Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có thông tin về các thiết bị chính của gói thầu M05 Hệ thống khử lưu huỳnh tại Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1.
Chủ đầu tư giám sát chặt quá trình mời thầu
Thời gian gần đây, một số thông tin cho rằng, việc triển khai gói thầu M05 tại Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 có vấn đề, thậm chí đề cập đến việc đã có một số thiết bị, công nghệ Trung Quốc đã “lọt” vào dự án.
Trong khi đó, theo thiết kế ban đầu và Hợp đồng EPC được chủ đầu tư ký với Tổng thầu EPC là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) thì Dự án sẽ sử dụng công nghệ bản quyền tiên tiến của EU/G7. Điều này đã dấy lên ý kiến cho rằng đã có sự mập mờ, thiếu minh bạch, hoài nghi về trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc triển khai gói thầu M05 của Dự án.
Nhưng thực tế, theo báo cáo của LILAMA báo cáo Bộ Công Thương tại công văn số 935/TCT-KTKT ngày 18/7/2017, các thiết bị, công nghệ trong gói thầu M05 tại Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 hoàn toàn không có thiết bị Trung Quốc, các thiết bị chính đều có nguồn gốc EU/G7.
Đặc biệt, việc lựa chọn nhà thầu đã được Tổng công ty thực hiện một cách nghiêm túc theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại công văn số 5826/VPCP-V.I ngày 06/6/2017, chỉ đạo của Bộ Công Thương tại công văn số 5205/BCT-TCNL ngày 14/6/2017, tuân thủ theo hồ sơ yêu cầu đã phát hành và theo những yêu cầu khắt khe nhất của chủ đầu tư.
Theo LILAMA, ngay sau khi Hợp đồng EPC có hiệu lực, LILAMA đã triển khai lập Hồ sơ yêu cầu cho gói thầu M05-FGD gửi chủ đầu tư để góp ý. Trên cơ sở góp ý của chủ đầu tư về nội dung của Hồ sơ yêu cầu, LILAMA đã phê duyệt Hồ sơ yêu cầu và ngày 5/8/2015 phát hành Hồ sơ yêu cầu tới các Nhà thầu phụ đã được phê duyệt là Alstom, Hamon Reseach-Cottrell Gmb (Hamon), KC-Cottrell Co., Ltd (KC-Cottrell), Mitsubishi Hitachi Power System, Co.Ltd (MHPS) và Kawasaki Heavy Industries, Co.Ltd (KHI).
Đến thời điểm đóng thầu (ngày 14/9/2015) có 3 nhà thầu nộp Hồ sơ đề xuất theo đúng thời gian quy định của HSYC là Hamon, MHPS và KC Cottrell.
Việc lựa chọn các nhà thầu cũng được thực hiện dựa trên việc xem xét, đánh giá tổng thể về năng lực, kinh nghiệm đã thực hiện các dự án tương tự; năng lực tài chính của các nhà thầu; xem xét đề xuất kỹ thuật, đề xuất thu xếp vốn…
Chẳng hạn như trong giai đoạn đầu, sau khi xem xét đầy đủ các yếu tố của 3 nhà thầu là Hamon, MHPS và KC Cottrell, LILAMA xác định chỉ có Hamon và MHPS đáp ứng cơ bản các tiêu chí kỹ thuật theo HSYC, nhà thầu KC-Cottrell không đáp ứng Hồ sơ yêu cầu. Nhưng vì mức giá đề xuất của Hamon và MHPS cao hơn dự toán của gói thầu nên kết quả chào thầu lần này không được chủ đầu tư chấp thuận, đồng thời chủ đầu tư đã yêu cầu LILAMA mời thầu lại.
Trên cơ sở thống nhất giữa chủ đầu tư và LILAMA, LILAMA đã mời 3 nhà thầu đã tham dự (Hamon, KC Cottrell và MHPS) nộp lại Hồ sơ đề xuất (bao gồm: kỹ thuật, thu xếp vốn và giá trên cơ sở bổ sung, làm rõ Hồ sơ yêu cầu).
Trong lần chào thầu này, đến thời điểm đóng thầu (gia hạn đến 30/9/2016) chỉ có 2 nhà thầu Hamon và KC-Cottrell nộp Hồ sơ đề xuất theo đúng thời gian quy định (nhà thầu MHPS có thư thông báo không tham gia chào giá với lý do giá gói thầu của chủ đầu tư quá thấp).
Dựa trên Hồ sơ đề xuất, LILAMA đã thực hiện đánh giá 2 nhà thầu và sau khi xem xét đầy đủ các yếu tố, LILAMA xác định chỉ có nhà thầu Hamon là đáp ứng cơ bản Hồ sơ yêu cầu, nhà thầu KC-Cottrell chào thiếu nhiều thông tin về kỹ thuật nên được đánh giá không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Sau khi báo cáo kết quả lên chủ đầu tư, được chủ đầu tư yêu cầu làm rõ với nhà thầu KC-Cottrell về các tiêu chí được đánh giá là không đạt, sau khi nhà thầu KC-Cottrell làm rõ và bổ sung Hồ sơ đề xuất, LILAMA đã đánh giá lại và có báo cáo nhà thầu KC-Cottrell đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và mở Hồ sơ đề xuất tài chính của 2 nhà thầu.
Kết quả, với nhà thầu nhà thầu Hamon: Giá đề xuất là 57.792.500 USD; giá đánh giá: 77.201.128 USD. Còn với nhà thầu KC-Cottrell: Giá đề xuất: 59.500.000 USD; giá đánh giá: 79.129.674 USD.
Theo kết quả này, nhà thầu Hamon là nhà thầu được chọn và được LILAMA kiến nghị vào thương thảo, đàm phán hợp đồng. Tuy nhiên, do giá đề xuất của nhà thầu vẫn cao hơn so với giá dự toán gói thầu được duyệt của chủ đầu tư nên theo yêu cầu của chủ đầu tư, LILAMA đã một lần nữa yêu cầu 2 nhà thầu chào lại giá.
Hai nhà thầu KC-Cottrell và Hamon đã nộp lại đề xuất theo yêu cầu với giá đề xuất và giá đánh giá được điều chỉnh như sau: Nhà thầu KC-Cottrell đưa ra giá đề xuất là 55.000.000 USD và giá đánh giá là 72.816.118 USD. Còn nhà thầu Hamon đưa ra giá đề xuất sau giảm giá là 54.985.000 USD và giá đánh giá là 72.096.231 USD…
Với những kết quả như trên, Tổng thầu EPC LILAMA đã lựa chọn, kiến nghị mời nhà thầu Hamon vào đàm phán thương thảo hợp đồng.
Như vậy có thể thấy, việc lựa chọn nhà thầu Hamon trong việc thực hiện gói thầu M05 tại Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 đã được Tổng thầu EPC của Dự án là LILAMA và chủ đầu tư thực hiện hết sức chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình, minh bạch và không có bất kỳ khuất tất nào trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Không sử dụng thiết bị, công nghệ Trung Quốc
Cũng theo LILAMA, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại CV số 5826/VPCP-V.I ngày 6/6/2017 và ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương tại văn bản số 5205/BCT-TCNL, ngày 29/6/2017, chủ đầu tư và LILAMA đã họp và thống nhất một số nội dung để triển khai công tác lựa chọn nhà thầu.
Theo đó, chủ đầu tư đã giao LILAMA chủ động tổ chức lựa chọn, phê duyệt kết quả, ký kết hợp đồng với nhà thầu thực hiện hạng mục FGD.
Trên cơ sở đó và căn cứ theo Hồ sơ yêu cầu cũng như kết quả đánh giá Hồ sơ đề xuất của các nhà thầu, LILAMA đã phê duyệt và mời nhà thầu Hamon Research Cottrell GmbH (Hamon - Cộng hòa liên bang Đức) là nhà thầu xếp thứ nhất theo các tiêu chí quy định của Hồ sơ yêu cầu vào thương thảo, đàm phán và ký kết Hợp đồng đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật, thỏa thuận giữa chủ đầu tư và LILAMA trong Hợp đồng EPC và quy định của Hồ sơ yêu cầu đã phát hành.
Thực hiện yêu cầu trên, ngày 29/6/2017, chủ đầu tư và LILAMA đã họp và thống nhất một số nội dung để triển khai công tác lựa chọn nhà thầu. Theo đó, chủ đầu tư đã giao LILAMA chủ động tổ chức lựa chọn, phê duyệt kết quả, ký kết hợp đồng với nhà thầu thực hiện hạng mục FGD.
Trên cơ sở đó và căn cứ theo Hồ sơ yêu cầu đã phát hành cũng như kết quả đánh giá Hồ sơ đề xuất của các nhà thầu, LILAMA đã phê duyệt và mời nhà thầu Hamon Research Cottrell GmbH (Hamon - Cộng hòa liên bang Đức) là nhà thầu xếp thứ nhất vào thương thảo, đàm phán và ký kết Hợp đồng đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật, thỏa thuận giữa chủ đầu tư và LILAMA trong Hợp đồng EPC và quy định của Hồ sơ yêu cầu đã phát hành.
[Hơn 43.000 tỷ đồng xây dựng dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1]
Theo báo cáo của LILAMA tại công văn số 935/TCT-KTKT ngày 18/7/2017 gửi Bộ Công Thương và PVN, những nội dung chính trong Hợp đồng giữa LILAMA và Hamon như sau: Về danh sách nhà thầu phụ, nhà cấp hàng: Trong Hồ sơ đề xuất, nhà thầu Hamon đề xuất một số thiết bị của hệ thống vận chuyển thạch cao, đá vôi có nguồn gốc từ Ấn độ và Trung Quốc.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại công văn số 5826/VPCP-V.I ngày 06/6/2017, chỉ đạo của Bộ Công Thương tại công văn số 5205/BCT-TCNL ngày 14/6/2017, trong quá trình đàm phán, LILAMA đã yêu cầu nhà thầu tăng tối đa thiết bị có nguồn gốc từ các nước EU/G7.
Nhà thầu đã chấp nhận yêu cầu của LILAMA và hai bên đã thống nhất danh sách các nhà nhầu phụ, nhà cấp hàng với phần lớn thiết bị có nguồn gốc từ các nước thuộc EU/G7. Chỉ có cáp điện, đường ống, bảo ôn và một số thiết bị phụ, vật tư nhỏ lẻ được cung cấp từ Việt Nam, Hàn Quốc.
Đối với giá hợp đồng, với mong muốn giảm tối đa chi phí cho chủ đầu tư, LILAMA đã yêu cầu nhà thầu giảm giá gói thầu. Tuy nhiên, nhà thầu giải trình do đã tăng lựa chọn các thiết bị hầu hết có nguồn gốc từ EU/G7 so với Hồ sơ đề xuất (tương ứng với việc nhà thầu phải chịu thêm khoảng 800.000 USD chi phí), cũng như đã giảm giá sau nhiều lần được yêu cầu chào giá lại thì nhà thầu khẳng định giá chào cuối cùng là tốt nhất nên không thể xem xét giảm giá thêm.
Hai bên đã thống nhất giá cuối cùng ký Hợp đồng là 54.985.000 USD (bao gồm thiết kế, cung cấp thiết bị, giám sát chế tạo trong nước, giám sát lắp đặt, thí nghiệm, chạy thử, bảo hành, thiết bị vật tư dự phòng cho 2 năm vận hành)…
Liên quan đến gói thầu M05, dựa trên kết quả lựa chọn nhà thầu của Tổng thầu EPC, Ban Quản lý Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 vừa ký Phụ lục Hợp đồng EPC liên quan tới Hệ thống PGD thuộc Hợp đồng EPC xây dựng nhà máy chính dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1.
Theo Phụ lục Hợp đồng được ký kết thì: “Để đảm bảo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, tiến độ và chi phí dự án, Tổng thầu có trách nhiệm phê duyệt, ký kết hợp đồng với nhà cung cấp thiết bị hệ thống FGD đảm bảo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, tiến độ trong Hợp đồng EPC đã ký kết và giá hợp đồng không được lớn hơn giá trị tương ứng của hạng mục đã được chủ đầu tư phê duyệt. Ngoài ra, Chủ đầu tư có quyền kiểm soát quá trình lựa chọn ngân hàng phát hành bảo lãnh của Tổng thầu”.
Như vậy, trong việc thực hiện gói thầu M05, Tổng thầu LILAMA là đơn vị chịu trách nhiệm chính, toàn diện trước chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà cung cấp thiết bị hệ thống FGD.
Việc triển khai gói thầu M05 được LILAMA thực hiện đúng theo yêu cầu đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật để lựa chọn được nhà thầu tốt nhất, trong đó chú ý về xuất xứ thiết bị và công nghệ nhằm đảm bảo tối ưu chất lượng của toàn hệ thống trong cả giai đoạn vận hành và sửa chữa, bảo dưỡng…
Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 với diện tích sử dụng đất khoảng 115ha, tổng mức đầu tư 43.043 tỷ đồng, nguồn than được nhập khẩu từ Australia hoặc Indonesia.Nhà máy này thuộc Trung tâm Điện lực Sông Hậu đặt tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, có tổng công suất 1.200 MW gồm hai tổ máy, do PVN làm chủ đầu tư và Lilama làm tổng thầu EPC.