Ngày 19/1, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani cho biết nước này kêu gọi các nước Arab tại vùng Vịnh thúc đẩy đối thoại với Iran sau khi Doha hòa giải quan hệ với các nước láng giềng.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Ngoại trưởng Sheikh Mohammed bày tỏ hy vọng các cuộc đối thoại với Iran sẽ diễn ra, khẳng định đây cũng là nguyện vọng chung của các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Lời kêu gọi được đưa ra nhiều tuần sau khi các thành viên chủ chốt của GCC gồm Saudi Arabia, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nối lại quan hệ với Qatar, vốn bị gián đoạn hồi tháng 6/2017, một phần vì cho rằng Qatar tỏ ra quá thân thiết với Iran và hỗ trợ các hoạt động khủng bố, song Doha đã bác bỏ cáo buộc này.
Qatar và Iran là hai nước đồng sở hữu một trong các mỏ khí đốt lớn nhất thế giới và duy trì quan hệ đối tác gần gũi. Ngoài ra, Doha còn là một đồng minh thân cận với Washington và đã từng đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran.
[Căng thẳng với Mỹ gia tăng, Iran tiến hành 3 cuộc tập trận liên tiếp]
Saudi Arabia, đối thủ chính của Tehran, đến nay vẫn chưa chính thức bày tỏ thiện chí ngoại giao với Iran. Thay vào đó, Saudi Arabia khẳng định việc nối lại đàm phán với Qatar trong tháng này đồng nghĩa các nước vùng Vịnh có thể dễ dàng hơn trong việc chống lại "các mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Iran."
Trước đó, tháng 6/2017, Saudi Arabia đã đứng đầu một liên minh - gồm cả các nước Ai Cập, UAE và Bahrain - cắt đứt quan hệ ngoại giao và liên kết vận tải với Qatar. Việc Saudi Arabia đơn phương đóng cửa biên giới trên bộ duy nhất với Qatar cũng nằm trong trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt mà Riyadh tuyên bố là trả đũa việc Doha có quan hệ mật thiết với Iran cũng như việc nước này hậu thuẫn các nhóm Hồi giáo cực đoan - một cáo buộc mà Qatar kiên quyết bác bỏ.
Tại Hội nghị thượng đỉnh GCC ngày 5/1 vừa qua, các nước nói trên đã nhất trí khôi phục hoàn toàn quan hệ với Qatar theo một thỏa thuận hòa giải do Mỹ và Kuwait làm trung gian./