Phục dựng miễn phí ảnh liệt sỹ: Tấm lòng của những người trẻ

Từ những bức ảnh gốc gia đình liệt sỹ gửi cho nhóm và dựa trên mô tả của thân nhân liệt sỹ, nhóm TeamLee (Hà Nội) sẽ truyền thần cho bức ảnh thông qua nét mặt, ánh mắt, trang phục…
Nhóm TeamLee và Tỉnh Đoàn Khánh Hòa trao ảnh phục dựng cho ông Nguyễn Văn Thân (sinh năm 1962, trú tại thành phố Nha Trang), con trai của liệt sỹ Nguyễn Chính (1937-1964). (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Trong chuỗi các hoạt động tri ân người có công nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947 -27/7/2023), Tỉnh Đoàn Khánh Hòa kết hợp với nhóm phục dựng ảnh TeamLee (Hà Nội) trao tặng các bức ảnh phục dựng cho thân nhân các gia đình liệt sỹ tại thành phố Cam Ranh và thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Đưa chân dung liệt sỹ đến với gia đình

TeamLee là nhóm phục dựng ảnh do các bạn trẻ 8X, 9X ở các tỉnh phía Bắc và Hà Nội sáng lập, hoạt động trên tinh thần thiện nguyện, tự túc mọi chi phí. Nhóm được biết đến qua hàng trăm bức ảnh phục dựng truyền thần về những người đã mất là các liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người mất do COVID-19...

Anh Lê Quyết Thắng, nhóm trưởng TeamLee cho biết nhóm có 12 thành viên, mỗi người mỗi việc khác nhau trong công tác phục dựng ảnh. Những người làm công việc phục dựng miễn phí này đều xuất phát từ lòng biết ơn, mong muốn cho đi mà không cần nhận lại.

Nói về ý tưởng hình thành nên nhóm, anh Thắng cho biết thời điểm dịch COVID-19, nhiều trường hợp mất do COVID-19, gia đình bất ngờ nên không có ảnh để thờ. Sau đó, một số người đã đưa thông tin đó lên mạng và nhóm đã tình cờ đọc được.

Từ đó, nhóm đã thực hiện chỉnh sửa những bức ảnh của người quá cố thành những bức ảnh truyền thần và gửi tặng miễn phí cho gia đình. Sau đó, công việc phục dựng ảnh truyền thần được nhiều người trên mạng xã hội biết đến.

[Tri ân những người con ưu tú của dân tộc và gia đình các liệt sỹ]

Sau đỉnh dịch COVID-19, các thành viên trong nhóm nhận thấy công việc của mình ngày càng ý nghĩa với xã hội và quyết định cùng nhau thực hiện dự án phục dựng ảnh cho các liệt sỹ trên cả nước.

“Còn nhiều gia đình thân nhân liệt sỹ trên khắp cả nước đến nay vẫn chưa có ảnh để thờ, tưởng nhớ. Do đó, chúng tôi với tâm huyết của người trẻ, với tấm lòng biết ơn thế hệ cha anh đã hy sinh sẽ tiếp tục công việc này. Dẫu còn nhiều khó khăn, do mỗi người một công việc mưu sinh nhưng nhóm sẽ cố gắng mỗi ngày để có những bức ảnh các liệt sỹ được rõ ràng, truyền thần nhất có thể," anh Lê Quyết Thắng chia sẻ.

Khi trao hai bức ảnh liệt sỹ Nguyễn Văn Đức (1927-1967) và liệt sỹ Nguyễn Thị Lựu (1954-1970) cho gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phú (sinh năm 1924) tại thành phố Cam Ranh, anh Lê Quyết Thắng trăn trở: “Nếu như chúng tôi làm công việc này từ 5 năm trước, có lẽ khi trao hai bức ảnh chồng và con gái đến tay mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phú thì mẹ đã có thể ngắm nhìn rõ hơn. Đặc biệt, khi trao ảnh liệt sỹ Nguyễn Chính (1937-1964), gia đình xúc động khiến các thành viên trong đoàn không thể cầm lòng."

Ông Nguyễn Văn Thân (sinh năm 1962, trú tại thành phố Nha Trang), con trai của liệt sỹ Nguyễn Chính, nhận ảnh truyền thần từ nhóm các bạn trẻ và Tỉnh Đoàn Khánh Hòa, đã cảm động nói: “Những ngày này, cả nước đều hướng về các thương binh, liệt sỹ, những người đã cống hiến cho đất nước. Việc phục dựng ảnh cho ba, tôi muốn làm từ lâu nhưng vẫn chưa làm được. Tôi rất cảm ơn các cháu đoàn viên, thanh niên."

Phục dựng ảnh bằng lòng biết ơn với Tổ quốc

Nói về việc phục dựng ảnh, anh Lê Quyết Thắng cho biết công việc làm hoàn toàn bằng cách liên lạc qua điện thoại, mạng internet. Từ những bức ảnh gốc gia đình liệt sỹ gửi cho nhóm và dựa trên mô tả của thân nhân liệt sỹ, nhóm sẽ truyền thần cho bức ảnh thông qua nét mặt, ánh mắt, trang phục…

Với những trường hợp, gia đình liệt sỹ không còn hình ảnh của người đã mất, nhóm dựa theo mô tả của người nhà là liệt sỹ giống ai, khuôn mặt kiểu gì, trên mặt có nét đặc biệt nào để thực hiện...

“Để làm nên một bức ảnh truyền thần, ngoài các yếu tố nghe, xem ảnh cũ thì yếu tố cảm nhận, linh cảm cũng đóng vai trò quan trọng để tạo nên một bức ảnh truyền thần có hồn chân thật nhất," anh Quyết Thắng khẳng định.

Lần này đến với Khánh Hòa trao ảnh phục dựng, ngoài anh Thắng còn có nhiều thành viên khác. Anh Nguyễn Hữu Thưởng (trú tại Hà Nội) tâm sự về những chuyến đi ý nghĩa của nhóm: "Mỗi chuyến đi, đến với mỗi gia đình thân nhân liệt sỹ là một câu chuyện cảm động. Có những gia đình thân nhân liệt sỹ sau khi nhận ảnh xong, mẹ của liệt sỹ đêm đêm cứ ôm ảnh, nhìn con trai và khóc. Gia đình quay lại những thước phim như vậy gửi đến chúng tôi. Chúng tôi xúc động lắm."

"Giữ lại nét chân thực cho mỗi bức ảnh phục dựng là điều khó nhất. Khó bởi các liệt sỹ khi ra chiến trường đôi khi chỉ là những người chỉ vừa mới đôi mươi, không có ảnh lưu giữ tại gia đình hoặc có cũng bị hư hỏng, mất mát do ảnh hưởng của chiến tranh. Mỗi lần gặp những "ca khó" như không còn tư liệu gì, chúng tôi trao đổi liên tục với gia đình, có khi cả tuần mới hoàn thành một bức ảnh. Hồn của mỗi bức ảnh là đôi mắt, do đó khi làm phục dựng chúng tôi cố gắng cảm thụ và truyền nét vào đây nhiều nhất để bức ảnh truyền thần đạt đến hiệu quả tốt nhất,” anh Thưởng chia sẻ.

Phùng Quang Trung (sinh năm 1995, trú tại tỉnh Hải Dương), thành viên nhóm, cho biết công việc chính của em cũng liên quan đến ngành ảnh nên có lợi thế hoạt động công tác thiện nguyện này. Tuy vậy, để có những bức ảnh truyền thần, Trung thường thức đêm để làm. Như cao điểm tháng Bảy này, Trung không có đêm nào ngủ sớm để kịp tiến độ thực hiện những bức ảnh truyền thần, trao đến tay các gia đình liệt sỹ.

Đại diện nhóm TeamLee trao ảnh phục dựng truyền thần cho thân nhân liệt sỹ Nguyễn Chính (1937-1964). (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

“Chúng em muốn gửi lời cảm ơn đến các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho đất nước được hòa bình và ổn định như hôm nay. Đất nước ta còn rất nhiều trường hợp liệt sỹ không có ảnh và chúng em mong mình sẽ có nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến," Trung tâm sự.

Trong hành trình trao ảnh phục dựng ở Nha Trang, Khánh Hòa, nhóm chỉ có 10 ngày để chuẩn bị nên chưa thể làm được nhiều bức ảnh liệt sỹ. Các thành viên trong nhóm hy vọng Tỉnh Đoàn Khánh Hòa sẽ là cầu nối thông tin về các gia đình liệt sỹ đang cần ảnh phục dựng truyền thần để nhóm có điều kiện làm việc, trao đổi tốt nhất trước khi phục dựng, tạo nên một bức ảnh chân thật, đẹp và giá trị cho các gia đình liệt sỹ lưu giữ.

“Nhóm mong muốn không chỉ phục dựng những bức ảnh các liệt sỹ mà còn đến tận nơi, trao tận tay và nghe những câu chuyện về liệt sỹ từ người thân, từ đó, giúp các thành viên trong nhóm tâm huyết, sáng tạo và cống hiến nhiều hơn nữa cho công việc thiện nguyện mà nhóm đang theo đuổi như hiện nay,” anh Lê Quyết Thắng tâm sự.

Anh Trần Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh Đoàn Khánh Hòa cho biết nhân Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7, Tỉnh Đoàn có nhiều hoạt động tri ân, thăm hỏi các gia đình thân nhân liệt sỹ, các hoạt động “uống nước nhớ nguồn.”

Hoạt động tặng quà, kết hợp cùng nhóm TeamLee trao tặng ảnh phục dựng cho các thân nhân, gia đình liệt sỹ là hoạt động ý nghĩa, thể hiện sự biết ơn của tuổi trẻ ngày nay đối với thế hệ cha anh đi trước. Những bức ảnh phục dựng truyền thần rất ý nghĩa cho những người còn sống, để họ tưởng nhớ về các liệt sỹ. Với truyền thống tự hào của gia đình cách mạng, các thân nhân liệt sỹ sống và làm nhiều việc có ý nghĩa cho xã hội, cho đất nước.

Thời gian tới, Tỉnh Đoàn Khánh Hòa tiếp tục có những hoạt động kết hợp với nhóm TeamLee để phục dựng ảnh truyền thần cho 64 liệt sỹ hy sinh ở Gạc Ma. Trong ngày 26/7, đồng loạt các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều tổ chức thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục