Quân đội Đức sẽ có gần 200.000 binh lính vào năm 2024

Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Ursula von der Leyen, đã công bố kế hoạch củng cố sức mạnh quân đội nước này, theo đó dự kiến tăng quân số thêm 5.000 người, lên 198.000 binh lính vào năm 2024.
Quân đội Đức sẽ có gần 200.000 binh lính vào năm 2024 ảnh 1Binh sỹ Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Ursula von der Leyen, ngày 21/2 đã công bố kế hoạch củng cố sức mạnh quân đội nước này, theo đó dự kiến tăng quân số thêm 5.000 người, lên 198.000 binh lính vào năm 2024.

Kế hoạch này ước tính sẽ khiến Đức tiêu tốn thêm khoảng 955 triệu euro mỗi năm kể từ năm 2024.

Thông tin trên được Bộ trưởng Quốc phòng Đức đưa ra trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ đang gây sức ép yêu cầu tăng mức đóng góp ngân sách đối với các đồng minh châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bà Ursula von der Leyen cho rằng tăng cường sức mạnh quân đội Đức là cần thiết trong tình hình hiện nay, khi quân đội nước này đang phải đối mặt với những thách thức và nhiệm vụ chưa từng có trước đây.

Bà cho rằng quân đội Đức cùng lúc phải đáp ứng một cách thích hợp và hiệu quả với sứ mệnh triển khai quân ở nước ngoài, song song với nhiệm vụ đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng về an ninh ở trong nước.

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, quân đội Đức đã hạn chế thực thi các nhiệm vụ ở nước ngoài. Tuy nhiên, những năm gần đây, Berlin đã tham gia tích cực hơn trong các nhiệm vụ quốc tế như tại Afghanistan, Mali và cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Hồi tháng Một, Đức đã triển khai 1.000 quân đến Litva trong thành phần lực lượng đa quốc gia của NATO nhằm bảo vệ biên giới phía Đông của khối này.

Hồi năm 2014, các thành viên NATO đã nhất trí chấm dứt việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng và cùng hướng đến mục tiêu dành 2,0% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho lĩnh vực này vào năm 2024.

Hiện Đức đang sử dụng 1,22% GPD cho quốc phòng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.