Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Qatar đang làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, trong đó đề xuất thả 10-15 con tin đang bị giữ tại Dải Gaza để đổi lấy lệnh ngừng bắn trong 1-2 ngày.
Hãng tin AFP (Pháp) dẫn nguồn thạo tin nêu rõ đang diễn ra các cuộc đàm phán do Qatar làm trung gian và phối hợp với Mỹ.
Qatar là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Nhà nước Palestine, có các kênh liên lạc công khai với Hamas, lực lượng đang kiểm soát Dải Gaza, và cũng là nước đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông.
Kể từ khi xung đột Hamas-Israel bùng phát, quốc gia vùng Vịnh này đã tích cực đóng vai trò trung gian với các nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy Hamas trả tự do cho các con tin mà lực lượng này bắt giữ trong cuộc tấn công và xâm nhập bất ngờ lãnh thổ Israel ngày 7/10. Trong vài tuần gần đây, Qatar đã giúp thuyết phục Hamas trao trả 4 con tin.
Ngày 7/11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết nhiên liệu sẽ không được chuyển vào Dải Gaza và không có lệnh ngừng bắn với Hamas nếu hơn 240 con tin bị lực lượng này bắt giữ không được thả.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết quân đội nước này đang siết chặt vòng vây quanh thành phố Gaza, với mục tiêu xóa sổ lực lượng Hamas đang lẩn sâu trong các đường hầm và căn cứ dưới mặt đất. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cũng nhận định chiến dịch này không hề dễ dàng với Israel khi các con tin bị Hamas bắt giữ cũng bị đưa xuống các cơ sở dưới lòng đất.
Phía Israel thông báo hơn 240 người đã bị bắt cóc và hơn 1.400 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bất ngờ của Hamas ngày 7/10. Trong khi đó, Cơ quan Y tế Dải Gaza cho biết từ ngày 7/10 đến ngày 8/11, tổng số người thiệt mạng ở dải đất này đã lên tới 10.569, trong đó có 4.324 trẻ em và 2.823 phụ nữ, và hơn 26.000 người khác bị thương.
Hàng nghìn người Palestine đang khẩn trương sơ tán để tránh những đợt đánh bom và giao tranh khốc liệt ở Dải Gaza khi Israel thông báo siết chặt vòng vây lực lượng Hamas.
Tốc độ sơ tán dân thường từ miền Bắc xuống miền Nam Dải Gaza được đẩy nhanh khi Israel tăng cường các chiến dịch trên không và trên bộ. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết khoảng 15.000 người đã sơ tán trong ngày 7/11, tăng mạnh so với con số 5.000 và 2.000 người trong các ngày 6 và 5/11. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi ngày lại có 160 trẻ em ở Dải Gaza thiệt mạng vì ảnh hưởng của xung đột. Hơn 1,5 triệu người trên Dải Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
OCHA cho biết Israel đã yêu cầu toàn bộ 13 bệnh viện còn hoạt động ở miền Bắc Dải Gaza sơ tán các bệnh nhân. Chia sẻ trên mạng xã hội X, Hội Chữ Thập đỏ Palestine cho biết bệnh viện Al Quds đang thiếu nhiên liệu trầm trọng và có thể sẽ cạn kiệt trong ngày 8/11. Theo đó, bệnh viện này đã phải tạm dừng hầu hết các hoạt động để tiết kiệm chỗ nhiên liệu còn lại và chỉ có thể duy trì một số ít các dịch vụ trong những ngày tới.
Trong diễn biến liên quan, ngày 8/11, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto cho biết nước này sẽ điều tàu bệnh viện tới ven biển Gaza để hỗ trợ điều trị các nạn nhân của cuộc xung đột. Tàu bệnh viện khởi hành ngày 8/11 từ cảng
Civitavecchia ở miền Tây Italy với 170 nhân viên. Italy cũng đang tìm cách đưa bệnh viện dã chiến tới Dải Gaza. Hai tàu Hải quân Italy đã được điều tới khu vực nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở lại khi bộ này đang cân nhắc các phương án. Bộ trưởng Crosetto cho biết thiên về quyết định duy trì 3 tàu ở khu vực này.
[Hamas-Israel: Ai Cập kêu gọi giải quyết hòa bình khủng hoảng Gaza]
Cũng trong ngày 8/11, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ dẫn đầu trong nỗ lực tổ chức hội nghị hòa bình một cách sớm nhất có thể để bàn về cuộc xung đột Hamas-Israel.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, ông Michel cho biết hội nghị sẽ lấy cảm hứng từ những sáng kiến hòa bình trước đó và các hiệp định Abraham về bình thường hóa quan hệ giữa các nước Hồi giáo vùng Vịnh với Israel.
Cùng ngày, ông Khaled Zayed - người đứng đầu văn phòng khu vực Bắc Sinai của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập (ERC) - ghi nhận đến nay đã có khoảng 600 chuyến xe chở 9.000 tấn hàng viện trợ tới Dải Gaza thông qua cửa khẩu Rafah.
Theo ông Zayed, kể từ khi cuộc xung đột Hamas-Israel bùng phát, hàng viện trợ từ 19 quốc gia và 14 tổ chức quốc tế đã được chuyển tới Gaza thông qua của khẩu Rafah. Đến nay, 89 máy bay mang theo 7.700 tấn hàng viện trợ từ 33 quốc gia và tổ chức đã hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế El-Arish ở tỉnh Bắc Sinai, địa phương có đường biên giới chung với Gaza.
Giới chức Ai Cập thông báo trong ngày 8/11, một đoàn gồm 65 xe tải chở theo thuốc men, lều trại, nước khoáng và sữa bột dành cho trẻ em đã di chuyển từ quốc gia Bắc Phi qua cửa khẩu Rafah.
Cũng trong ngày 8/11, giới chức Hà Lan thông báo nước này sẽ điều tàu hải quân chở theo hàng viện trợ nhân đạo tới Dải Gaza.
Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn thông báo của lực lượng Hải quân Hoàng gia Hà Lan có đoạn: “Chúng tôi đã đưa tàu tuần duyên MS Holland vào trạng thái sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ và con tàu này sẽ di chuyển tới vùng biển gần Cộng hòa Cyprus vào cuối tháng này. Đây là hành động chuẩn bị cho công tác viện trợ nhân đạo hoặc sơ tán nếu thấy cần thiết."'
Theo thông báo, Hà Lan chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vai trò của tàu MS Holland, nhấn mạnh quyết định ở “cấp độ quốc tế” sẽ được đưa ra về việc vận chuyển hàng viện trợ tới Gaza thông qua đường bộ hay đường biển.
Trong khi đó, Tổng thống Nikos Christodoulides tuyên bố Cộng hòa Cyprus - quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có vị trí địa lý gần Dải Gaza nhất - “sẵn sàng đóng vai trò trong thời gian tới.”
Hiện Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng đang trên đường tới Israel để hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Benjamin Netanyahu. Trước đó, nhà lãnh đạo Hà Lan đã gặp gỡ giới chức Qatar ở Doha./.