Là một trong ba cổ trấn nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, Phượng Hoàng càng trở nên độc đáo, có sức hút kỳ lạ bởi nét kiến trúc cổ kính rêu phong riêng có cùng với cuộc sống bình dị của người dân bản địa.
Là một trong ba cổ trấn nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, Phượng Hoàng càng trở nên độc đáo và có sức hút kỳ lạ bởi nét kiến trúc cổ kính rêu phong riêng có cùng với cuộc sống bình dị của người dân bản địa bên dòng sông Đà Giang thơ mộng.
Chúng tôi đã đến Phượng Hoàng sau chặng đường ngồi xe ôtô 6 tiếng từ Hà Nội đến Nam Ninh và đi tàu đêm hơn 12 tiếng từ Nam Ninh đến Cát Thủ, thành phố cấp huyện và là thủ phủ của Châu tự trị dân tộc Thổ Gia, dân tộc Miêu Tương Tây, thuộc miền núi phía Tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Bao mệt mỏi trong suốt chặng đường dài bỗng chốc tan biến khi thị trấn cổ kính xinh đẹp, thanh bình hiện ra trước mắt. Có đủ các cây cầu xây, cầu gỗ, cầu trụ đá… bắc qua sông Đà Giang nối kết hai bờ, thuận tiện cho việc đi lại của người dân địa phương và du khách để khám phá cổ trấn này.
Đa số du khách tham quan, trong đó có chúng tôi đều dừng lại rất lâu ở cầu trụ đá, cây cầu song hành với cổ trấn có lịch sử hàng trăm năm. Dòng sông cứ chảy về xuôi, từng cặp đôi tay trong tay lãng mạn bước qua những nhịp cầu trụ đá, chốc chốc lại có đôi ba nhóm bạn dừng lại ở đầu cầu bên này hay đầu cầu bên kia cùng đá chân trên nước để lưu giữ những khoảnh khắc khó quên.
Về đêm, trấn cổ Phượng Hoàng lên đèn tạo nên một vẻ đẹp cổ kính kết hợp với sự phồn hoa và nhộn nhịp.
Dòng sông Đà Giang thơ mộng chạy qua Phượng Hoàng càng làm tôn thêm vẻ đẹp cho trấn cổ này.
Cây cầu trụ đá có có lịch sử hàng trăm năm, song hành với cổ trấn luôn là điểm đẹp nhất để du khách ghi lại những hình ảnh đẹp khi đến với Phượng Hoàng.
Trên dòng sông Đà Giang những chiếc thuyền chở du khách đi thăm trấn cổ.
Trấn cổ Phượng Hoàng là thủ phủ của Châu tự trị dân tộc Thổ Gia, dân tộc Miêu Tương Tây, thuộc miền núi phía Tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Đâu đó bên dòng sông Đà Giang du khách sẽ bắt gặp người dân đập (giặt) quần áo như cha ông họ vẫn thường làm.
Đến với trấn cổ Phượng Hoàng, du khách dễ dàng thuê cho mình một căn phòng nghỉ của người dân với góc nhìn đẹp hướng sông Đà Giang mà không cần phải đặt trước.
Hầu hết những ngôi nhà trong trấn vẫn giữ được những lớp mái ngói âm dương cổ kính.
Chính vì trấn Phượng Hoàng có phong cảnh hữu tình nên đây luôn là điểm sáng tác yêu thích của những họa sỹ.
Ngoài việc tản bộ qua những con ngõ, du khách có thể lựa chọn thăm trấn cổ bằng thuyền gỗ.
Khi nắng chiều soi bóng vào trấn cổ, du khách có thể bắt gặp người dân đi thuyền trên sông Đà Giang đánh bắt cá.
Vào dịp cuối xuân, đến Phượng Hoàng du khách vẫn được ngắm nhìn những nhành hoa anh đào nở rộ bên dòng sông Đà Giang.
Những con phố được trang trí đẹp mắt dẫn đường cho du khách tham quan kỹ hơn Phượng Hoàng.
Khu vực tường thành chạy dài 1km cũng là nơi sinh sống của người dân cổ trong thành.
Du thuyền thưởng ngoạn trên sông là khoảng lặng để bạn chiêm ngưỡng phong cảnh sông nước hữu tình nơi đây, cũng như tận mắt chứng kiến nếp sinh hoạt thường ngày của người dân tộc Thổ Gia, Miêu, Hồi… bao đời nay đã gắn với dòng sông Đà Giang. Cuối chặng, thuyền cập bến tại Hồng Kiều, cây cầu có mái che duyên dáng nằm ở trung tâm sầm uất nhất của cổ trấn, sau khi hỏi thăm, chúng tôi đã được thưởng thức món bánh tép tươi rán giòn, lẩu cá, vịt om tiết... là những món ăn đặc trưng của vùng đất này.
Với lối kiến trúc cổ được lưu giữ gần như nguyên vẹn, Phượng Hoàng cổ trấn trải dài ngút tầm mắt với những mái ngói âm dương, những phù điêu trên đầu mái cong vút một cách kiêu hãnh. Một Phượng Hoàng với nhiều sắc thái trong một ngày, yên tĩnh chìm trong sương sớm, náo nhiệt khi ngày mới bừng tỉnh, dịu dàng lúc hoàng hôn buông xuống hay trở nên lung linh huyền ảo dưới ánh sáng đèn màu trong đêm… đều là những góc cảnh đặc biệt hấp dẫn đối với các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên.
Du khách tìm đến với Phượng Hoàng cổ trấn ngày một nhiều, song không bởi thế làm mất đi sự yên ả vốn có, đâu đó vẫn vọng về tiếng đập quần áo khi người phụ nữ dân tộc Thổ Gia, Miêu giặt giũ bên dòng sông Đà Giang, hay tiếng nhạc du dương được người nghệ sỹ thả hồn theo gió…. Không gian trầm lắng và lãng mạn của Phượng Hoàng cổ trấn đã mang lại nhiều cảm xúc và sẽ là ký ức nhớ mãi./.
Người dân ở quanh vùng chở cam đến bán trong trấn Phượng Hoàng vì từ xa xưa đây đã là nơi phồn hoa nhất vùng.
Một cửa hàng bán bánh tép tươi bên dòng sông Đà Giang sẽ là một điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình khám phá trấn cổ Phượng Hoàng.
Dạo bước trên những con phố cổ du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những món ăn truyền thống nóng hổi của người dân bày bán hai bên đường.
Đến với trấn cổ Phượng Hoàng ngoài việc được chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ du khách còn được thưởng thức nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người dân bản địa.
Du khách đừng quên thưởng thức những món ăn truyền thống như đậu hũ thối.
Một cửa hàng bán rau, củ, quả muối của người dân bản địa trong trấn Phượng Hoàng.
Tại đây, trên đoạn sông Đà Giang chưa đầy 1km mà có đến 10 cây cầu bắc qua, những cây cầu đó như “thương hiệu” làm nên Phượng Hoàng cổ trấn. Đặc biệt nhất là cây cầu được đổ trụ bằng những cột đá theo nhịp bước chân, có hai luồng đi cho hai chiều ngược nhau, xa xa là một cây cầu gỗ ghép cong dưới chân một đoạn thác lùn róc rách, một bên còn có chiếc cọn nước rêu phong quay nhịp nhàng suốt đêm ngày. Trong khi đó, Hồng Kiều duyên dáng với kiến trúc cầu có mái che, một chiếc cầu - nhà, được thiết kế theo phong cách "Phượng Hoàng" đặc trưng của cổ trấn. Bài:
Tường Thu
Ảnh:
Tất Sơn
(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)