Ngày 31/10, quân đội Israel thông báo binh lính của nước này đang “giao tranh ác liệt” với Phong trào Hồi giáo Hamas bên trong Dải Gaza.
Theo tuyên bố của quân đội, Israel đã đánh trúng 300 mục tiêu trong đêm thứ tư của chiến dịch trên bộ tại Dải Gaza, sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu bác lời kêu gọi ngừng bắn của cộng đồng quốc tế. Phía Israel cho biết hàng chục thành viên của Hamas đã thiệt mạng trong vài giờ qua.
Quân đội Israel cũng thông báo đã sử dụng hệ thống phòng không Arrow, lần đầu tiên kể từ khi bùng nổ cuộc cuộc xung đột với Hamas từ ngày 7/10, để đánh chặn một tên lửa được phóng từ khu vực Biển Đỏ hướng vào lãnh thổ của Nhà nước Do Thái.
Động thái trên diễn ra giữa lúc căng thẳng leo thang trong bối cảnh cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza. Tuyên bố trên nêu rõ: “Một tên lửa đã được bắn về phía lãnh thổ Israel từ khu vực Biển Đỏ và đã bị hệ thống phòng không Arrow đánh chặn thành công."
Cơ quan Nội vụ tại Dải Gaza cũng xác nhận binh lính Israel đã tiến vào phía Bắc vùng lãnh thổ này và đóng quân tại các khu vực Al-Tawam và Al-Karama.
[WHO cảnh báo nguy cơ xảy ra thảm họa y tế công cộng ở Dải Gaza]
Người phát ngôn cơ quan trên, ông Iyad al-Bozzom cũng cho biết một số xe của quân đội Israel đang tiến vào phố al-Rasheed dường như nhằm cô lập thành phố Gaza và khu vực phía Bắc với phía Nam.
Theo giới chức y tế tại Gaza, kể từ khi bùng phát cuộc xung đột mới nhất giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel ngày 7/10 tới nay, ít nhất 8.525 người đã thiệt mạng, trong đó có ít nhất 3.542 trẻ em và 2.187 phụ nữ.
Phía Israel không công bố số liệu thương vong mới trong nhiều ngày qua. Trước đó, giới chức Israel cho biết khoảng 1.400 người ở Israel thiệt mạng và 240 người bị bắt cóc.
Giao tranh dữ dội tại Dải Gaza trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo tại vùng lãnh thổ này ngày càng trở nên trầm trọng.
Ngày 31/10, một quan chức thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ xảy ra "thảm họa y tế công cộng" tại Dải Gaza khi người dân di dời hàng loạt và cơ sở hạ tầng cung cấp nước, dịch vụ vệ sinh bị hư hỏng.
Tương tự, người phát ngôn Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh do mất nước khi nguồn cung cấp nước sinh hoạt chỉ ở mức 5% so với bình thường./.