Phụ huynh không cho con đi học để phản đối sáp nhập trường

Năm học mới 2015-2016 đã bắt đầu được một tháng nhưng gần 150 em học sinh ở xã Nghi Thiết và Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vẫn chưa đến trường vì bị phụ huynh ngăn cản.

Năm học mới 2015-2016 đã bắt đầu được một tháng nhưng gần 150 em học sinh ở xã Nghi Thiết và Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vẫn chưa đến trường. Lý do các bậc phụ huynh ngăn cản con em đến lớp là do sáp nhập trường trung học cơ sở liên xã.

Nghi Tiến, Nghi Thiết là các xã bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn của huyện Nghi Lộc nhưng lại có truyền thống hiếu học, học giỏi, có nhiều thế hệ học sinh đỗ đạt cao, thành đạt trong xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng học sinh, quy mô trường lớp của 2 trường học đều giảm, chất lượng học tập, giảng dạy tại một số thời điểm có chiều hướng đi xuống.

Để đảm bảo chất lượng dạy và học, năm học 2008-2009, Ủy ban Nhân dân huyện Nghi Lộc quyết định sáp nhập trường Trung học cơ sở Nghi Tiến và trường Trung học cơ sở Nghi Thiết thành trường Trung học cơ sở Tiến Thiết. Do chưa có điều kiện xây dựng cơ sở vật chất học chung nên trường Trung học cơ sở Tiến Thiết vẫn học tại 2 điểm trường cũ đến hết năm học 2012-2013.

Việc lựa chọn địa điểm trường mới ở xã Nghi Tiến phù hợp, thuận lợi cho cả 2 địa phương: có diện tích đảm bảo theo điều lệ trường trung học với diện tích 1,5ha; là điểm trung tâm giữa 2 xã; gần các trục giao thông đang xây dựng mới; cách đều 2 trường cũ khoảng 2km, điểm xa nhất của học sinh hai trường cách điểm trường mới khoảng 4km.

Trường Trung học cơ sở Tiến Thiết có tổng vốn đầu tư xây dựng 15,1 tỷ đồng; được xây dựng kiên cố, có đủ các phòng chức năng và phòng làm việc, có sân chơi bãi tập sạch sẽ khang trang, hệ thống cây xanh được trồng mới, đảm bảo môi trường hoạt động giáo dục của nhà trường và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh hai xã học tập.

Theo kế hoạch, từ năm học 2015-2016, điểm trường Trung học cơ sở Tiến Thiết về học chung tại điểm trường mới với quy mô 16 lớp, 512 học sinh, trong đó số học sinh của xã Nghi Tiến là 192 em, xã Nghi Thiết là 320 em.

Thế nhưng khi sáp nhập học chung hai điểm trường thì một số phụ huynh ngăn cản không cho học sinh đến trường mới do muốn con em mình học tại điểm trường ở địa phương và duy trì trường Trung học cơ sở tại xã Nghi Thiết. Những phụ huynh này cho rằng số học sinh Nghi Thiết nhiều hơn, nên học chung tại xã Nghi Thiết chứ không phải về Nghi Tiến. Học ở Nghi Tiến thì các em phải đi học xa hơn, giao thông chưa đảm bảo do đoạn đường D4 đang thi công; nếu không thì cho các em học sinh lớp 6 học tại điểm trường cũ tại xã Nghi Thiết.

Ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Nghi Lộc cho biết lý do một số người dân xã Nghi Thiết đưa ra là không hợp lý. Trường Trung học cơ sở Tiến Thiết được xây dựng tại địa điểm có vị trí giáp ranh giữa hai xã, thuận lợi cho học sinh của cả hai xã đi lại, học tập. Khi chưa sáp nhập, trường Trung học cơ sở Tiến Thiết phải tổ chức dạy học tại 2 điểm trường, chất lượng giáo dục không được nâng lên, công tác quản lý còn nhiều bất cập. Trong khi đó, điểm trường tại xã Nghi Thiết cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp, số phòng học không đủ nên phải học hai ca.

“Chủ trương sáp nhập trường Trung học cơ sở liên xã nhằm bố trí đủ số lượng giáo viên cần thiết của tất cả các môn học, vừa có điều kiện đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Đây thực sự là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của ngành giáo dục,” ông Lưu Đức Thuyên - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An khẳng định.

Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Nghi Lộc và các ban ngành liên quan chủ động phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền vận động để phụ huynh hiểu được việc sáp nhập trường là một chủ trương đúng, đem lại hiệu quả thiết thực cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện các cá nhân, tổ chức có thái độ, hành vi cản trở việc học sinh đến trường để có biện pháp xử lý, không để kéo dài, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, khiến dư luận bức xúc.

Ủy ban Nhân dân huyện Nghi Lộc và xã Nghi Thiết tiếp tục tuyên truyền, thuyết phục để phụ huynh thấy rõ mục đích và ý nghĩa của việc sáp nhập về học điểm chung, không bị kích động, lôi kéo, ngăn cản con em đến trường học tập.

Chính quyền địa phương tiếp tục phân loại các gia đình có con em nghỉ học, giao trách nhiệm cho các chi bộ, các chi hội các xóm đến từng gia đình để tuyên truyền vận động đồng thời, tập trung giải tỏa đất đá, cát… mà một số người dân ở xóm mới lấn chiếm hai bên đường ở đoạn đường D4 chưa triển khai thi công để thuận lợi hơn cho các em tham gia giao thông; cắm biển báo trên tuyến đường có học sinh đi qua, tuyên truyền để lái xe ưu tiên cho các em đi tới trường.

Thời gian tới, huyện Nghi Lộc phối hợp với xã Nghi Tiến tiếp tục đầu tư sân chơi, bãi tập và các công trình bổ trợ khác.

Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập đoàn công tác cùng với Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Nghi Lộc phân công lãnh đạo và chuyên viên thường trực tại cơ sở, nắm bắt tình hình để kịp thời báo cáo và tham mưu những giải pháp tháo gỡ với huyện Nghi Lộc và Sở.

Trường Trung học cơ sở Tiến Thiết chủ động phối hợp với địa phương để tuyên truyền, giải thích đến người dân; phân công giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn phối hợp với chi ủy, ban chỉ huy xóm đến tận các gia đình để thuyết phục, động viên, khích lệ các em tới trường, không để ảnh hưởng đến kết quả học tập và rèn luyện.

Sau khi các em đến trường đầy đủ, trường phân công giáo viên bộ môn tổ chức dạy lại, phụ đạo; duy trì tốt kỷ cương, nề nếp dạy và học. Nhà trường xây dựng đề án, tham mưu với 2 địa phương về kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong năm tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục