Quân đội Pháp sẽ ở vùng Sahel cho đến khi không còn khủng bố

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa cam kết sẽ tăng cường chiến dịch chống các phần tử Hồi giáo cực đoan đang hoành hành ở khu vực gọi là Sahel ở miền Bắc và miền Tây châu Phi.
Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita (thứ 2, bên phải) và Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) thị sát chiến dịch chống khủng bố Barkhane của Pháp triển khai ở vùng Sahel, Gao ngày 19/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa cam kết sẽ tăng cường chiến dịch chống các phần tử Hồi giáo cực đoan đang hoành hành ở khu vực gọi là Sahel ở miền Bắc và miền Tây châu Phi, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Đức trong nhiệm vụ này.

Phát biểu tại cuộc họp báo tại Gao (Mali), nơi ông đã hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Ibrahim Boubacar Keita, và thăm một phần trong số 1.600 lính Pháp đang chiến đấu tai Mali, ông Macron cho biết sẽ duy trì sự hiện diện của quân đội Pháp trong vùng Sahel "cho đến khi không còn mối đe dọa khủng bố ở đây."

Ông Macron khẳng định chiến dịch sẽ được tăng cường trước những dấu hiệu cho thấy là các nhóm Hồi giáo vũ trang đang liên kết lại với nhau.

[Ông Emmanuel Macron thăm binh sỹ Pháp đóng quân tại Mali]

Theo tân Tổng thống Pháp, cần phải đẩy nhanh các nỗ lực để bảo đảm an ninh cho toàn vùng Sahel.

Ngoài việc tăng tốc chiến dịch quân sự, trợ giúp phát triển kinh tế vùng Sahel nghèo khó cũng nằm trong chiến lược của Tổng thống Pháp.

Đối với ông Macron, Pháp sẽ tiếp tục đảm nhiệm các chiến dịch quân sự ở Bắc và Tây châu Phi, nhưng Đức và các nước châu Âu khác có thể làm nhiều hơn hiện nay để trợ giúp cả về quân sự lẫn về phát triển kinh tế.

Tổng thống Macron xác nhận sắp tới, ông sẽ tham gia cuộc họp của nhóm G5 Sahel - bao gồm Cộng hòa Chad, Niger, Burkina Faso, Mali và Mauritania, những nước thuộc địa trước đây của Pháp.

Pháp đã can thiệp vào Mali từ năm 2013 nhằm đánh bật các nhóm vũ trang có liên hệ với al-Qaeda vốn đã chiếm miền Bắc Mali một năm trước đó.

Hiện, Pháp vẫn triển khai 4.000 quân trong khu vực trong khuôn khổ chiến dịch mang tên Barkhane nhằm chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan vũ trang.

Chiến dịch trên đã mở đường cho Liên hợp quốc triển khai hơn 10.000 lính mũ xanh ở Mali.

Về phần mình, hồi tháng 1/2017, Đức cũng đã cho phép đưa 8 trực thăng và tăng viện 350 quân, nâng lực lượng lính mũ xanh người Đức tại Mali lên 1.000 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục