Báo Le Monde (Pháp) số ra mới đây cho rằng để chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử đang đến rất gần, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - do không được tín nhiệm về các vấn đề sinh thái và xã hội - đang thúc giục những người ủng hộ ông đóng vai trò “quảng cáo” hay “đại diện thương mại” để làm nổi bật những thành tựu của nền kinh tế Pháp thời gian qua bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, điều này có thể sẽ không phát huy tác dụng đối với các cử tri Pháp.
Mặc dù vẫn chưa chính thức ứng cử, nhưng chắc chắn ông Macron đã có kế hoạch hành động cho chiến dịch tranh cử tổng thống, trong đó có việc bảo vệ bảng thành tích nhiệm kỳ của ông trước các chỉ trích của phe đối lập. Cánh tả buộc tội ông theo đuổi chính sách có lợi cho người giàu.
Cánh hữu chỉ trích ông không đảm bảo được an ninh cho đất nước. Đương nhiên, không có chuyện ông Macron để mặc cho phe đối lập liên tục phủ nhận những thành quả trong nhiệm kỳ của ông. Tại một cuộc họp chính phủ hồi đầu tháng Chín vừa qua, ông Macron đã thúc giục các bộ trưởng của ông rằng "chúng ta phải chuẩn bị cho hành động của mình. Còn 100 ngày để bảo vệ thành quả nhiệm kỳ, 100 ngày cho chiến dịch bầu cử.”
Trước đó, trong một bữa tiệc chiêu đãi tại Điện Elysée ngày 12/7, ông đã kêu gọi các nghị sỹ phe đa số "đi thực địa, gõ từng cửa" để quảng bá thành tích nhiệm kỳ của ông - điều mà nhiều người dân Pháp chưa thừa nhận và ông cho rằng hành động đó là không công bằng với ông.
Quan điểm này cũng nhận được chia sẻ của nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ. “Chúng tôi đã làm rất nhiều điều nhưng chưa gây được ấn tượng với công chúng,” một cố vấn trong chính phủ Macron phàn nàn.
Những người ủng hộ "ứng cử viên tổng thống" phải trở thành những “nhân viên tiếp thị” (VRP) cho nhiệm kỳ 5 năm của Macron, mà nhiệm vụ ở đây là thuyết phục người dân Pháp về sự cần thiết phải gia hạn “hợp đồng thuê nhà” của ông tại Điện Elysée.
Ngày 23/9 vừa qua, trong chuyến làm việc tại thành phố Lyon, Christophe Castaner, Chủ tịch nhóm Cộng hòa Tiến bước (LRM-đảng do Macron thành lập) trong Quốc hội - đã bắt đầu phân phát một tập tài liệu dài 8 trang nhằm phục vụ cho chiến dịch tranh luận của từng nghị sĩ phe đa số.
Đây chính là một trong những hoạt động được đề ra cho kế hoạch bảo vệ bảng thành tích nhiệm kỳ mà LRM phát động từ đầu tháng 9, với khẩu hiệu ngắn gọn "5 năm nữa."
Phân phát một tờ rơi dài 6 trang với số lượng phát hành 1 triệu bản, lập một trang web đặc biệt, thực hiện chiến dịch quảng bá sử dụng mã hình ảnh của Netflix với thông điệp cũng là những nội dung trong kế hoạch này. Mọi hành động đều nhằm mục đích làm cho dân chúng hiểu rằng trong 5 năm vừa qua, Tổng thống Macron đã "tiếp tục cải cách," kể cả trong thời gian diễn ra phong trào biểu tình “áo vàng” hay đại dịch kéo dài.
[Chính phủ Pháp bảo vệ quyết định giảm thuế và tăng chi tiêu ngân sách]
Một khẩu hiệu khác đã được nhắc lại, đó là khả năng của tổng thống trong việc bảo vệ người dân trước đại dịch COVID-19. Ngoài thành tích quản lý y tế là các chương trình hỗ trợ tài chính khổng lồ chu cấp một phần trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, hoặc rót hàng tỷ euro để trợ giúp các doanh nghiệp.
Bất kể là giá nào” thì các chương trình này cũng đã giúp duy trì nền kinh tế và đưa nó phục hồi nhanh hơn như hiện nay,” Thủ tướng Jean Castex nhấn mạnh trên báo Les Echos ngày 27/9.
Đối mặt với những chỉ trích từ phe đối lập, trong đó có cáo buộc ông đã tăng thêm gánh nợ trong cuộc khủng hoảng và tiếp tục chi tiền công như nước để “tưới đẫm” tất cả các lĩnh vực kinh tế trong thời gian 7 tháng trước bầu cử, Tổng thống Macron gần đây đã lập luận rằng ông không “chi tiêu bừa bãi” mà các chương trình được đưa ra đều là nhằm “đầu tư” để vực dậy nền kinh tế. Nếu cánh hữu quy kết ông “đốt tiền” ông, một cựu nhân viên ngân hàng, sẽ biến bảng thành tích kinh tế của mình thành một quân át chủ bài trong chiến dịch tranh cử sắp tới.
Theo đánh giá của Jacqueline Gourault, Bộ trưởng Bộ liên kết lãnh thổ, tăng trưởng kinh tế Pháp ước tính đạt 6% cho năm 2021, trong khi tỷ lệ thất nghiệp dừng ở mức 8%.
Tổng thống Macron thường tự hào về chính sách thuế “thân doanh nghiệp” mà chính phủ của ông ban hành nhằm làm cho đất nước trở nên “hấp dẫn hơn” đối với các nhà đầu tư. "Chiến lược mà chúng ta theo đuổi trong 4 năm đang mang lại kết quả," ông khẳng định nhân chuyến công tác tại tỉnh Hautes-Pyrénées ngày 16/7 vừa qua, đồng thời viện dẫn "những lợi ích cụ thể" của việc giảm thuế đối với các công ty.
Nếu các hộ gia đình giàu nhất nước Pháp được hưởng lợi từ việc bãi bỏ thuế liên đới đối với tài sản (ISF), các nhà vĩ mô lại thích đề cập đến các biện pháp có lợi cho sức mua của tầng lớp trung lưu (trong đó có việc bãi bỏ thuế nhà ở) và tích sản (giảm đóng góp của người ăn lương). Thế nhưng, đánh giá này còn lâu mới nhận được sự công nhận của đa số người dân Pháp.
Theo kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 20/9 của OpinionWay-Square, có tới 58% số người được hỏi coi hành động kinh tế kể từ năm 2017 của Macron là tiêu cực.
Vậy ông Macron có thể giữ lại được gì từ nhiệm kỳ 5 năm? Nicolas Sarkozy gây ấn tượng với vấn đề lương hưu, François Hollande gây ấn tượng với vấn đề kết hôn cho tất cả... Macron có cải cách tiêu biểu nào để nhớ? Đây chính là câu hỏi thường khiến các nhà vĩ mô bối rối. Không thể "khoe" chuyện tiền lương hưu, họ muốn nêu ra vô số biện pháp để thuyết phục người dân rằng chính phủ Macron đã làm thay đổi đất nước “theo chiều sâu.”
“Vấn đề không phải là cải cách để cho có cải cách, nó không phải là la bàn cho hành động chính trị của chúng ta. Câu chuyện ở đây là làm sao cải thiện được cuộc sống của người dân Pháp và tăng cường ảnh hưởng của đất nước trong khuôn khổ châu Âu,” Chủ tịch Quốc hội Richard Ferrand bày tỏ quan điểm.
Còn một mảng tối khác trong bức tranh nhiệm kỳ của Macron: những người trung thành với ông đã rất tiếc khi phải thừa nhận khó khăn trong việc đề cao thành tích của ông trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là xã hội. Nhân rộng các lớp dự bị tiểu học (CP) ở các khu vực dân cư nhạy cảm, trợ giúp người cao tuổi, cải cách chế độ xã hội tối thiểu và trợ cấp lương thực...
Bất chấp hàng loạt biện pháp được chính phủ coi là “bằng chứng” cho cam kết giảm bất bình đẳng, ông Macron vẫn không nhận được nhiều sự tín nhiệm của người dân về lĩnh vực này.
Theo nhìn nhận của một số thành viên trong chính phủ hiện nay, về "nhận thức," ông Macron đến nay vẫn được nhiều cử tri coi là tổng thống cánh hữu, trong khi về "hiện thân," các bộ trưởng từ cánh tả ít được lắng nghe hơn những người từ cánh hữu.
“Cho dù có làm gì cho xã hội thì cũng không gây được ấn tượng!,” một cố vấn của Điện Elysée than thở sau khi trích dẫn chính sách miễn phí về chăm sóc răng miệng, nhãn khoa và trợ thính của chính phủ. Chưa hết, trên tạp chí Challenges ngày 1/9, bản thân Tổng thống Macron cũng đã nhắc lại "những tiến bộ xã hội" mà nước Pháp đã đạt được trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, trong đó có cả việc tăng gấp đôi thời gian nghỉ sinh con hoặc hỗ trợ sinh sản (PMA) cho tất cả phụ nữ.
Đánh giá thành tích bảo vệ môi trường cũng cay đắng như vậy. Kể từ khi cựu Bộ trưởng Chuyển tiếp sinh thái Nicolas Hulot rời chính phủ vào mùa hè năm 2018, Macron đã không thể rũ bỏ hình ảnh của một tổng thống “không có biện pháp khẩn cấp về khí hậu” như cáo buộc thường xuyên của các nhà sinh thái học.
Chính phủ có thể nhắc lại những tiến bộ quan trọng đạt được trong nhiệm kỳ 5 năm, ví dụ như việc từ bỏ dự án sân bay Notre-Dame-des-Landes, nhưng theo kết quả cuộc thăm dò của Harris Interactive công bố ngày 2/9 vừa qua, có tới gần 2/3 số người Pháp được hỏi cho rằng chính quyền làm chưa đủ trong lĩnh vực này.
Bảng thành tích của ông Macron có vẻ nhiều sắc thái hơn trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền tổng thống (an ninh, tư pháp, nhập cư). Nếu như có thể vui mừng vì ông đã biết xoay sở để bù lấp những thiếu hụt ban đầu thì sau đó, Điện Elysée lại hụt hẫng vì không thể dập tắt những lời chỉ trích từ cánh hữu và cực hữu, vốn liên tục chỉ trích tổng thống là người thiếu kiên quyết.
Cựu Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner lưu ý: “Khi nói đến chủ đề an ninh, kết quả không phải là tất cả. Vấn đề ở đây là nhận thức. Các số liệu đều rất tốt, nhưng chỉ cần xảy ra một vụ việc gây sốc và một rủi ro nào đó là bỏ đi tất thảy.”
Nhận thức của dư luận quả thực là nghiêm trọng. Theo một cuộc thăm dò của Odoxa công bố hồi tháng 5/2021, bất chấp các nỗ lực của ông Macron, 78% người Pháp vẫn tỏ ý không tin tưởng chính phủ trong cuộc chiến chống tội phạm.
Nếu người đứng đầu nhà nước yêu cầu đội ngũ của mình tập trung vào việc cải thiện bảng thành tích nhiệm kỳ thì những người trung thành với ông sẽ thấy đây là bước đi đầu tiên hướng tới chiến dịch tranh cử tổng thống. Đối với họ, sau khi làm nổi bật hành động trong quá khứ thì điều cần làm trước hết phải là vạch ra đường lối cho tương lai.
Ông Castaner cảnh báo: “Có một thành tích tốt là điều cần thiết để có thể tiến lên, nhưng điều đó không đảm bảo cho chiến thắng. Nếu không, ông Jospin đã được bầu lại,” ám chỉ đến trường hợp của cựu thủ tướng thuộc Đảng Xã hội bị loại ngay ở vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống năm 2002 bất chấp việc trước đó đã đạt được thành tích rất tốt về điều hành kinh tế./.