Không học thì không… yên tâm
Ngay từ sau Tết Nguyên đán, bé Minh Đức (Hà Đông, Hà Nội) đã được bố mẹ cho đi học chữ ở nhà riêng của cô giáo dạy lớp Một. Mỗi buổi chiều, sau khi hết giờ học ở trường mẫu giáo, anh Phúc, bố bé đã đón sẵn ở cổng trường để chở con đến nhà cô.
“Bây giờ mọi học sinh vào lớp một đều biết đọc, biết viết cả, mình không cho con đi học cũng không yên tâm. Nay mai khi đi học chính thức, con sẽ mất đà vì có cảm giác mình dốt hơn các bạn,” anh Phúc, bố của bé Đức chia sẻ.
Cũng theo anh Phúc, Đức là con lớn nên anh chưa có kinh nghiệm nhiều nhưng việc anh cho con đi học trước lớp một là từ lời khuyên của chị hàng xóm. “Bé hàng xóm năm nay lên lớp ba và không thích đi học chỉ vì từ khi bắt đầu đi học nó đã có cảm giác thua bạn kém bè. Lúc đầu tôi cũng định không cho con đi học thêm nhưng chính mẹ bé này đã khuyên tôi nên tìm lớp cho con,” anh Phúc chia sẻ.
Lo con bị hụt hẫng cũng là tâm sự của chị Nguyễn Ngọc Bích, ở Thanh Xuân, Hà Nội. Dù không kỳ vọng là con sẽ học giỏi và cũng được biết việc học trước là không khoa học lắm, nhưng hai tháng nay chị đã cho bé Minh đi học thêm. Đến nay, bé Minh đã có thể nhận biết mặt chữ và viết và đánh vần.
“Tôi cũng mâu thuẫn lắm, thấy các phụ huynh khác cho con đi học mà con mình không học thì khi cháu bước vào lớp Một không biết gì sẽ cảm thấy lạc lõng với các bạn. Vì thế, tôi theo phía đông là cho cháu đi học,” chị Ngọc nói.
Có lẽ, chính tâm lý này đã khiến cho các lớp học thêm trước lớp một luôn kín chỗ. Thầy Dương Thanh Tuấn, ở Hàng Mành, Hà Nội cho biết: “Hàng ngày tôi phải từ chối từ 15 đến 20 yêu cầu của phụ huynh xin cho con học chữ trước khi vào lớp một. Bình thường nếu tháng Chín trẻ vào lớp một thì tôi chỉ nhận những trẻ sinh tháng Một đến tháng Ba vì lúc đó các cháu đã đủ tuổi.”.
Học trước, khổ đủ đường
Nô nức cho con đi học thêm theo phong trào, các bậc phụ huynh đã vô tình làm khổ con, khổ mình và khổ cả giáo viên.
Anh Phúc cho biết, năm nay Minh Đức sẽ vào lớp Một, trường Tiểu học Đoàn kết. Từ ngày đi học thêm, buổi tối cháu không được chơi như trước mà phải ngồi vào bàn học. Con thì thích xem ti vi, thích đi xe đạp vòng vòng dưới sân, bố mẹ hôm nào cũng phải la hét mãi mới chịu ngồi học, viết được một lúc con lại kêu mỏi tay.
“Học mấy tháng rồi mà con vẫn chưa nhớ hết mặt chữ, cứ nói trước quên sau, chữ viết cũng rất tệ, không biết đi học có theo kịp bạn bè không,” anh Phúc lo lắng nói.
Còn theo cô Hoàng Mai Phương, Phó Hiệu trưởng khối tiểu học Trường Liên cấp quốc tế Wellspring, với thâm niên 15 năm dạy lớp một, năm nào cô cũng phải rất vất vả để giúp học sinh sửa những lỗi do học trước như cách cầm bút, tư thế học… và đặc biệt là thái độ học tập của các em.
Đây cũng là chia sẻ của cô Phan Thị Dung, giáo viên trường Tiểu học xã Phúc Thành (Yên Thành, Nghệ An).
Cô Dung cho biết, không chỉ học sinh miền núi mà ở vùng nông thôn cũng diễn ra tình trạng học trước khi vào lớp 1. Điều này khiến các em chủ quan khi đi học vì nghĩ rằng mình đã biết rồi, không tập trung chú ý nghe giảng.
Nhìn ở góc độ khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, Chuyên gia tâm lý lâm sàng trẻ em cho rằng, việc trẻ đến trường có nhiều hứng thú, từ được học, được chơi, được giao lưu bạn bè, thầy cô. Tuy nhiên, ở các lớp học thêm, trẻ chỉ tập trung vào phần viết. Điều này sẽ làm cho trẻ chán, và cảm thấy việc đến trường chán, làm tổn thương đến trẻ và giảm hứng thú học đường, mà hứng thú học đường mới là điều quyết định đến tương lai của trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh không cần phải cho trẻ đi học trước.
Đây cũng là quan điểm của ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo ông Định, nếu cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp một sẽ làm mất đi giai đoạn đầu làm quen, mất đi sự háo hức khi vào lớp 1, dễ làm cho trẻ chủ quan, ảo tưởng về nhận thức của mình cũng như gây ảnh hưởng tới các bạn trong lớp.
"Các phụ huynh không nên chạy theo tâm lý đám đông, con mình phải hơn bạn bè, điều này rất khổ cho trẻ,” ông Định nói./.