Phương Tây không hài lòng về kế hoạch thăm Nga của Chủ tịch EC

Tạp chí Politico dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết các nước Phương Tây đã tỏ ra bất bình trước việc Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker có kế hoạch thăm Nga.
Phương Tây không hài lòng về kế hoạch thăm Nga của Chủ tịch EC ảnh 1Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tạp chí Politico ngày 30/5 dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết các nước Phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, một số nước Baltic và Trung Âu đã tỏ ra bất bình trước việc Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker có kế hoạch tham dự Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg (SPIEF) năm nay diễn ra từ ngày 16-18/6 tại thủ đô phương Bắc của nước Nga.

Các nước này cho rằng động thái trên có thể củng cố vị thế của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay trước khi Liên minh châu Âu (EU) thông qua quyết định quan trọng về việc kéo dài lệnh trừng phạt Moskva.

Tạp chí trên dẫn lời Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius cho rằng động thái này không đem lại thêm bất cứ giá trị nào cho quan hệ giữa Nga và EU.

Ông Linkevicius cũng lưu ý rằng Điện Kremlin lợi dụng các cuộc gặp như vậy để tạo cảm giác bình thường trong quan hệ với Phương Tây. Hai nguồn tin ngoại giao khác cho biết một số nhân viên EC đã khuyên ông Juncker không nên tham dự diễn đàn vì sự "nhạy cảm" liên quan vấn đề trừng phạt.

Phát ngôn viên chính thức của EC đã từ chối bình luận về bất đồng nội bộ liên quan tới chuyến thăm Nga của ông Juncker, nhưng cho biết quyết định cuối cùng vẫn chưa được thông qua. Theo đại diện EC, ông Juncker muốn thông qua chuyến thăm này để "truyền đạt tới lãnh đạo Nga, cũng như công luận rộng rãi quan điểm của EU về mối quan hệ EU-Nga hiện nay."

Trong khi đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho các phóng viên biết ông Putin dự kiến sẽ gặp ông Juncker tại SPIEF 2016 song EC chưa xác nhận cuộc gặp tay đôi này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.