Quan chức Đức hy vọng Anh sẽ đảo ngược quyết định rời EU

Mặc dù thừa nhận rằng khó có thể xảy ra, song giới chức Đức nhận định việc đảo ngược quyết định Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, sẽ là điều tốt đẹp.
Quan chức Đức hy vọng Anh sẽ đảo ngược quyết định rời EU ảnh 1(Nguồn: nytimes.com)

Mặc dù thừa nhận rằng khó có thể xảy ra, song giới chức Đức nhận định việc đảo ngược quyết định Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, sẽ là điều tốt đẹp.

Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 17/6, Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries cho rằng cả Brussels và London đều nên tiến hành đàm phán Brexit theo kế hoạch.

Theo bà, mặc dù điều này là không dễ dàng, song một sự nhượng bộ là hoàn toàn có thể. Bà cũng lấy làm tiếc về quyết định rời EU của Anh, đồng thời nhấn mạnh nghiên cứu của bộ này cho thấy Brexit sẽ khiến kinh tế Anh thiệt hại nhiều hơn so với Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Theo quan chức Đức, việc đảo chiều quyết định Brexit là rất có ý nghĩa, song bà thừa nhận đây là một kịch bản bất khả thi và thiếu tính thực tế.

Tuyên bố của Bộ trưởng Zypries cũng đồng quan điểm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble.

[Chính phủ Anh nêu điều kiện ký thỏa thuận rời Liên minh châu Âu]

Trước đó, cả hai chính khách này đều khẳng định "cánh cửa của EU vẫn mở nếu Anh thay đổi quyết định rời khỏi mái nhà chung."

Các tuyên bố trên của giới chức châu Âu được đưa ra trong bối cảnh người dân Anh đã giảm bớt sự ủng hộ đối với đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May, đảng chủ trương Brexit.

Trong cuộc bầu cử trước thời hạn vừa qua, đảng này đã mất 12 ghế so với kỳ bầu cử trước, trong khi Công đảng tăng 30 ghế.

Dự kiến Bộ trưởng Anh phụ trách vấn đề Brexit, David Davis sẽ gặp nhà đàm phán của EU là ông Michel Barnier vào ngày 19/6 tới, mở đầu vòng đàm phán đầu tiên về việc Anh rời EU.

Tiến trình đàm phán giữa Anh và EU dự kiến sẽ kéo dài 2 năm, với nhiều vấn đề phức tạp chưa từng có trong lịch sử hình thành EU.

Chính phủ của Thủ tướng May đã từng lên các kế hoạch Brexit "cứng", bao gồm rời khỏi thị trường chung EU, đạt một thỏa thuận hải quan mới và hạn chế người nhập cư từ châu Âu.

Tuy nhiên, thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua có thể sẽ định hình lại kế hoạch Brexit của Anh.

Thủ tướng May đang chịu áp lực ngày càng tăng từ phía các nhà lập pháp trong đảng Bảo thủ của bà hối thúc bà có lập trường mềm mỏng hơn.

Bản thân Thủ tướng May cũng đã thừa nhận với các thành viên đảng Bảo thủ rằng cần một sự đồng thuận rộng rãi hơn về chiến lược đàm phán Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.