Phương Tây và Saudi Arabia "lũng đoạn" Yemen như thế nào?

Tính đến nay, trên tổng số 6.000 thường dân Yemen thiệt mạng có 4.300 người chết trong các trận oanh kích của liên quân Saudi Arabia và UAE, đáng lưu ý, 60% vũ khí của Saudi Arabia là đến từ châu Âu.
Phương Tây và Saudi Arabia "lũng đoạn" Yemen như thế nào? ảnh 1Trẻ em bị thương sau vụ tấn công được điều trị tại một bệnh viện ở Saada, Yemen ngày 9/8. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Đài RFI đưa tin, ngày 9/8 vừa qua, một chiếc xe buýt chở học sinh tại tỉnh Saada (Yemen) đã bị trúng oanh kích của liên minh quân sự Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Cộng động quốc tế phẫn nộ trước hình ảnh 51 người chết, 79 người bị thương, những người thoát nạn dính đầy máu.

Theo kênh truyền hình CNN (Mỹ), quả bom nhằm vào chiếc xe buýt chở học sinh là một quả bom dẫn đường bằng laser do Mỹ sản xuất và cung cấp cho đồng minh.

Đây là thảm kịch mới nhất mà nạn nhân là thường dân do các trận oanh kích của quân đội Saudi Arabia tham chiến tại Yemen từ tháng 3/2015 để ủng hộ cựu Tổng thống Abd Rabbo Mansour Hadi chống lại phe nổi dậy Houthi, được cho là “con ngựa thành Troy” của Iran.

Tuy nhiên, cuộc nội chiến đẫm máu ở Yemen lại không được cộng đồng quốc tế chú ý như tình hình ở Syria.

Phương Tây và Saudi Arabia "lũng đoạn" Yemen như thế nào? ảnh 2Khói bốc lên sau một cuộc không kích của liên quân do Saudi Arabia đứng đầu nhằm vào mục tiêu của lực lượng Houthi ở sân bay Hodeida ngày 19/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tính đến nay, trong tổng số 6.000 thường dân Yemen thiệt mạng, có khoảng 4.300 người chết dưới làn đạn của khoảng 18.000 trận oanh kích của liên quân Saudi Arabia và UAE.

60% vũ khí của Saudi Arabia đến từ châu Âu

Theo loạt bài viết trên Le Monde (ngày 2/10/2018), phương Tây đã bày tỏ sự lo ngại về các hợp đồng bán vũ khí cho Riyad bởi nhiều trang thiết bị do họ sản xuất đã được sử dụng cho các trận oanh kích, trong đó có những trận nhắm vào thường dân.

Riyad đã tìm mọi cách để lảng tránh việc đề cập đến các hợp đồng mua vũ khí.

[Liên hợp quốc nối lại cuộc điều tra tội ác chiến tranh ở Yemen]

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri), từ năm 2001-2015, các doanh nghiệp châu Âu đã xuất khẩu vũ khí cho Riyad giá trị 57 tỷ euro.

Riyad là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, điều này đồng nghĩa với việc gần 60% vũ khí của Saudi Arabia đến từ châu Âu.

Tây Ban Nha lùi bước vì lợi ích kinh tế

Đầu tháng 9/2018, tân Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez quyết định hủy hợp đồng bán 400 quả bom dẫn đường bằng laser mà chính phủ bảo thủ tiền nhiệm đã ký với Saudi Arabia năm 2015 để tránh bị sử dụng ở Yemen.

Quyết định này được các tổ chức nhân đạo hoan nghênh, song Riyad kịch liệt phản đối. Ngay sau đó, Madrid buộc phải đổi ý do Riyad dọa hủy hợp đồng mua 5 tàu hộ tống có giá trị hơn.

Hợp đồng quan trọng này được thực hiện ở khu xưởng Cadix (vùng Andalucia) nơi được đầu tư 1,8 tỷ euro và tạo ra khoảng 6.000 việc làm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở vùng này lên đến 27%.

Pháp “duyệt” từng hợp đồng bán vũ khí

Với Paris, “Saudi Arabia không phải là một khách hàng mà là một đồng minh.” Vì vậy, Tổng thống Pháp Macron cho rằng cần tôn trọng các hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, các loại vũ khí được cho là sử dụng tại Yemen cần được “tăng cường giám sát.”

Quyết định cho phép xuất khẩu vũ khí sang Trung Đông được xem xét mỗi tháng một lần tại các cuộc họp đặc biệt ở phủ Thủ tướng.

Nhiều tổ chức phi chính phủ và khoảng 50 nghị sỹ Pháp đã yêu cầu Paris ngừng bán vũ khí cho Riyad nhân chuyến thăm Paris của Hoàng thái tử Mohammed Ben Salman hồi tháng 4/2018 nhưng bất thành.

Pháp không bán bom cho Riyad nhưng bán đạn 155mm được sử dụng cho pháo Caesar.

Tháng 7/2018, Bộ trưởng Quân lực Pháp Florence Parly khẳng định: “Các trang thiết bị quân sự trên bộ bán cho Saudi Arabia được sử dụng không nhằm mục đích tấn công mà để phòng thủ ở biên giới giữa Yemen và Saudi Arabia.” 

Riyad từng là khách hàng lớn thứ hai của Pháp trong những năm 2007-2016 với tổng trị giá đơn hàng lên đến hơn 5 tỷ euro. Năm 2017, tổng trị giá hợp đồng giảm xuống còn 626 triệu euro.

Dự kiến từ nay đến cuối năm 2018, Pháp sẽ đưa ra nhiều quyết định về các hợp đồng mới (máy bay trinh sát, radar, máy bay đa chức năng MRTT).

Anh: Vừa bán vũ khí vừa quan ngại về tình hình nhân đạo ở Yemen

Theo thống kê của Chiến dịch chống bán vũ khí cho Saudi Arabia (CAAT), từ năm 2015 London đã cho phép bán 5,2 tỷ USD vũ khí cho Riyad, chủ yếu là máy bay tiêm kích ném bom Eurofighter Typhoon, bom dẫn đường bằng laser Paveway và tên lửa Brimstone.

Riyad là nhà đầu tư quan trọng vào London và là đầu ra mấu chốt trong chiến lược của Anh thời hậu Brexit. Vì thế, chính phủ của Thủ tướng May liên tục thể hiện những cử chỉ thân ái, như trong chuyến thăm London vào tháng 3/2018 của Hoàng thái tử Ben Salman.

[Công ty Anh sẽ cung cấp 48 máy bay Typhoon cho Saudi Arabia]

Thủ tướng Anh một mặt bày tỏ “quan ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo ở Yemen,” mặt khác vẫn ký một biên bản ghi nhớ thỏa thuận bán 48 chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon có trị giá vài tỷ USD cho Saudi Arabia.

Phương Tây và Saudi Arabia "lũng đoạn" Yemen như thế nào? ảnh 3Máy bay tiêm kích đa năng Eurofighter Typhoon. (Ảnh: Eurofighter.com)

Đức bán vũ khí để cải thiện quan hệ ngoại giao

Tại Đức, tuần báo Der Spiegel đưa tin ngày 19/9 rằng chính phủ đã cho phép xuất khẩu sang Saudi Arabia hệ thống định vị cho xe tăng, cùng với 48 đầu đạn và 91 tên lửa dành cho chiến hạm của của vương quốc Hồi giáo này.

Phe đối lập chỉ trích mạnh mẽ quyết định trên. Nhưng với chính phủ Đức, đây là một bước đi nằm trong khuôn khổ Berlin và Riyad xích lại gần nhau trên phương diện ngoại giao.

Bang giao hai nước xấu đi kể từ cuối năm 2017, khi ông Sigmar Gabriel, Ngoại trưởng Đức lúc đó, chỉ trích chính sách ngoại giao “phiêu lưu” trong khu vực của Riyad.

Tiếp theo, Berlin lên án việc Saudi Arabia gây sức ép để Thủ tướng Liban Saad Hariri từ chức.

Ngày 26/9/2018, bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Đức đương nhiệm Heiko Maas đã bày tỏ “lấy làm tiếc” với đồng nhiệm Saudi Arabia về những sự kiện trên.

Được Mỹ hậu thuẫn, Saudi Arabia thừa cơ...

Sau thời gian quan hệ ngoại giao Mỹ-Saudi Arabia nguội lạnh vì cuộc đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran - đối thủ của Saudi Arabia trong khu vực, sự ủng hộ của Washington với Riyad lại nồng nhiệt như trước kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền.

Thêm vào đó, Hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammed Ben Salman và Thái tử UAE Mohammed Bin Zayed trở nên thân thiết với Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn của Tổng thống Trump.

Kushner cần hai nhà lãnh đạo quan trọng trong vùng Trung Đông để thực hiện dự án giải quyết cuộc khủng hoảng Israel-Palestine, có thể sẽ được giới thiệu trong vài tháng tới.

Về vai trò của đồng minh Trung Đông trong cuộc chiến ở Yemen, bài diễn văn ngày 25/9/2018 của Tổng thống Mỹ trước Đại hội đồng Liên hợp quốc bày tỏ "lấy làm tiếc về cuộc nội chiến kinh hoàng, tồi tệ ở Yemen.”

Tuy nhiên, ông trấn an mọi người rằng cả Saudi Arabia và UAE “đã hứa hàng tỷ USD” để giúp người dân Yemen, đồng thời cả hai nước “tìm mọi cách” để chấm dứt cuộc xung đột này.

Để thay lời kết, một doanh nhân thân cận với gia đình hoàng gia Saudi Arabia nhận định với Le Monde rằng “Chừng nào Mỹ còn ủng hộ (Saudi Arabia), họ sẽ tự cho phép làm mọi chuyện… Hiện tại nước Anh không phản đối gì, Pháp cũng vậy, do đó họ vẫn tiếp tục....” ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.