Theo Press TV, ngày 28/10, kênh truyền hình Press TV của Iran đưa tin Trung tướng quân đội Mỹ Paul Funk, chỉ huy liên quân do Mỹ đứng đầu chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), đã bày tỏ rằng Mỹ có thể duy trì sự hiện diện quân sự tại Iraq cho dù là quân đội Iraq gần như đã quét sạch hoàn toàn các tay súng IS ra khỏi quốc gia Arập này.
Tướng Funk hôm 26/10 đã nói bóng gió rằng Washington cần chuẩn bị cho sự hiện diện "lâu dài" ở Iraq.
Phát biểu với tờ USA Today của Mỹ, Tướng Funk cho biết: "Tôi nghĩ chúng ta cần tự điều chỉnh để chuẩn bị cho trách nhiệm lâu dài nhằm xây dựng năng lực cho đối tác ở khu vực này. Tôi cho rằng đó chính là lộ trình mà chúng ta đang hướng tới song điều đó sẽ do các nhà hoạch định chính sách quyết định."
[Các lực lượng Iraq tấn công thành trì cuối cùng của phiến quân IS]
Cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq James Jeffrey được dẫn lời cho rằng sự hiện diện của các lực lượng Mỹ sẽ có thể duy trì ở mức dưới 5.000 binh sỹ từ con số hiện nay là 5.500.
Theo ông Jeffrey, sự hiện diện lâu dài có thể được Mỹ duy trì ở quốc gia Trung Đông này sẽ giúp "tạo ra thế cân bằng trước ảnh hưởng của Iran."
Cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq nêu rõ: "Iran vẫn giữ lập trường phản đối việc tiếp tục duy trì sự hiện diện của Mỹ (tại Iraq), nhưng Washington có thể nên thuyết phục Baghdad để gạt sang một bên sự phản đối của Tehran."
Theo các chuyên gia, Iran vốn "không thích thú" với sự hiện diện của Mỹ ở khu vực. Tehran từ lâu đã có quan điểm rằng những vấn đề của khu vực nên để các nước trong khu vực tự giải quyết và rằng sự can thiệp quân sự của các quốc gia ở bên ngoài khu vực chỉ tạo thêm các vấn đề.
Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 26/10 tuyên bố rằng Mỹ đã bắt đầu giảm sự hiện diện quân sự và rằng không lực Mỹ sẽ không còn cần thiết nữa một khi IS bị xóa sổ hoàn toàn.
Cùng ngày, quân đội Iraq đã giành lại một số căn cứ quân sự và làng mạc bị IS chiếm đóng. Quân đội Iraq giành thắng lợi này khi triển khai một đợt tấn công truy quét tàn quân IS đang cố thủ trong lãnh thổ Iraq.
Trước đó, tháng 7/2017, với sự hỗ trợ của Mỹ, các lực lượng Iraq đã giành lại quyền kiểm soát thành phố Mosul - thành phố lớn thứ hai của quốc gia Trung Đông này. Sự sụp đổ của Mosul đã đặt dấu chấm hết cho cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo" tự phong mà IS tuyên bố thành lập trên các vùng lãnh thổ của Iraq và Syria hồi năm 2014.
Sau đó 1 tháng, chính quyền Iraq tuyên bố các lực lượng nước này đã giành lại quyền kiểm soát khu vực phía Bắc thành phố Tal Afar và phần còn lại của tỉnh Nineveh, một trong những thành trì cuối cùng của IS ở miền Bắc Iraq, sau chiến dịch kéo dài gần 2 tuần. Thắng lợi của các lực lượng Iraq là "cú đòn" giáng mạnh vào tàn quân IS tại nước này./.