làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đó là chia sẻ của các nhà báo tham dự Tọa đàm “Hội ngộ Giải A Giải Báo chí Quốc gia” diễn ra ngày 19/3 trong khuôn khổ Hội Báo Toàn quốc 2023.
Lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội Báo Toàn quốc, các tác giả giành giải cao nhất của Giải Báo chí Quốc gia tụ hội để chia sẻ về những câu chuyện phía sau tác phẩm của mình, về chuyện nghề, về ngọn lửa đam mê làm báo.
Để ngòi bút không bị bẻ cong
Tại tọa đàm, nhà báo Chu Trung Đức, đại diện cho nhóm tác giả của Kênh VOV Giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam) đoạt Giải A Báo chí Quốc gia năm 2021, với loạt bài điều tra: “Vỉa hè đang thực sự nuôi ai?” cho hay anh và các đồng nghiệp đã gặp phải nhiều khó khăn khi tác nghiệp bởi đề tài này động chạm đến lợi ích của rất nhiều nhóm đối tượng trong xã hội.
“Khi triển khai loạt bài, chúng tôi ý thức được rằng mình đang chạm đến lợi ích của những người trục lợi từ vỉa hè: Người kinh doanh, nhóm bảo kê, người ký giấy phép cho thuê… Do đó, nhóm phóng viên liên tục gặp sự cản trở, đe dọa của các đối tượng,” nhà báo Chu Trung Đức chia sẻ.
Tuy nhiên, được sự tập huấn rất kỹ của lãnh đạo cơ quan và bằng các biện pháp nghiệp vụ khéo léo, tác phẩm đã được hoàn thành. Nhà báo Chu Trung Đức tâm niệm rằng với nhà báo, điều nguy hiểm nhất không phải là vũ lực, lời đe dọa mà phải làm sao để ngòi bút không bị bẻ cong.
Trường hợp tương tự, nhà báo Nguyễn Thị Tuyết, đại diện nhóm tác giả của Đài Phát thanh-Truyền hình Thanh Hóa với tác phẩm: “Làm đẹp những con số” đoạt Giải A Báo chí Quốc gia năm 2019, cho biết khó khăn, áp lực lớn nhất mà nhóm phóng viên đối diện không phải là khi tác nghiệp mà là sau khi loạt bài được đăng tải.
Nội dung của tác phẩm đặt ra câu hỏi: 2.500 doanh nghiệp được thành lập mới chỉ trong 10 tháng, họ là ai? Và câu trả lời chính là một phóng sự phản biện sâu sắc cho chứng bệnh thành tích.
[Điểm mặt 'dấu ấn' mang tên VietnamPlus tại Giải Báo chí Quốc gia]
“Là một tờ báo địa phương, chúng tôi đã phải chịu những áp lực rất lớn khi thực hiện một phóng sự không chịu ‘xuôi’ theo báo cáo của tỉnh nhà. Loạt bài nhận được sự quan tâm lớn của dư luận và lãnh đạo tỉnh đã cầu thị, lắng nghe và tìm hiểu tình hình được phản ánh trong tác phẩm,” nhà báo Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ.
Đó chỉ là 2 trong số nhiều câu chuyện các nhà báo đem đến tọa đàm nhằm giúp công chúng hiểu hơn về sự vất vả của nghề, sự cống hiến hết sức mình để đem đến cho độc giả những tác phẩm báo chí có ý nghĩa trong việc vun đắp, tạo dựng xã hội, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Đầu tư cho các tác phẩm báo chí chất lượng cao
Để có được những tác phẩm xuất sắc nhất được vinh danh tại Giải Báo chí Quốc gia không chỉ là sự dày công của các nhà báo, phóng viên mà còn là sự đầu tư một cách chiến lược, bài bản của cơ quan báo chí chủ quản.
Chia sẻ tại tọa đàm, nhà báo Đoàn Ngọc Thu, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) cho rằng người làm báo VietnamPlus luôn phải tìm cách để “vượt qua chính mình” và không ngừng tìm kiếm các đề tài và sự dấn thân mới.
Báo Điện tử VietnamPlus ra đời được 15 năm nhưng đã có 10 năm liên tiếp giành giải cao tại Giải Báo chí Quốc gia, trong đó có những năm giành được trọn bộ 3 giải cao nhất A, B, C. Điều đó cho thấy chất lượng đội ngũ phóng viên và cả sự đầu tư nghiêm túc của cơ quan đối với các tác phẩm báo chí.
“Khi triển khai các loạt bài, chúng tôi hướng đến mục tiêu cao nhất là phục vụ độc giả và góp tiếng nói làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không nhằm tìm kiếm các giải thưởng. May mắn là trong hành trình của mình, nhiều năm liên tiếp chúng tôi giành được giải thưởng tại Giải Báo chí Quốc gia và nhiều giải báo chí khác,” Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus chia sẻ.
Theo nhà báo Đoàn Ngọc Thu, Ban Biên tập báo luôn có sự định hướng chi tiết cho phóng viên để triển khai những vấn đề dư luận quan tâm. Ngoài sự chỉ đạo chi tiết về nội dung, lãnh đạo báo cũng yêu cầu phóng viên thực hiện cách trình bày, thể hiện bài viết sử dụng các hình thức báo chí hiện đại, tích hợp đa phương tiện... để làm nổi bật được thông điệp cần truyền tải.
“Ban biên tập đồng hành, theo sát phóng viên trong toàn bộ quá trình triển khai các loạt bài. Khi phóng viên đi vào những vùng sâu, vùng xa, tác nghiệp trong hoàn cảnh nguy hiểm, Ban Biên tập cũng lo lắng, áp lực vô cùng,” nhà báo Đoàn Ngọc Thu bày tỏ.
Chia sẻ ý kiến tại tọa đàm, ông Hồ Quang Phương, Ủy viên Ban chấp hành Liên chi hội nhà báo Báo Quân đội Nhân dân cho biết lãnh đạo báo luôn quan tâm xây dựng các sản phẩm báo chí giải pháp, nghĩa là tìm ra hướng giải quyết rốt ráo cho những vấn đề xã hội quan tâm.
“Chúng tôi xác định thể loại chính luận là đặc sản của Báo Quân đội Nhân dân. Tiếp đó, cách chọn đề tài là vấn đề quan trọng cần đầu tư nhất để có được các tác phẩm báo chí chất lượng cao,” ông Hồ Quang Phương cho biết.
Ngoài sự đầu tư về đề tài và cách triển khai thì Báo Quân đội Nhân dân cũng có cơ chế nhuận bút khuyến khích, hỗ trợ các phóng viên.
Theo ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, tọa đàm là dịp tôn vinh nền báo chí chất lượng cao của Việt Nam, khẳng định sứ mệnh và vai trò của báo chí là công cụ mạnh mẽ góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tọa đàm là nơi các nhà báo hội ngộ, giao lưu, thảo luận nghiệp vụ cũng như chia sẻ về sự nhiệt huyết, đam mê nghề nghiệp, tinh thần cống hiến trong quá trình sáng tạo những tác phẩm báo chí chất lượng cao. Từ đó, những câu chuyện được kể sẽ góp phần truyền lửa nghề, truyền cảm hứng, rèn ngòi bút cho thế hệ nhà báo trẻ, các sinh viên báo chí truyền thông mong muốn theo đuổi nghề báo.
“Nghề báo là nghề rất đáng tự hào và trân trọng dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhọc nhằn, gian khổ và cả những cám dỗ, nhưng nhiều nhà báo vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và đam mê nghề nghiệp để có những tác phẩm hay, chất lượng, có ý nghĩa cho xã hội, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và phụng sự nhân dân,” ông Nguyễn Đức Lợi khẳng định./.